Chàng trai 9X đưa lục bình xuất ngoại

CTG - Người dân ở một vùng đất chuyên trồng lúa đã có cái nhìn khác về lục bình khi anh Trần Văn Thuận (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) đưa loại cây này xuất ngoại.

Đưa nghề lạ về làng

Kể về quá trình mở cơ sở chuyên sản xuất nguyên liệu lục bình khô tại quê nhà ở xã Vĩnh Trung (H.Tịnh Biên, An Giang), anh Thuận cho biết sau khi tốt nghiệp ngành lâm sinh tại Trường ĐH Cần Thơ, năm 2017 anh về làm kiểm lâm tại rừng tràm Trà Sư. Hằng năm Ban quản lý rừng phải thuê nhân công dọn dẹp lục bình. Anh Thuận thấy tiếc vì số lượng lớn lục bình bị bỏ đi. "Những địa phương khác đã tận dụng loại cây này để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ lâu, trong khi người dân quê tôi vẫn chưa khai thác tiềm năng của nó", anh Thuận nói.

Và rồi từng chuyến xe ba gác chở lục bình về phơi trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Không ai ủng hộ Thuận, kể cả gia đình. Khó khăn nhưng anh rất quyết tâm: "Nếu kiếm được tiền từ cây lục bình thì có thể sẽ giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho rất nhiều người. Trước tôi hầu như chưa ai ở địa phương nghĩ khởi nghiệp với lục bình mà thành công cả", anh Thuận bộc bạch.

Chàng trai 9X đưa lục bình xuất ngoại - Ảnh 1.
 

Anh Thuận bên lô lục bình được phơi khô, đóng kiện để xuất khẩu

Thanh Duy

Anh Thuận không gia công đan lục bình mà xây dựng vùng nguyên liệu khô bán cho thương lái. Hướng đi này có nhiều đòi hỏi trong cách xử lý, bảo quản; ngược lại thì thời gian sản xuất ngắn, có thể cung ứng số lượng lớn ra thị trường và chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều so với bán lục bình tươi. Tay không vào nghề, anh đi học hỏi và tìm hiểu thị trường ở Long An, Đồng Tháp.

Theo anh Thuận, vùng đầu nguồn An Giang cây lục bình nhiều và người dân chịu khó làm ăn. Song để thuyết phục mọi người tham gia thì trước tiên anh phải thành công. Với số vốn ít ỏi ban đầu, anh tự cắt, tự phơi, tự bán lục bình. Khởi nghiệp từ tay trắng, anh bắt đầu gầy dựng cơ sở. Sau 2 năm, anh quyết định nghỉ làm kiểm lâm để tập trung vào kinh doanh.

Tự tìm cách kết nối với thương lái, anh Thuận xuất được lô hàng đầu tiên lên TP.HCM. Khi đó 1 tấn lục bình khô thu về lợi nhuận 8 triệu đồng. Lô hàng đảm bảo chất lượng giúp anh có thêm những hợp đồng tiếp theo. Đến đầu năm 2020, anh bao tiêu lục bình cho gần 100 người dân, không chỉ ở địa phương mình mà ở cả các vùng lân cận như Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Châu Đốc… Từ đây, anh liên kết với một số cơ sở ở Đồng Tháp xuất những lô hàng lớn sang Trung Quốc.

Cứ 10 tấn lục bình tươi sau 8 - 10 ngày phơi sẽ thu được khoảng 800 kg lục bình khô. Sau khi phân loại, lục bình mang đi tiêu thụ có mức giá khác nhau: loại 1 giá 24.000/kg, loại 2 là 20.000/kg, loại 3 dao động từ 13.000 - 15.000 đồng. Hiện mỗi tháng cơ sở của anh Thuận cung ứng ra thị trường 3 - 4 tấn lục bình khô ép sợi. Trừ hết chi phí, anh thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.

Chàng trai 9X đưa lục bình xuất ngoại - Ảnh 2.

Anh Thuận tâm huyết với mô hình cùng người dân làm giàu dựa trên tài nguyên bản địa

 THEO TNO