Ông thầy tiểu học 'truyền lửa' boxing

(CTG) Đó là chia sẻ của nhiều học sinh Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh (quận 7, TP.HCM). Môn thể dục với các em là vui vẻ, năng động, đặc biệt là được học với thầy Võ Lê Tâm.

Thầy Võ Lê Tâm trong một tiết dạy thể dục tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, quận 7, TP.HCM  - Ảnh: MỸ DUNG

 Thầy Võ Lê Tâm trong một tiết dạy thể dục tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, quận 7, TP.HCM - Ảnh: MỸ DUNG

"Thầy Tâm ơi, thầy Tâm ơi"... Tiếng học sinh gọi thầy vang lên như vậy khi chúng tôi đến Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh - nơi thầy Võ Lê Tâm làm giáo viên và tổ trưởng môn giáo dục thể chất của trường.

Thầy Tâm cũng là trọng tài của Giải vô địch boxing Việt Nam 2023 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua tại tỉnh Đắk Lắk.

Đến với nghề thầy từ một... tai nạn

Thầy Võ Lê Tâm sinh năm 1991, tại Quảng Ngãi. Từ năm 14 tuổi, chàng trai ấy đã đến với bộ môn boxing và từ đó vừa đi học vừa tập luyện, Võ Lê Tâm đã trở thành vận động viên boxing của tỉnh Quảng Ngãi.

Tốt nghiệp lớp 12, Võ Lê Tâm vẫn muốn trở thành vận động viên môn boxing nên thi vào Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê là vận động viên môn boxing.

Lúc này, sinh viên Võ Lê Tâm vừa đi học vừa tập luyện và tham gia thi đấu với vai trò là vận động viên môn boxing của một số tỉnh thành phía Nam.

Cứ như thế, sau những giờ là sinh viên ở Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM, chàng trai Võ Lê Tâm lại miệt mài tập luyện và tìm nơi để trở thành vận động viên chuyên nghiệp trong môn boxing. Rồi Tâm trở thành vận động viên môn kick boxing của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhưng năm 2013, một biến cố xảy ra trong khi tập luyện khiến Võ Lê Tâm bị gãy tay. Đối với một vận động viên môn đối kháng như boxing, việc gãy tay đồng nghĩa phải dừng thi đấu và từ bỏ việc trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

Giữa thời điểm buồn bã vì ước mở trở thành vận động viên chuyên nghiệp lâu dài dang dở và chưa biết cuộc sống sẽ đi về đâu, Võ Lê Tâm được giới thiệu đến dạy giáo dục thể chất tại Trường tiểu học Lê Anh Xuân (quận 7).

"Thời gian dạy tại đây không nhiều nhưng khi tiếp xúc với các em học sinh, sự hồn nhiên, đáng yêu và những tình cảm quý mến của các bạn nhỏ đã khiến mình khi chia tay rồi chỉ muốn đến với nghề dạy học", thầy Võ Lê Tâm nhớ lại.

Những tình cảm đó khiến Võ Lê Tâm quyết định nộp đơn thi tuyển viên chức để trở thành giáo viên và năm 2014, sau khi đậu kỳ thi tuyển viên chức, thầy Võ Lê Tâm được phân công về dạy tại Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh và làm việc tại đó cho đến hôm nay.

"Việc trở thành giáo viên tiểu học với tôi như duyên số vậy. Tôi may mắn và hạnh phúc khi được học trò yêu mến và đồng nghiệp giúp đỡ, yêu thương nên ngày càng cảm thầy nghề giáo như một định mệnh của mình", thầy Tâm chia sẻ.

Thầy giáo đa năng

Thầy Tâm bắt đầu với nghề dạy học cũng là bắt đầu tiếp xúc rất nhiều với học sinh. Những tình cảm với học sinh đã khiến thầy Võ Lê Tâm đi đến quyết định mở một câu lạc bộ boxing miễn phí dành cho các em học sinh cấp THCS, THPT tại quận 7.

"Tôi thấy bộ môn boxing là một môn có thể giúp các bạn nhỏ tập luyện để tăng cường sức khỏe. Hơn nữa, khi đi dạy học, tôi thấy nhiều học sinh có đam mê nhưng không thể trang trải chi phí để tập luyện nên tôi muốn tạo cơ hội cho các em tập luyện miễn phí để nuôi dưỡng ước mơ học tập, rèn luyện của bản thân", thầy Tâm kể.

Cũng vì thế, trong những năm qua, buổi ngày dạy ở Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, buổi tối thầy Tâm đảm nhiệm vai trò là huấn luyện viên trưởng của đội tuyển boxing quận 7, huấn luyện viên đội tuyển boxing trẻ TP.HCM và đồng thời đến với câu lạc bộ boxing dành cho học sinh khó khăn để tập luyện cho các em.

 

Mới đây, cuối tháng 11-2023, thầy Võ Lê Tâm đã được Liên đoàn Quyền anh Việt Nam mời tham gia điều hành Giải vô địch boxing toàn quốc năm 2023 và được đánh giá là một trọng tài kỹ tính, nhiều triển vọng.

"Tôi tham gia công tác trọng tài hai năm nay ở một số giải đấu của thành phố, của quốc gia. Được các liên đoàn tín nhiệm mời tham gia trọng tài, tôi rất vui mừng và cố gắng học hỏi, trau dồi để làm tốt công việc của mình.

Có người nói tôi kỹ tính, tôi rất vui. Tôi quan niệm làm trọng tài cũng giống như làm thầy giáo, điều quan trọng nhất là phải công tâm để mang lại cơ hội cho các vận động viên là như nhau", thầy Tâm nói.

Với thầy Tâm, những hoạt động thể thao bên ngoài nhà trường cũng là cách giúp thầy sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ dạy học bên trong nhà trường. "Tôi muốn tham gia các hoạt động thể thao bên ngoài nhà trường để bổ sung thêm nhiều phương pháp và tiếp cận cái mới để càng ngày càng làm tốt hơn công việc nhà giáo của mình", thầy Tâm chia sẻ.

Thầy giáo mà em yêu quý

"Thầy giáo mà em yêu quý nhất là thầy dạy môn thể dục, thầy tên là Tâm. Thầy có hình dáng cao, thon thả, tóc đen mượt, nước da đen khỏe khoắn. Thầy rất hiền, vui tính, thương yêu học sinh...

Thầy có giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng. Thầy thường dạy các động tác thể dục cho học sinh, cho học sinh chơi tự do. Em nhớ nhất kỷ niệm thầy đưa em đi thi đấu cờ vua, thi đấu bóng rổ, buộc tóc cho em. Em rất yêu quý thầy và em mong thầy luôn mạnh khỏe".

(trích bài văn viết về thầy Tâm của một học sinh lớp 3 Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh)

 

Điểm nổi bật nhất ở thầy Tâm là tấm lòng yêu nghề, mến trẻ. Thầy luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên trên trong công tác giảng dạy và mang đến cho học sinh những giờ học thật vui, sinh động, hiệu quả.

Không chỉ vậy, thầy luôn tích cực, nhiệt tình với mọi công tác của nhà trường. Bất cứ hoạt động nào thầy Tâm đều là người đầu tiên xông xáo, nhiệt tình hỗ trợ.

Cô Tố Uyên (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh)

Theo Tuổi Trẻ