NVCC
Do đồ án gần như được làm thủ công nên Kiệt phải thuê, nhờ một đội ngũ kỹ thuật bao gồm nhiều người để hỗ trợ, chi phí cho phần này là 65 triệu đồng. Sau khi đồ án hoàn thành, Kiệt chi thêm 20 triệu đồng để sản xuất hình ảnh. Ngoài ra, còn phải chi tiền cho việc làm hồ sơ, tài liệu, quá trình thực hiện nghiên cứu và thử nghiệm thủ công rơi vào khoảng 35 triệu đồng…
Nói về lý do chi số tiền lớn cho đồ án tốt nghiệp, Kiệt cho biết: "Mình muốn trải nghiệm những thứ chưa từng làm, các kỹ thuật phức tạp, mất rất nhiều quy trình xử lý như: đính pha lê theo khối cơ, đính cườm gãy theo mảng, vẽ và thiết kế file in 3D, làm phụ kiện bằng mút xốp, xử lý bề mặt, nặn và nung đất sét Nhật Bản , tráng nhựa resin và hơ khô bằng đèn UV… Đồ án này thể hiện được sự mãnh liệt của mình với thời trang, muốn mọi người đón nhận một lối tư duy mới".
Muốn đạt được kết quả thật tốt, vì...
Học ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trần Lê Thảo Vy (24 tuổi), đã chi 100 triệu đồng để thực hiện đồ án tốt nghiệp mang tên "R.A.C". Đồ án này được Vy thực hiện vào tháng 5.2023 lấy ý tưởng từ rác thải vũ trụ.
Để hoàn thiện được đồ án "R.A.C", Vy đã phải qua nhiều bước như lựa chọn ý tưởng, kiểm duyệt với hội đồng, làm mẫu thử, tìm chất liệu… trong tổng thời gian là 4 tháng. Vy cho biết đã chi khoảng 60 triệu đồng để mua vải, phụ liệu, tiền công cho thợ may 4 bộ trang phục. Ngoài ra, còn phải chi 12 triệu đồng để thuê studio và thợ chụp hình bộ sưu tập. Quá trình làm phụ kiện, in lookbook (bộ ảnh thời trang) cũng tiêu tốn hết 15 triệu đồng. Trong 2 ngày bảo vệ đồ án tốt nghiệp, Vy phải thuê người mẫu, chuyên viên trang điểm với giá khoảng 13 triệu đồng. Tổng chi phí cho đồ án tốt nghiệp là 100 triệu đồng.
Trần Lê Thảo Vy bỏ ra 100 triệu đồng để thực hiện những bộ trang phục ấn tượng
Đồ án của Vy sử dụng những chất liệu như: thanh kẽm, sắt, ống nước của máy lạnh đã qua sử dụng, thiết bị điện tử hư hỏng, vỏ xe máy… tất cả được mua lại từ các địa điểm kinh doanh phế liệu. Vy đã sử dụng phương pháp hàn các mảnh sắt, kẽm lại với nhau để tạo nên những hình thù khiến người xem liên tưởng đến phi hành gia, tàu con thoi… Ngoài ra, để bộ sưu tập trông màu sắc, nổi bật nên Vy đã gắn thêm đèn LED.
"Đây là đồ án cuối cùng, bước ngoặt đánh dấu cho hành trình dài cố gắng trong suốt 4 năm học đại học . Mình cũng muốn tận dụng đồ án này để làm "bàn đạp" cho sự nghiệp trở thành nhà thiết kế thời trang trong tương lai. Vì vậy, mình muốn bộ sưu tập phải được thực hiện tỉ mỉ, chỉn chu, hoàn thiện nhất có thể. Mình cũng muốn đạt được kết quả thật tốt để tri ân những đóng góp, sự hỗ trợ to lớn từ gia đình".
Với số điểm 9.3/10 Vy đạt vị trí á khoa đồ án tốt nghiệp khóa K23 ngành thiết kế thời trang. Những bộ trang phục trong đồ án của Vy đã được một số người nổi tiếng trên mạng xã hội , hoa hậu... thuê dự sự kiện, đóng quảng cáo.
"Mình không nghĩ việc chi tiền cho đồ án tốt nghiệp là lãng phí, bởi vì nó là sự đầu tư chính đáng, là "bàn đạp" để được mọi người trong ngành giải trí, nhà đầu tư chú ý và có cơ hội hợp tác với họ", Vy chia sẻ.
Đồ án tốt nghiệp là điểm sáng trong đời
Chọn học ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, Nguyễn Trần Duy Hưng (24 tuổi) đã chi 120 triệu đồng để thực hiện đồ án tốt nghiệp.
Tháng 7.2023, Hưng bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp với số điểm 9.3/10 (á khoa đồ án tốt nghiệp). Trong đó, Hưng chi khoảng 50 triệu đồng để mua vải, phụ kiện… may 9 bộ trang phục trong đồ án. Chàng trai này cho biết có những mẫu thử phải làm đến lần thứ năm mới hoàn thiện, vì vậy tốn rất nhiều chi phí và thời gian ở công đoạn này. Hưng còn chi khoảng 40 triệu đồng cho các hạng mục như: thuê người mẫu, trang điểm, chụp hình, quay video… để trình diễn 9 bộ trang phục.
Nguyễn Trần Duy Hưng (giữa) cho rằng đồ án tốt nghiệp là điểm sáng trong hành trình theo đuổi đam mê thời trang
"Đây là lần đầu mình bỏ ra số tiền lớn như vậy cho một đồ án. May mắn được sự ủng hộ của gia đình. Mình thấy nền thời trang của nước ta chưa phát triển lắm so với thế giới , vì vậy mình muốn đầu tư đồ án thật hoành tráng để các nước bạn có thể thấy được sinh viên ngành thời trang tại VN cũng có năng lực", Hưng chia sẻ.
Hưng nói thêm: "Hơn nữa đồ án tốt nghiệp chỉ có một lần trong đời, cột mốc đặc biệt và nhân lúc mình còn nhiều hoài bão thì sự đầu tư này là hoàn toàn hợp lý, xứng đáng. Mình xem đồ án tốt nghiệp như một điểm sáng trong cuộc đời và hành trình theo đuổi đam mê".
Sau khi tạo ấn tượng và được chú ý với đồ án tốt nghiệp, Hưng đã phát triển thêm những sản phẩm thời trang phục vụ cho mục đích kinh doanh . Ngoài ra, những bộ trang phục trong đồ án tốt nghiệp của Hưng đã được những người nổi tiếng như: Châu Bùi, Juky San, Đồng Ánh Quỳnh… thuê đi sự kiện, chụp ảnh, giúp chàng trai thu lại được một khoản tiền. (còn tiếp)
Nhà thiết kế Vũ Việt Hà, giảng viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, cho rằng việc sinh viên đầu tư trăm triệu đồng để làm đồ án là chuyện bình thường nếu nó mang lại giá trị về nghệ thuật và ứng dụng trong đời sống. "Bản thân tôi cũng từng chi hàng trăm triệu đồng để làm ra một chiếc áo dài từ tơ sen… Ngành thời trang "xa xỉ" vì ngoài chức năng để mặc thì nó còn mang giá trị sưu tầm, trưng bày. Tuy nhiên, nếu bạn có ý tưởng sáng tạo và kỹ thuật tốt thì có thể không cần đầu tư quá nhiều tiền nhưng vẫn tạo ra được trang phục độc đáo", anh nói.
Theo TNO