Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

(CTG) Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 4 với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng đã được tái hiện tại Chùa Khmer Kh'léang thuộc Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây - Hà Nội).

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Lễ hội tái hiện Tết cổ truyền của người Khmer với nhiều hoạt động đa dạng như mang lễ vật đến chùa làm lễ rước Đại Lịch; dâng trai tăng đến chư tăng, ni; lễ đắp núi cát; lễ tắm tượng Phật;...

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức vào các ngày 13, 14, 15 tháng 4 (Dương lịch) hằng năm. Theo tiếng Khmer, “Chôl” có nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là năm mới. Gần đến Tết, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer như A-Cha tổ chức quy tụ Phật tử để trang trí, sơn phết lại ngôi chùa.

Các gia đình Khmer cũng tập trung sửa sang nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn, thức uống và bánh trái cho những ngày Tết. Bánh tét, bánh ít và bánh gừng là biểu tượng cho sự no ấm và thịnh vượng, được cúng trên bàn thờ ông bà tổ tiên, sử dụng trong lễ vật và tiếp khách trong những ngày Tết.

Đêm giao thừa, mọi nhà đều thắp nhang và cúng trên bàn thờ để tiễn vị thần Têu-va-đa cũ và chào đón vị mới với hy vọng được ban phước trong năm mới.

Tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, thay vì tổ chức 3 ngày như Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, chùa Khmer Kh'léang tổ chức gói gọn trong một ngày với đầy đủ các nghi thức tín ngưỡng quan trọng.

Đầu tiên là nghi thức mang lễ vật đến chùa làm lễ rước Đại Lịch, dâng trai tăng đến chư tăng, ni. Với nghi thức này, mọi người tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc đẹp, đem theo nhang, đèn, phẩm vật đến chùa rước Đại Lịch (Maha sang-kran). Maha sang-kran được đặt trên kiệu vàng, mọi người đứng xếp hàng đi quanh chánh điện ba vòng, sau đó vào bên trong chánh điện Tụng kinh lễ bái Tam bảo để chào mừng năm mới.

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1

Lễ tắm Phật tại chùa.

Tiếp theo là lễ tắm tượng Phật, gột rửa điều xấu ác trong tâm, nguyện cầu sự mát mẻ, an lành, hạnh phúc. Các vị chư tăng và bà con phật tử tắm tượng Phật bằng nước ướp hương thơm để thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ đức Phật. Sau đó, họ chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn và rửa sạch điều không may của năm cũ, hy vọng năm mới vạn sự như ý.

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 2

Nghi thức đắp núi cát.

 

Ở nghi thức thứ ba, phật tử tham gia lễ đắp núi cát cầu phúc duyên, tránh kiếp nạn, cầu cho mưa thuận gió hòa. Mọi người dâng lễ cho chư tăng và đắp núi cát thành tám ngọn núi nhỏ và một núi trung tâm, đây là biểu tượng cho sự bền vững của vũ trụ. Các phật tử thắp hương để cầu cho thời tiết thuận lợi với những ước nguyện của mình.

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 3

Cuối cùng là nghi thức cúng dường trai Tăng. Với nghi thức này, các phật tử thể hiện tấm lòng hiếu thảo và biết ơn với sự giảng dạy của các vị thầy trong việc tu tập để áp dụng những giá trị Phật pháp vào cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, nghi thức này cũng là cơ hội để các phật tử thể hiện lòng thành kính và mong muốn nhận được sự chúc phúc, chỉ dẫn từ các vị chư Tăng trong quá trình tu tâm, tiến bộ trên con đường tu học.

Sư cô Ngọc Liên chia sẻ: “Thực ra đây là nghi lễ để nhớ ơn đến bậc ông bà cha mẹ, Tết Chôl Chnăm Thmây nói đến vị Phạm Thiên 4 mặt thường được các chùa chiền đúc làm tượng. Phạm Thiên ở đây có nghĩa là cha mẹ, họ là người có ân với các con, những người con cháu cho dù đi xa đến đâu vẫn phải quay về, tụ họp các anh chị em rồi sau đó đảnh lễ ông bà, cha mẹ và bày tỏ lòng sám hối. Sau đó, cha mẹ sẽ chúc phúc cho các con với sự an vui và khỏe mạnh. Vị tượng 4 mặt đó với tâm từ là Từ - Bi - Hỷ - Xả, đây chính là tấm lòng của cha mẹ dành cho các con.”

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 4

Tết Chol ChnămThmây thu hút đông đảo Phật tử tham dự.

Tết cổ truyền mang lại những cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa với các phật tử. Chị Vi Nhã Lý (Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào khi Tết cổ truyền được tái hiện tại miền bắc. Sự kiện này không chỉ là dịp để kỷ niệm năm mới mà còn là cơ hội để tôi kết nối với truyền thống văn hóa của dân tộc mình và cảm nhận sự linh thiêng và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng”.

Tái hiện Tết Chôl Chnam Thmay 2024 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 5

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ là dịp kỷ niệm chu kỳ năm mới của người Khmer, mà còn là cơ hội giáo dục về lòng hiếu thảo, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Đây là thời điểm để mọi người gặp gỡ, chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm và dự định cho tương lai. Đồng thời cũng là dịp để người Khmer truyền đạt ước mơ hạnh phúc và lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và cha mẹ của mình.

Theo Nhân Dân