9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè

(CTG) 'Khoác' lên diện mạo mới cho trái dừa sáp không chỉ giúp anh Nguyễn Hải Âu khởi nghiệp thành công mà còn góp phần nâng tầm giá trị và hình ảnh đặc sản nức tiếng xứ Cầu Kè.

Anh Nguyễn Hải Âu có nhiều tâm huyết trong việc nâng tầm giá trị và hình ảnh đặc sản dừa sáp quê hương /// ẢNH: THANH DUY
Anh Nguyễn Hải Âu có nhiều tâm huyết trong việc nâng tầm giá trị và hình ảnh đặc sản dừa sáp quê hương
 
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học tại Trường ĐH Cần Thơ, anh Nguyễn Hải Âu (25 tuổi, ngụ H.Cầu Kè, Trà Vinh) quyết định đi thực tập 2 năm tại các nông trại ở Israel trước khi bước vào khởi nghiệp. Chuyến đi này giúp anh hình dung rõ hơn về những phương cách người bản xứ làm đẹp mắt, tiện dụng các sản phẩm nông nghiệp thô để có thể đi xa trong nước và xuất khẩu.
 
Khi trở về nước, những câu chuyện ăn nên làm ra của các bậc 'tiền bối' lập nghiệp ngay trên địa phương càng thôi thúc chàng trai đất Trà Vinh miệt mài nghiên cứu tiềm năng quê hương. Lấy cảm hứng từ dừa Ba Đốt (Bến Tre), anh loé ý tưởng khởi nghiệp từ đặc sản dừa sáp Cầu Kè.
 
9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè - ảnh 1

Sản phẩm hoàn thiện được đóng gói đẹp mắt

 
'Dừa sáp là đặc sản ở Trà Vinh nhưng đa phần chỉ bày bán ở dạng thô, bao trong bọc lưới. Diện mạo còn đơn điệu nên ít thu hút khách hàng và kén sự lựa chọn để làm quà. Đặc biệt, khâu bổ dừa cũng rất khó xử lý, ngay cả người 'sành ăn' cũng làm nứt, manh mún, dập phần cơm dừa, ảnh hưởng đến hương vị sản phẩm. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng thiết kế nắp bật và tạo diện mạo đẹp mắt cho trái dừa để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận', anh Âu nói.
 
Các công đoạn thành phẩm của dừa sáp 'cách tân' không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự kỳ công. Các bước lột vỏ, gọt thô, tạo đế, đánh bóng đều làm thủ công. Khâu làm nắp bật, logo là sau cùng và được gia công bằng kỹ thuật khắc laser. Vì vậy, để sản phẩm có bố cục cân đối tương thích với thông số chuẩn, anh Âu phải đích thân đến các nhà vườn lựa chọn những trái dừa tương đồng về kích thước và trọng lượng.
 
9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè - ảnh 2

Nắp bật dễ dàng giúp người tiêu dùng thưởng thức trọn vẹn hương vị dừa sáp

 
Anh Âu chia sẻ: 'Khi đến tay người tiêu dùng, hình thức đẹp mắt, sự tiện dụng của trái dừa sẽ tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn. Đặc biệt, khách hàng có thể tái sử dụng phần gáo để làm các vật dụng tiện ích trong nhà bếp, trồng cây làm đẹp không gian sống'.
 
9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè - ảnh 3

Nắp bật dễ dàng giúp người tiêu dùng thưởng thức trọn vẹn hương vị dừa sáp

 
Anh Âu cho biết việc lựa chọn trái dừa có chất lượng là rất quan trọng vì một buồng tầm 10 - 15 trái thì chỉ có 2 - 3 trái là ruột đặc. Từng bị rủi ro, sự quyết tâm học hỏi kinh nghiệm từ bậc thâm niên trong vùng đã giúp anh tích luỹ được bí quyết ưu tiên lựa chọn những trái dừa sáp có phần cơm dày, sánh đặc, mềm dẻo.
 
9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè - ảnh 4

Phần gáo dừa được tái sử dụng để làm những đồ dùng tiện ích

 
Với tâm huyết đưa danh tiếng dừa sáp Cầu Kè vang xa đến mọi miền đất nước, mỗi sản phẩm đều được bao bì, đóng gói kỹ càng; đính kèm thư cảm ơn, thông tin nguồn gốc, công dụng, hướng dẫn sử dụng; mã QR để khách hàng có thể truy cập vào fanpage là nơi chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện, kiến thức thú vị về trái dừa sáp.
 
9X khởi nghiệp từ phiên bản 'cách tân' dừa sáp Cầu Kè - ảnh 5

Phần gáo dừa được tái sử dụng để làm những đồ dùng tiện ích

 
Dừa sáp Cầu Kè phiên bản 'cách tân' có giá 200.000 đồng/sản phẩm. Bắt tay khởi nghiệp chưa lâu nhưng anh Âu đã có một lượng khách hàng tương đối. Anh cho biết đang nghiên cứu thêm cách bảo quản dừa sáp được lâu hơn trong nhiệt độ thường. Sắp tới, anh sẽ tìm hiểu quy cách làm muỗng, móc khoá từ các bộ phận khác của cây dừa sáp để góp phần nâng tầm giá trị hơn nữa cho đặc sản quê hương.
 
Nguồn: TNO