10 năm lập nghiệp của chàng trai trường nghề ở New York

(CTG) Xuất phát điểm với chứng chỉ thiết kế đồ họa ở Việt Nam và vốn tiếng Anh ít ỏi, sau 10 năm, Minh Đức trở thành quản lý hình ảnh tại Le Labo - hãng nước hoa thuộc Estee Lauder, Mỹ.

Nguyễn Trần Minh Đức, 34 tuổi, thường được gọi là Duke Winn, hiện làm thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh gia, quay phim, đạo diễn phim tài liệu tại New York, Mỹ.

Anh đang quản lý hậu kỳ hình ảnh tại trụ sở New York của Le Labo. Đây là hãng nước hoa thuộc Estée Lauder, công ty được định giá hơn 50 tỷ USD sở hữu nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng. Đức cùng đội sáng tạo đảm bảo màu sắc, bố cục, hiệu chỉnh để đồng nhất hình ảnh của nhãn hàng từ ảnh, video, mạng xã hội, website, marketing... ở hệ thống cửa hàng toàn cầu. Đức cũng chỉ đạo các buổi chụp hình, quay phim cho hãng.

Ngoài ra, Đức giữ vai trò sáng tạo hình ảnh cho nhà thiết kế gốc Việt Peter Do; Eva Chen, Giám đốc quan hệ đối tác thời trang của Instagram và ngôi sao Kpop Johnny Suh tại Met Gala năm 2022. Anh vừa chụp ảnh, quay phim vừa phỏng vấn về quá trình chuẩn bị sự kiện của họ.

"Có thời điểm gấp gáp, mình phải vác đồ nghề rất nặng, chạy lên xuống 8 tầng của một khách sạn cổ gần nơi tổ chức sự kiện để kịp công việc. Đó là dự án lớn nhất, vất vả nhất và cũng tự hào nhất", anh chia sẻ.

Nguyễn Trần Minh Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Trần Minh Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Đức mê và học vẽ thời trang từ nhỏ. Tuy vậy, do biến cố gia đình, anh từ bỏ, chuyển sang học thiết kế đồ họa tại Aptech Arena Multimedia - đơn vị đào tạo đa phương tiện tại các nước châu Á. Từng chọn vì "gia đình bảo học để kiếm cái nghề", Đức càng học càng thích, biết mỗi thứ một chút, từ thiết kế đồ họa, thiết kế kỹ thuật số, làm phim...

Học ngành rộng, lại không có định hướng rõ ràng, thành ra việc nào anh cũng thử. Đức bắt đầu từ việc thiết kế website cho một kênh truyền hình. Sau đó, anh làm cho các tạp chí và nhà thiết kế thời trang. Công việc của anh là lên kế hoạch, chụp ảnh, quay phim cho các bộ sưu tập mới.

Có bố ở Mỹ, Đức quyết định đến Texas, năm 23 tuổi. Vì không có bằng cấp, vốn tiếng Anh ít ỏi, những công việc đầu tiên của anh là bưng phở, làm ở tiệm làm móng. Nghĩ học lấy bằng mất 4 năm, chưa kể tốn khá nhiều tiền nên Đức thử tìm việc. Sau nửa năm không kiếm được việc đúng chuyên môn, anh liều dùng tiền tiết kiệm chuyển đến New York với suy nghĩ "nếu không làm được sẽ về nước". Tai đây, Đức làm mọi dự án nếu có cơ hội, thậm chí có lúc tác nghiệp 14 tiếng mỗi ngày.

Anh nhìn nhận khó khăn lớn nhất ban đầu không chỉ là ngôn ngữ mà còn bởi môi trường, khối lượng công việc khổng lồ trong ngành thời trang Mỹ.

"Ngành thời trang đổi mới liên tục nên công việc đến rất nhanh, mình phải cố gắng để theo kịp và chất lượng phải tốt", Đức chia sẻ."Chưa kể văn hóa làm việc phương Tây cũng rất thẳng thừng và khắt khe, không có chuyện du di hay lấp lửng việc gì".

Đến nay, trải qua hơn 10 năm lăn lộn, anh vẫn dùng từ "kinh khủng" để nhận xét về lĩnh vực này.

