Chàng Youtuber "một chân" hết mình cộng đồng

(CTG) Mất chân trái từ lúc nhỏ, youtuber Lương Phi (31 tuổi, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) với hành trình thiện nguyện không biết mệt mỏi của mình đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ và trở thành biểu tượng "Nick Vujiic" của Việt Nam.

Chuyện thiện nguyện của chàng YouTuber ‘một chân’ - Ảnh 1.
 

Phi “một chân” quay video giúp đỡ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Kênh Youtube "Phi một chân" của anh đã có gần 200.000 lượt theo dõi, hơn 50 triệu lượt xem với hơn 1.000 video mang nội dung truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người không may mắn, giúp đỡ hàng trăm người gặp khó khăn.

Tuổi thơ bất hạnh

Cách đây 28 năm, một kẻ tâm thần mang theo hung khí vào nhà truy sát cả gia đình Phi. Mẹ, chị gái bị chém ở đầu và chân, còn Phi thì viễn vĩnh mất đi chân trái. Một mình cha Phi làm việc vất vả để nuôi cả gia đình, lo cho hai chị em đi học.

Chỉ còn một chân, mọi sinh hoạt của Phi đều phụ thuộc vào người thân. Cho đến khi lên 10 tuổi, nhìn thấy các bạn vui đùa, chạy nhảy Phi mới cảm nhận được sự khiếm khuyết của bản thân. Nhiều lúc bạn bè còn lấy cớ Phi không có chân để trêu đùa, cười cợt.

"Lúc đó mình rất buồn, nhiều lúc rơi vào trầm cảm, tự ti, không muốn tiếp xúc với ai cả. Ngồi gục trong lớp, mình chỉ ước ao chân còn nguyên vẹn để vui chơi, không còn bị bắt nạt", Phi tâm sự.

Bà Hồ Thị Tuyết (59 tuổi, mẹ Phi) cho biết cú sốc đầu đời khiến Phi bị tổn thương, rơi vào trầm cảm khiến gia đình rất lo lắng. Nhiều lúc nhìn con ngồi trầm tư trong phòng mà thấy đau lòng, oán hận kẻ sát nhân sao lại làm vậy với gia đình mình. "Nhiều khi không muốn cho con đi học, đi chơi để khỏi bị người khác trêu đùa. Muốn làm cho nó một cái chân giả để đi nhưng rồi cũng không có tiền" - bà Tuyết bật khóc.

Nhưng với sự động viên của gia đình, cùng với ý chí không chịu sự chê bai, Phi quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh bắt đầu tập đi bằng nạng gỗ, luyện cơ chân, tự mình làm mọi công việc. Với suy nghĩ không để người khác khinh thường, không là gánh nặng gia đình, Phi luôn cố gắng, nhiều lần đổ máu, nhập viện, thay biết bao nạng để tự tập đi, tập chạy... 

Qua nhiều năm cố gắng, giờ đây Phi có thể tự đá bóng, nhảy dây và làm những công việc mà mình yêu thích. "Dù sao cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, phía trước còn rất nhiều thứ để chúng ta có thể theo đuổi. Mình chỉ tật nguyền đôi chân, chứ không tật nguyền khối óc, không tật nguyền trái tim mà cha mẹ sinh ra nên đừng bao giờ nản lòng mà hãy cố gắng vượt qua nghịch cảnh", Phi chia sẻ.

Bén duyên với YouTube

Cứ thế Phi dần hòa nhập với cuộc sống, anh học xong THPT nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải học một trường trung cấp ở TP Đà Nẵng, từ bỏ giấc mơ đại học. Sau nhiều năm theo học, Phi may mắn được nhận vào làm việc tại một phòng thu ở Đà Nẵng. Năm 2016 Phi lập gia đình, anh quyết định về quê. Phi kể, khi còn ở Đà Nẵng anh thường xuyên lên mạng tìm hiểu về công việc làm YouTuber, tham gia các khóa học đào tạo, quy định của nhà phân phối YouTube.

Đến tháng 7-2018, Phi thành lập kênh YouTube "Phi một chân" bắt đầu quay những video nói về các hoạt động thường ngày của bản thân và chủ đề ẩm thực. "Lần đầu đăng video lên YouTube mình đắn đo lắm, không biết có nên đăng hay không, phải một thời gian sau mới dám đăng. Sau khi làm nghề YouTuber mình không còn rụt rè, mặc cảm như trước nữa", Phi bồi hồi nhớ lại.

Gần một năm lăn lộn, một mình một máy để quay video, nhiều khi phải nhảy lò cò để chỉnh sửa máy, đổi góc để video được sinh động, hấp dẫn. Khốn khổ như vậy nhưng video của Phi rất ít người xem, gần cả năm không kiếm được đồng nào, hàng xóm xung quanh thì lời ra tiếng vào khiến Phi gặp rất nhiều áp lực.

 

"Nhiều lúc rất chán nản và có ý định bỏ nghề nhưng tôi nghĩ mình không thể trở thành kẻ thất bại, mình còn gia đình, vợ con nên quyết định thay đổi chủ đề cho kênh YouTube và làm lại từ đầu", Phi chia sẻ.

Chuyện thiện nguyện của chàng YouTuber ‘một chân’ - Ảnh 2.

Phi dựng video để đăng lên YouTube giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn

Chàng Youtuber tử tế

Sau một năm không thành công từ chủ đề ẩm thực, Phi chuyển sang chủ đề nghị lực sống, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khốn khó với những video truyền cảm hứng, nghị lực sống cho những người không may mắn, người gặp khó khăn, bệnh tật. Bốn năm qua anh lặn lội một mình đi khắp nơi để quay video chia sẻ các hoàn cảnh khó khăn.

Từ khi chuyển qua làm chủ đề nghị lực sống, video của Phi luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, nhất là các nhà hảo tâm ở nước ngoài. Hiện kênh YouTube "Phi một chân" của anh đã có gần 200.000 lượt đăng ký, hơn 40 triệu lượt xem với hơn 1.000 video clip, thu nhập mỗi tháng từ 25-30 triệu đồng.

Tính đến hiện tại Phi đã kết nối với nhà hảo tâm giúp đỡ được hơn 700 hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, sửa chữa, xây mới gần 22 căn nhà. Phi giờ là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó thông qua kênh YouTube của mình.

Ông Đinh Văn Lê (54 tuổi, thôn Phú Nam Đông, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) vui mừng khi vừa được Phi trao số tiền 250 triệu đồng để xây mới lại căn nhà. "Lúc trước mình bị tai nạn nằm một chỗ, bốn cha con phải ở nhờ nhà người khác. Nay may mắn được Phi cho tiền chữa bệnh, xây nhà mới, cha con tôi rất biết ơn", ông Lê nghẹn ngào.

Ngoài việc giúp đỡ những người nghèo khó, bất hạnh ở Quảng Nam, Phi còn đi quay video làm từ thiện ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa... khi được người xem giới thiệu. Có lúc thời tiết bất lợi như mưa bão, chàng trai vẫn lặn lội đến những nơi ngập lũ, sạt lở giúp đỡ cho những người gặp khó khăn do thiên tai. 

Phi còn kêu gọi gây quỹ để giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn mình sinh sống.

"Đối với mình, giúp đỡ được người khác cũng như đang giúp đỡ mình. Tôi từng trải qua nên rất hiểu cái cảm giác của những người tàn tật, khó khăn, đó cũng là nguyên nhân tôi quyết định chuyển hướng cho kênh YouTube", Phi tâm sự.

Với công việc làm hiện tại của mình, Phi được rất nhiều người yêu mến, coi trọng, nhất là các nhà hảo tâm ở nước ngoài và cộng đồng Youtuber, nhiều người quý mến hay gọi Phi là "Thánh một chân".

Chuyện thiện nguyện của chàng YouTuber ‘một chân’ - Ảnh 3.

Phi nhận được nút bạc

Nút bạc từ YouTube

Tháng 3-2021, niềm vui bất ngờ đến với Phi khi anh chính thức nhận được nút bạc từ YouTube. Đây là thành quả xứng đáng mà 4 năm qua anh đã miệt mài làm việc, xây dựng kênh YouTube của mình.

"Khi nhận được nút bạc thì mình rất vui, công sức bỏ ra từ trước đến nay giờ được đền đáp", Phi tâm sự.

Phi cho biết sắp tới sẽ tìm thêm những bạn cùng chung đam mê làm YouTuber, cùng đồng hành đến nhiều địa phương để có thể giúp đỡ nhiều người hơn, cố gắng cho ra nhiều video clip để xây dựng kênh YouTube đạt mốc 10 triệu lượt sub để đạt nút kim cương.

Anh Phan Tự - bí thư Huyện đoàn Duy Xuyên - cho biết việc làm của Lương Phi là đáng trân trọng, dù là người khuyết tật nhưng ý chí, quyết tâm của Phi là rất lớn. Phi cũng có tấm lòng thiện nguyện, xứng đáng là tấm gương để các bạn đoàn viên, thanh niên trong toàn huyện học tập, noi theo. "Chúng tôi đã lập hồ sơ trình lên Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam để vinh danh, khen thưởng cho Phi", anh Tự nói.

Với đóng góp của mình cho cộng đồng và ý chí "thép" vươn lên trong cuộc sống, anh Phi vinh dự được Trung ương Hội LHTN Việt Nam vinh danh trong chương trình "Toả sáng Nghị lực Việt" năm 2020; nhận kỷ niệm chương của chương trình Wechoice Awards lọt vào top 20 trong danh mục Người truyền cảm hứng. Gần đây nhất, anh Phi vinh dự là một trong những gương sáng thanh niên được Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam vinh danh "Thanh niên sống đẹp năm 2021".

65 gương Thanh niên sống đẹp

Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TCPVN tổ chức. Năm nay, BTC đã nhận được 134 hồ sơ của 61 tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc, cơ quan báo chí. Hội đồng xét giải thưởng đã họp và xét chọn được 65 gương thanh niên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực để trao giải; đối với 69 gương thanh niên không được xét chọn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam quyết định tặng Bằng khen cho cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2021. Do điều kiện dịch Covid-19, ban tổ chức không trao Giải theo hình thức tập trung tại Hà Nội, mà ủy quyền cho Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố, đơn vị trực thuộc để trao cho các cá nhân đạt giải thưởng.