8h30 hôm nay (5/5), Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023 với chủ đề “Chính sách việc làm cho thanh niên”. Diễn đàn diễn ra tại Hội trường Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) và kết nối trực tuyến với 67 điểm cầu tại trụ sở các Tỉnh, Thành đoàn, Đoàn trực thuộc.
Diễn đàn tập trung trao đổi chính sách việc làm cho thanh niên Ảnh: Xuân Tùng |
Coi trọng chất lượng tư vấn hướng nghiệp, môi trường kinh doanh
Lê Anh Tiến, CEO CHATBOT Việt Nam, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019 cho biết: Hệ thống chính sách việc làm cho thanh niên đang gặp phải nhiều thách thức. Dù đã có nhiều chính sách, đào tạo và tư vấn hướng nghiệp, cũng như các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để đảm bảo rằng thanh niên có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm và khởi nghiệp. Thực trạng việc làm cho thanh niên cũng không khả quan. Trong tình hình kinh tế khó khăn vừa trải qua đại dịch COVID-19 nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng và duy trì hoạt động. Điều này ảnh hưởng đến thanh niên, nhất là những người mới tốt nghiệp hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc. Vì vậy, chính sách việc làm cho thanh niên cần được điều chỉnh và bổ sung để phù hợp với tình hình mới. Theo tôi, cần tăng cường đầu tư vào đào tạo và bồi dưỡng nghề nghiệp để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, trong đó tập trung vào các ngành có nhu cầu lao động cao, tiềm năng phát triển. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của các chương trình tư vấn hướng nghiệp, thông tin về cơ hội việc làm và khởi nghiệp; có chương trình đào tạo, trang bị kỹ năng (như giao tiếp, làm việc nhóm, lãnh đạo...) và trình độ cần thiết cho thanh niên trong những lĩnh vực khác nhau để họ thành công trong công việc và khởi nghiệp. Tăng cường sự hợp tác giữa doanh nghiệp, trường học và cơ quan chức năng để xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ cho thanh niên trong việc tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp. Thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghệ và truyền thông, đặc biệt là lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, và các nền tảng trực tuyến, để tạo ra nhiều cơ hội việc làm và khởi nghiệp cho thanh niên. Đẩy mạnh việc hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên. Cải thiện mức sống, thu nhập của người lao động ở nông thôn Anh Hồ Xuân Vinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 nói: Sau dịch COVID-19, nhiều bạn trẻ đã định hình lại mục tiêu nghề nghiệp, lối sống mới; có xu hướng về quê lập nghiệp, tìm đến những mô hình kinh doanh xanh, bền vững. Song song với việc làm chủ tại quê hương, phát triển kinh tế tư nhân, nhiều bạn trẻ trở về các vùng quê để tìm kiếm việc làm ổn định, xây dựng gia đình. Việc phát triển nhiều nhà máy, xí nghiệp tại các vùng nông thôn sẽ giúp cho số lượng việc làm tại nông thôn nhiều lên, giúp nhiều lao động gắn bó với quê hương và xây dựng các vùng quê trở nên đáng sống. Là một thanh niên lập nghiệp tại vùng quê, chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của các vùng nông thôn trong thời gian vừa qua, tôi rất mong sẽ có quỹ tài chính khởi nghiệp trong thanh niên, giúp thanh niên phát triển kinh tế, với lãi suất vay vốn tốt hơn mức thương mại, có điều kiện vay thuận lợi hơn, chẳng hạn khảo sát dòng tiền, nhu cầu của các đơn vị khởi nghiệp cho vay, thay vì chỉ căn cứ vào mỗi tài sản đảm bảo. Các cụm công nghiệp có quỹ đất, có thể quy định trong khi quy hoạch, ít nhất 10% quỹ đất cụm công nghiệp dành cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, khi quy hoạch đất đai cơ quan chức năng cần dành ra một số diện tích đất nông nghiệp để cho đơn vị khởi nghiệp thuê, có thể cho người trong huyện thuê, từ đó sẽ giúp quỹ đất được tận dụng tối đa, tìm được nhu cầu lớn hơn. Liên kết việc làm, giới thiệu việc làm, giúp các bạn khi trở về quê tìm thấy cơ hội việc làm tại địa phương. Có nhiều chính sách nâng cao được mức sống, thu nhập của người lao động tại địa phương. Nâng cao chất lượng đời sống thanh niên công nhân Chị Võ Thị Hồng Thắm, Bí Thư Chi Đoàn KumHo Samco Buslines, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn cho biết: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển của công nghệ mà ngày càng có nhiều khu công nghiệp, chế xuất, thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh chính sách việc làm từ khâu tuyên truyền phổ biến chính sách, tư vấn hướng nghiệp đến đào tạo nghề, thông tin thị trường lao động... để phù hợp với thực tiễn, yêu cầu công việc và bảo đảm thanh niên không bị cưỡng bức, bóc lột sức lao động. Đặc biệt, cần có thêm chính sách đối với thanh niên ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để có môi trường phấn đấu và làm việc, việc làm, thu nhập ổn định đủ trang trải cuộc sống ở đô thị. Đồng thời, có chính sách nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng những thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ người lao động; có chính sách cụ thể giải quyết nhà ở cho thanh niên công nhân... Những chính sách này sẽ góp phần đảm bảo, đáp ứng nhu cầu chính đáng về vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm... giúp thanh niên công nhân yên tâm lao động sản xuất, cống hiến. theo TPO |