"Kinh khủng vì tầm vóc và khả năng sáng tạo của mọi người quá lớn, đặc biệt ở nơi như New York. Mình có động lực và cảm hứng nhiều hơn, nhưng đôi khi cũng rất áp lực, cảm thấy nhỏ bé", Đức chia sẻ. Năm 2021, anh lập công ty MOT Pictures, để vừa tiện quản lý công việc, vừa tạo động lực, thúc đẩy bản thân chăm chỉ, tiến xa hơn nữa.

Mặt khác, anh nhận ra chính kinh nghiệm làm dự án, các mối quan hệ công việc từ Việt Nam trong portfolio cũng có thể bù đắp cho bằng cấp. Portfolio là hồ sơ năng lực dạng hình ảnh khi đi xin việc. Theo Đức, ngành sáng tạo đòi hỏi trau dồi kỹ năng qua thực hành, nên ham làm để xây dựng portfolio vững chắc là bí kíp sinh tồn. Bằng cấp sẽ cần thiết hơn đối với những người muốn làm chuyên gia hay giảng dạy về sáng tạo hình ảnh.

"Làm việc với các nhà thiết kế nổi tiếng, mình không trực tiếp ứng tuyển mà qua giới thiệu. Khi xem qua portfolio, làm thử mà hợp thì họ sẽ hợp tác với mình tiếp", Đức nói.

Mỗi dự án, Minh Đức đều đăng sản phẩm lên Facebook, Instagram... thậm chí đăng cả những bức ảnh, video hậu trường để mọi người hiểu phong cách, nếu thích sẽ liên lạc hợp tác. Anh cho biết 90% công việc freelance (chụp ảnh, quay phim cho các dự án thời trang) đến từ mạng xã hội.

Minh Đức (phải) cùng đồng nghiệp ở Le Labo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Minh Đức (phải) cùng đồng nghiệp ở Le Labo. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đức còn nhiều năm thiết kế đồ họa chuyển động các bộ phim cho trẻ em ở Nickelodeon thuộc Paramount, hãng truyền thông với hơn 4,3 tỷ người đăng ký. Với kinh nghiệm làm phim từ đây, cộng thêm tự học từ sách vở, Youtube, anh thử sức với phim tài liệu. Đầu năm ngoái, bộ phim New York Tết Stories, kể câu chuyện Tết trong lòng các bạn trẻ Việt nơi anh sống, được đón nhận.

"Cộng đồng Việt Nam ở New York ít được chú ý hơn so với California, Texas... nên mình muốn giới thiệu về hình ảnh người Việt ở đây", Đức nói.

Qua làm phim, anh học được nhiều kỹ năng như lên kịch bản, đạo diễn, sắp xếp thời gian, nhất là kỹ năng kết nối với nhân vật. Vốn là người ít nói, Đức thấy đây cơ hội để gặp gỡ nhiều người, tập dạn dĩ hơn để mời, dẫn dắt các nhân vật kể câu chuyện của mình.

Nhiếp ảnh gia, travel blogger Nhị Đặng là đồng nghiệp ở HTV3, bạn thân lâu năm của Đức.

"Mình rất ngưỡng mộ sự siêng năng và đam mê tìm tòi của Đức. Từ thiết kế đồ họa bước sang làm phim tài liệu và được công nhận, đó là kết quả của quá trình kiên trì sáng tạo", chị kể.

Sắp tới, Đức sẽ ra mắt phim New York Viet Stories, thử nghiệm làm phim tài liệu có dung lượng dài hơn kèm podcast trò chuyện với nhân vật. Ở công việc chính, anh quản lý hậu kỳ hình ảnh cho chiến dịch quảng bá dòng nước hoa và cửa hàng mới của Le Labo.

Hậu trường Met Gala 2022, nơi Minh Đức tác nghiệp cho NTK Peter Do. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hậu trường Met Gala 2022, nơi Minh Đức tác nghiệp cho NTK Peter Do. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhìn lại 10 năm qua, Minh Đức trân trọng những bài học, kiến thức và kinh nghiệm làm thiết kế đồ họa ở Việt Nam, giúp anh có nền tảng vững chắc khi làm nghề.

"Đến bây giờ, những kiến thức cơ bản về bố cục, màu sắc, khối của thiết kế đồ họa vẫn rất quan trọng khi mình làm bất cứ dự án nào", anh nói.

Theo Vnexpress