Kinh nghiệm giúp tân sinh viên thích nghi môi trường mới

(CTG)Lần đầu sống xa gia đình đến một môi trường mới, nhiều tân sinh viên tỏ ra bỡ ngỡ và khó thích nghi khi làm chủ cuộc sống tự lập

Tránh cạm bẫy đầu đời 

Nhớ lại công việc đầu tiên mà mình nhận cách đây hơn 1 năm khi đỗ vào Đại học Ngoại thương, đến giờ Nguyễn Vân Đan (sinh viên năm 2 ngành Kinh doanh Quốc tế) vẫn vô cùng bức xúc. Đan kể: “Khi mới nhập học, gia đình mình khó khăn nên mình phải đi tìm việc làm thêm. Mình đã nhận công việc viết bài trực tuyến với mức tiền khá hời là 30.000 đồng cho một bài viết khoảng 150 từ. Tuy nhiên, điều mình nhận lại sau gần 2 tháng làm việc chỉ là lời cảm ơn, còn người hứa trả tiền thì mất tích”.

Rời xa gia đình để học đại học, nhiều tân sinh viên không tránh khỏi những “sóng gió” đầu đời
Rời xa gia đình vào đại học, nhiều tân sinh viên dễ bị rơi vào "cạm bẫy" đầu đời (ảnh minh họa)

Cũng tin vào lời giới thiệu trên trang mạng xã hội “việc nhẹ lương cao chỉ cần có máy tính và khả năng ngoại ngữ”, Trần Đại Nghĩa (Sinh viên năm 2, Đại học Hà Nội) khi đó mới nhập học năm thứ nhất đã làm theo các chỉ dẫn của chủ bài đăng tuyển cộng tác viên dịch thuật nhưng cái kết vẫn là mất tiền.

“Tôi đọc được bài tuyển cộng tác viên dịch thuật đúng lĩnh vực đang học nên thấy rất hào hứng. Lúc đầu tôi nạp vào trong tài khoản được cấp 200.000 đồng để có thể kích hoạt tài khoản để dịch. Tuy nhiên khi nạp tiền xong thì mọi thứ biến mất, tiền cũng mất luôn.”, Đại Nghĩa chia sẻ.

Không chỉ những công việc ảo khiến các bạn sinh viên mất tiền và công sức mà những công việc có thật cũng gây ra tình trạng “tiền mất, tật mang”. Những thông tin mô tả việc làm một đằng, thực tế một nẻo cũng không ít, trong đó phần nhiều là đa cấp núp bóng với những chiêu trò tận dụng sức lao động của các bạn trẻ.

Nhiều chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ tân sinh viên để chiếm đoạt tài sản
Nhiều chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ tân sinh viên để chiếm đoạt tài sản

Vì thế, các anh, chị đi trước đưa ra lời khuyên với những bài đăng tuyển dụng tìm người làm thêm không có địa chỉ liên hệ rõ ràng, mức lương hấp dẫn nhưng không yêu cầu kinh nghiệm, mô tả công việc sơ sài, phải đóng tiền trước để bắt đầu công việc... tân sinh viên phải hết sức cẩn trọng, bởi đây rất có thể là "bẫy"

Học đại học phải sống xa nhà với cuộc sống tự lập và có nhiều mối quan hệ mới, các tân sinh viên cần tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ xã hội và chính mình.

Tập trung học tập ngay từ khi bắt đầu 

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục nhận định: “Nhiều tân sinh viên có thể thất bại ngay ở một trường đại học top đầu nếu như không có ý chí, thái độ nghiêm túc trong việc học. Ngược lại, sinh viên mới nhập học có thể thành công ở một ngôi trường không nổi tiếng nếu như các bạn học tập với thái độ nghiêm túc và có nghị lực vươn lên. Vì học tập ở môi trường đại học rất khác so với học ở trường phổ thông”.

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn tân sinh viên
GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục đưa ra nhiều lời khuyên cho các bạn tân sinh viên

Hiện nay, đa số các trường đều tổ chức học tập theo hình thức tín chỉ nên việc chủ động và linh hoạt sẽ có vai trò rất quan trọng. Hệ thống hỗ trợ sinh viên ở các đơn vị đào tạo gồm có cố vấn học tập, các phòng ban, trợ lý khoa… cũng là kênh mà sinh viên nên tiếp cận để có các thông tin và hỗ trợ chính thống.

Là người đi trước và nhận thấy hậu quả khôn lường nếu không tập trung học ngay từ năm thứ nhất, Nguyễn Xuân Khoa (Bí thư Liên chi đoàn Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã đề cao tầm quan trọng của việc tự học: “Nếu không được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng tốt, nhiều sinh viên có thể bị “sốc”, không kịp thích ứng và trượt dài trong sự thất bại”.

Xuân Khoa đặc biệt lưu ý, tiếng Anh hiện nay rất quan trọng, phần lớn các trường đại học đều quy định mức chuẩn đầu ra tiếng Anh đối với sinh viên. Nếu các bạn không đạt chuẩn tiếng Anh thì rất có khả năng bị cảnh báo học tập hay sinh viên sẽ ra trường muộn mà đánh mất nhiều cơ hội.

“Các em cần tỉnh táo, nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới”, Xuân Khoa chia sẻ
“Các em cần tỉnh táo, nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới”, Xuân Khoa chia sẻ

“Khi vào trường, các em nên tiếp cận thầy, cô, các tổ chức Đoàn, Hội để có những hướng dẫn và hỗ trợ cần thiết nhất. Học đại học là một môi trường độc lập nên sinh viên cần phải chủ động trong thời gian, trong sinh hoạt và các mối quan hệ bạn bè”, thạc sĩ Phan Hoàng Quỳnh (Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đưa ra lời khuyên.

Học đại học nơi phố thị phồn hoa giúp sinh viên có nhiều cơ hội để phát triển nhưng cũng có thể trở thành làn sóng dữ nhấn chìm tương lai của tân sinh viên, nếu các bạn không biết cách thích ứng tích cực.

Theo GS.TS Phạm Quang Trung – Học viện Quản lý Giáo dục:

Khác với môi trường học tập ở trường phổ thông, học đại học, các em cần có tâm thế chủ động, tự học và có phản biện. Bốn năm trên giảng đường là khoảng thời gian quý giá để các em lĩnh hội kiến thức, kỹ năng. Vì thế, các em cần nỗ lực, cố gắng không ngừng để gia tăng giá trị của bản thân và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Các em cần nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới. Không đơn thuần là chăm chỉ đọc sách, nghiên cứu tài liệu hay chuyên cần lên giảng đường ghi chép bài đầy đủ, các em cần rèn cho mình bản lĩnh, kỹ năng, phẩm chất, hiểu biết xã hội và năng lực nghề nghiệp.

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô