Biến phế phẩm thành thương phẩm

CTG - Đôi vợ chồng trẻ dám dấn thân thử nghiệm kinh doanh những mặt hàng không giống ai. Họ đã biến những phế phẩm bỏ đi thành sản phẩm có doanh thu. Họ chọn nguyên liệu thân thiện môi trường và kỳ vọng mỗi sản phẩm làm ra phải thật sự chỉn chu, tử tế.

Lan tỏa lối sống xanh

Mân mê những sản phẩm tại gian hàng của đôi vợ chồng trẻ Đỗ Đình Dũng và Lê Thị Bảo Yến (cùng SN 1990, trú Bảo Lộc, Lâm Đồng), một du khách từ TP Đà Nẵng quay qua bình luận: “Những người có cùng đam mê với sản phẩm xanh, thân thiện môi trường mới có duyên gặp gỡ tại đây”.

Vợ chồng anh Dũng “hô biến” sợi thân cây chuối thành nhiều sản phẩm thủ công như: Giỏ, túi, thảm, đồ trang trí... với kiểu dáng độc đáo, phong phú. “Nhìn vào sản phẩm này, thiết nghĩ thành công không chỉ ở sự giàu có mà ở chỗ họ có thể làm được gì cho xã hội”, chị Nguyễn Thị Huyền (du khách TP Buôn Ma Thuột) nói. Các sản phẩm được sắp xếp hợp lý, tạo cho người tham quan có cảm giác ấn tượng, gần gũi, bình yên.

Sống xanh không chỉ là xu hướng mà là trách nhiệm của mỗi người. Mỗi lựa chọn của chúng ta đều có thể góp phần bảo vệ trái đất”, câu chuyện của chúng tôi mở đầu bằng sẻ chia của người trong cuộc.

Anh Dũng cho biết, khi tìm hiểu thị trường sợi chuối, anh thấy nhiều người đang sản xuất nguyên liệu thô từ thân cây chuối nhưng đầu ra ít. Năm 2024, vợ chồng anh thực hiện dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ sợi chuối”. Hành trình biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế không ít gian nan. Anh Dũng, chị Yến không chỉ sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mà còn tạo ra giải pháp toàn diện vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn ở địa phương.

Biến phế phẩm thành thương phẩm  ảnh 1

Vợ chồng anh Dũng tại cuộc thi ý tưởng/dự án khởi nghiệp xanh – phát triển bền vững

Theo anh Dũng, mặc dù hiện nay có nhiều người quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, nhưng vẫn còn một số ít chưa sẵn sàng chuyển qua sử dụng các sản phẩm bền vững này vì giá thành cao hơn so với sản phẩm thông thường. Thị trường cho các sản phẩm từ sợi chuối đang mở ra một cơ hội lớn. Anh chị không chỉ nhắm đến thị trường nội địa mà còn hướng tới xuất khẩu.

Họ mong muốn đưa sản phẩm từ cây chuối, một loại cây gần gũi với nông dân tiếp cận thị trường quốc tế, nhất là các nước có xu hướng tiêu dùng xanh mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Pháp… Hiện tại, anh Dũng tập trung vào các sản phẩm như giỏ đựng, phụ kiện nội thất. Theo anh, sắp tới sẽ phát triển thêm các sản phẩm từ sợi chuối trong ngành bao bì và dệt, tương lai sẽ mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm.

Đổi phận cho cây chuối

Hiện tại sản phẩm từ sợi chuối được vợ chồng anh Dũng bán trên 2 kênh thương mại điện tử. Là hàng thủ công, thân thiện với môi trường nên người tiêu dùng ở Mỹ khá ưa chuộng. Sản phẩm chủ yếu bán theo đường tiểu ngạch qua thị trường Mỹ.

Kể về khởi nguồn của dự án, anh Dũng tâm sự, năm 2017, anh chị cưới nhau. Khi dịch COVID-19 ập đến, hai vợ chồng quyết định nghỉ việc để trốn dịch. Sống trong căn phòng trọ nhỏ ở huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, để có nguồn thu trang trải cuộc sống, chị Yến học đan móc từ mẹ và nhập sợi đay về móc. Khi sản phẩm hoàn thành chị đăng bán, rồi tái đầu tư. Mỗi năm anh chị bán ra thị trường khoảng trên 4.000 sản phẩm. Còn chồng tự mày mò trên mạng học làm đồ da thủ công.

Dự án “Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ sợi chuối” là 1 trong 25 ý tưởng/dự án tham gia vòng bán kết cuộc thi ý tưởng/dự án khởi nghiệp xanh - phát triển bền vững lần thứ 10, năm 2024 tổ chức tại Đắk Lắk vào cuối tháng 9 vừa qua.

 

Mỗi ngày, hai vợ chồng quen với cảnh người dân quanh quẩn lên rẫy về vườn. Những người phụ nữ ở đây phải tìm công việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi nhận ra ô nhiễm môi trường đang tác động đến khí hậu ảnh hưởng sức khỏe con người, họ thấy mình phải hành động. Từ trăn trở đó cộng với mong muốn hỗ trợ nông dân nơi đây, vợ chồng anh Dũng chuyển hướng làm sản phẩm từ sợi chuối. Một nguyên liệu tự nhiên, dễ trồng thân thiện môi trường. Vùng đất Bảo Lộc có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cây chuối, nguyên liệu từ thân cây chuối dồi dào, nên việc hợp tác với nông dân để thu mua khá thuận lợi.

Anh nhớ lại những ngày len lỏi vào từng vườn rẫy đặt hàng riêng loại phế phẩm này và thành quả thu về là những phần bỏ đi của người nông dân sau thu hoạch. Vác thân cây chuối bị chặt bỏ về nhà. Hai vợ chồng tỉ mỉ phơi khô bẹ, tách sợi ra đan. Sản phẩm đầu tay của anh chị là cái thảm diện tích 1,5m2 được làm trong 2-3 ngày. Mỗi ngày vợ chồng trẻ dành thời gian tìm hiểu thông tin trên báo đài, internet để bổ sung kiến thức còn thiếu.

Khởi nghiệp ngoài chút vốn liếng nghề tự học trên mạng và sự quyết tâm, mọi thứ với anh chị đều bắt đầu từ con số 0. Quyết định tạo sự khác biệt, ngay khi bắt đầu, anh chị đã đặt ra yêu cầu cho sản phẩm, đơn giản nhưng độc đáo tinh tế, có sức bền theo thời gian, đặc biệt thân thiện môi trường. Mỗi sản phẩm làm ra phải chỉn chu, tử tế. Khi có nguyên liệu chất lượng, vợ chồng anh tiếp tục nghiên cứu mẫu mã làm các sản phẩm khác. Cứ thế hàng chục sản phẩm từ nguyên liệu này được đôi vợ chồng trẻ đưa lên kệ hàng.

Biến phế phẩm thành thương phẩm  ảnh 3

Anh Dũng chia sẻ, vì sản xuất sợi chuối yêu cầu máy móc và công nghệ khá tiên tiến nên chi phí ban đầu khá cao. Mới bắt đầu khởi nghiệp, nên vợ chồng anh liên kết các cơ sở sản xuất sợi chuối thô để hỗ trợ đầu ra. Với nhiều thế mạnh về nguồn nguyên liệu, sợi tơ chuối đã mở một lối đi mới cho người trồng chuối. Hiện vợ chồng anh đang tạo việc làm trực tiếp cho 5 chị em phụ nữ tại địa phương.

“Dự án tạo cơ hội việc làm cho nông dân địa phương, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định từ việc bán thân cây chuối, phần thường bỏ đi sau thu hoạch. Ngoài ra dự án tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, thân thiện môi trường, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chống biến đổi khí hậu qua các sản phẩm hằng ngày”.

Anh Đỗ Đình Dũng

Để phát triển mạnh sản phẩm thân thiện với môi trường anh Dũng mạnh dạn thành lập công ty. Các mặt hàng được bên anh giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử. Một tháng thợ từ cơ sở của anh làm từ 300-600 sản phẩm. Tuỳ từng sản phẩm có giá thành khác nhau. Sản phẩm trang trí nội thất có giá dao động từ 150.000-500.000 đồng/sản phẩm.

Phía sau sản phẩm được bày bán, giới thiệu đến khách hàng là câu chuyện khởi nghiệp thú vị nhưng đầy gian nan của đôi vợ chồng trẻ. Anh Dũng từng làm nhân viên thẩm định của một công ty tài chính, còn chị Yến học chuyên ngành công nghệ thông tin, có nhiều năm làm việc tại một văn phòng công chứng ở địa phương. Cơ duyên gặp nhau và chung chí hướng, anh chị cùng đi trên con đường khởi nghiệp với mong muốn lan tỏa lối sống xanh. Họ nói rằng muốn đi xa hãy đi cùng nhau.

Theo TP