Học sinh chế tạo thiết bị kiểm soát trên xe

(CTG) Sau câu chuyện học sinh không may bị bỏ quên trên xe đưa rước dẫn đến những cái chết oan uổng, một nhóm học sinh tại TP.HCM đã nghiên cứu và chế tạo thiết bị giúp kiểm soát học sinh khi đi xe đưa rước...

Nhóm tác giả vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến thêm nhiều tính năng cho thiết bị

Nhóm học sinh (HS) gồm Quách Kiến Huy, Nguyễn Gia Khang, Nguyễn Bách, Nguyễn Viết Trung Kiên và Quách Kiến Long, đều đang học lớp 9 Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM). Thiết bị của nhóm vừa xuất sắc giành giải vàng tại Cuộc thi Thiết kế, chế tạo, ứng dụng 2019 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Thiết bị tiện ích

Tận tay cầm thiết bị, người viết hỏi nhóm tác giả: “Với thiết bị chỉ nhỏ trong lòng bàn tay thế này, làm sao để kiểm soát số lượng HS đi xe đưa rước?”. Quách Kiến Huy giải thích: “Thiết bị kiểm soát có thể đếm số lượng HS trên xe thông qua việc quét thẻ ID vào thiết bị. Mỗi HS chỉ có một mã ID, do đó số liệu ghi lại sẽ luôn đúng. Như vậy tài xế chỉ cần quan sát số liệu đếm HS được hiển thị trên thiết bị trong quá trình lên và xuống xe. Đồng thời, tài xế sẽ thực hiện kiểm tra xe nếu thấy số liệu đếm không được trả về số “0” trong quá trình HS xuống xe”.

Thiết bị của nhóm đã được sử dụng trên tất cả 18 xe đưa rước của trường

Còn theo Gia Khang, thiết bị có chức năng lưu lại thông tin của một chuyến xe bao gồm ngày, giờ, tên HS, lớp, số xe và trạng thái HS lên xuống xe. Nhờ những thông tin này nhà trường và tài xế có thể phối hợp kiểm soát HS khi đi xe. Và phụ huynh cũng được cung cấp những thông tin này nếu cần thiết”.

Nói về quy trình vận hành, Quách Kiến Huy cho biết: “Đầu tiên khởi động thiết bị, mỗi lần tắt mở tương ứng với việc cập nhật một chuyến xe mới. Tiếp đến, HS lên xe tiến hành quẹt thẻ và bộ đếm sẽ tăng tương ứng với số HS trên xe. Sau đó, khi đón đủ, tài xế cũng tiến hành quẹt thẻ để chốt số lượng. Tương tự, HS xuống xe cũng quẹt thẻ và bộ đếm sẽ giảm tương ứng. Tài xế kiểm tra nếu bộ đếm đã trả về số “0” thì khởi động lại máy chuẩn bị cho chuyến xe mới. Ngược lại, tài xế phải kiểm tra lại xe và tiến hành bấm nút xem HS nào chưa quét thẻ và yêu cầu quét lại (hoặc báo thông tin đó về nhà trường).

“Thiết bị chỉ đặt trên xe, nếu HS xuống xe mà không vào trường thì mình kiểm soát thế nào?”, người viết hỏi. “Tụi em đã nghĩ đến phương án đó, và đang tiếp tục nghiên cứu để cải tiến thiết bị thành dạng cổng từ vừa đặt trên xe vừa đặt ngay cổng trường. Với chiếc cổng từ này, HS chỉ cần lên hay xuống xe sẽ được cập nhật lại mà không cần dùng thẻ, cũng tương tự như vậy khi vào cổng trường. Vì thế, sẽ tránh được trường hợp HS có lên và xuống xe đưa rước nhưng không vào trường”.

Học sinh an toàn, phụ huynh an tâm

Chia sẻ cặn kẽ về cấu tạo của thiết bị, Huy cho biết đầu tiên là mạch chính gồm linh kiện là mạch board Arduino Uno R3 (dùng trong nghiên cứu) và board Arduino Nano (dùng trong thực nghiệm). Thứ 2 là khối giao tiếp chuẩn I2C (Inter-Integrated Circuit), sử dụng để biết được thời gian thực và ứng dụng vào việc lấy thông tin HS đi xe đưa rước một cách trực tiếp. Tiếp đến là khối giao tiếp chuẩn SPI (Serial Peripheral Bus) sẽ cho phép ta đọc thông tin từ thẻ nhớ SD và so sánh với mã thẻ ID khi HS thực hiện thao tác quét thẻ. Khối này còn có ứng dụng lưu lại tất cả thông tin của HS khi đi xe.

 

Theo TNO