Những đứa trẻ bị tống tiền bằng video 'nóng', phụ huynh làm gì để bảo vệ con?

(CTG) Từ vụ bé gái 11 tuổi bị nam thanh niên dụ quay video nhạy cảm, sau đó kẻ này đe dọa, cưỡng đoạt tài sản đã dấy lên nỗi bất an với phụ huynh.

Hoang mang, lo lắng

Thông tin từ cơ quan Công an tỉnh Hà Giang, vào ngày 19.12 đã ra quyết định tạm giữ đối với Võ Hồng Đức Minh (25 tuổi, ngụ tại Q.4, TP.HCM) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo đó, trong quá trình sử dụng tài khoản Facebook cá nhân, Minh có trò chuyện với một bé gái 11 tuổi và dụ gọi video quay lại các bộ phận nhạy cảm. Sau đó Minh sử dụng video nhạy cảm để đe doạ, cưỡng đoạt tài sản với nạn nhân.

Câu chuyện này đã làm xôn xao dân mạng, khi những kẻ biến thái đã nhắm tới những nạn nhân còn nhỏ.

Đáng nói vụ việc trên không phải cá biệt. Vào tháng 10 vừa qua, Công an Q.8, TP.HCM cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thanh Sang (43 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh) để điều tra về tội cưỡng đoạt tài sản.

Kẻ này khai thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã làm quen nhiều trẻ em, sau đó dụ dỗ "chat sex", chia sẻ hình ảnh, video nhạy cảm, khơi gợi tình dục để thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Không dừng lại ở đó, kẻ này thu thập hình ảnh và clip này, sau đó đe dọa, ép buộc nạn nhân phải làm theo các yêu cầu như tiếp tục gửi hình ảnh, video nhạy cảm và tống tiền nạn nhân.

Từ những vụ việc vừa kể, trên những hội, nhóm làm cha mẹ ở Facebook, nhiều ý kiến bày tỏ sự hoang mang, lo lắng, sợ con mình rơi vào "bẫy" mà những kẻ có hành vi đê hèn giăng ra, trở thành nạn nhân của vấn nạn dùng video "nóng" tống tiền.

Những đứa trẻ bị tống tiền bằng video 'nóng', phụ huynh làm gì để bảo vệ con?- Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội từ rất sớm

Hồi chuông cảnh báo

Theo chuyên gia tâm lý Đỗ Thảo Hạnh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, vào năm 2022, khi tham gia hội nghị tập huấn "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức, chị cảm thấy buồn với những con số rất đáng lo và suy ngẫm. Đó là 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng internet nhưng chỉ có 36% nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Trong đó, 1% trẻ bị dụ dỗ gửi ảnh, video về bộ phận nhạy cảm, 2% trẻ em bị yêu cầu về trò chuyện tình dục...

"Không thể phủ nhận thực tế là ngày nay trẻ em sử dụng điện thoại thông minh cũng như mạng xã hội rất sớm. Cha mẹ thoải mái cho con sử dụng mà quên việc dạy con về vấn đề an toàn trên không gian mạng", chị Hạnh nói.

Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tâm lý Lê Hồ Bích Ngân, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm (TP.HCM), đã nhắc lại một vụ việc đã từng xảy ra ở tỉnh Đồng Nai. Một học sinh lớp 5 nhận tin nhắn Zalo từ người lạ. Nội dung có yêu cầu nữ sinh tự quay và gửi video khỏa thân để tham gia cuộc thi "người đẹp lứa tuổi 12 – 15…" và được nhận trà sữa miễn phí.

"Câu chuyện đó và những vụ việc gần đây chính là hồi chuông cảnh báo đối với phụ huynh. Kẻ xấu có thể tiếp cận con qua mạng xã hội để dụ làm những điều xằng bậy nhằm mục đích đê hèn, tống tiền", chị Ngân cho biết.

Theo chị Ngân, khi phụ huynh cho con sử dụng điện thoại thông minh hay mạng xã hội quá sớm đồng nghĩa tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thể kể như con vô tình tiếp cận những nội dung độc hại, ảnh hưởng đến sự phát triển. Trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trên mạng, bị dụ dỗ thực hiện những hành vi không đúng…

Những đứa trẻ bị tống tiền bằng video 'nóng', phụ huynh làm gì để bảo vệ con?- Ảnh 2.

Nhiều cha mẹ thoải mái cho con sử dụng mà quên việc dạy con về vấn đề an toàn trên không gian mạng

"Chính vì thế, để bảo vệ trẻ trước những rủi ro có thể xảy đến bất cứ lúc nào, cha mẹ cần quan tâm con cái. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc trẻ sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội. Để có thể kịp thời ngăn ngừa hậu quả khi con truy cập vào đường link có nội dung độc hại, liên hệ tương tác với kẻ xấu, cũng như tránh được những câu chuyện đau lòng", chị Ngân cho hay.

Chị Hạnh thì cho rằng trẻ thường tò mò, hiếu kỳ, chưa có nhận thức đúng cũng như tâm lý thích được cho tiền, tặng quà… nên rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ. Vì thế, phụ huynh phải thường xuyên định hướng, dạy con cách sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn. Phải giám sát những hoạt động của con trên không gian mạng.

"Nếu phát hiện con cố tình lén sử dụng điện thoại thông minh. Hay con có những biểu hiện bất an, lo sợ… thì hãy trò chuyện để con chia sẻ vấn đề đang gặp phải. Không may gặp trường hợp bị kẻ xấu dọa dẫm, tống tiền… thì cần phải liên hệ trình báo cơ quan chức năng, cũng như nhờ Hội Bảo vệ quyền trẻ em can thiệp", chị Hạnh nói.

Chiêu thức mới lừa đảo trẻ em

Giữa tháng 12, theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), gần đây xuất hiện việc tin tặc lợi dụng sự say mê của trẻ em với các trò chơi điện tử nổi tiếng như Fortnite và Roblox để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cụ thể, kẻ xấu sẽ phát tán dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc tải xuống tệp đính kèm có nội dung "truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích". Nhiều trẻ đã bấm tải mà không biết đó là những địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại. Và kẻ xấu đã đánh cắp được những thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng.

Để ngăn chặn việc trẻ em trở thành nạn nhân của mô hình lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo cả trẻ em và người lớn đều phải có đủ hiểu biết và chủ động. Phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ cho trẻ nội dung về việc không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; dạy trẻ kỹ năng nhận biết cũng như bảo vệ mình trước những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng. Đồng thời, khuyến khích trẻ chia sẻ thường xuyên các tình huống, tin nhắn đáng ngờ mà trẻ gặp phải.

Những đứa trẻ bị tống tiền bằng video 'nóng', phụ huynh làm gì để bảo vệ con?- Ảnh 3.

Phụ huynh phải thường xuyên dạy con cách sử dụng mạng xã hội an toàn

Cũng theo đại diện Cục An toàn thông tin, phụ huynh cũng nên thường xuyên theo dõi các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống, đồng thời cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ.

Theo TN