{Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022}: Cô giáo trẻ gieo con chữ nơi Tủa Chùa

(CTG) Niềm đam mê với nghề đã giúp cô Lô Thị Thầm vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để gieo con chữ trên mảnh đất Tủa Chùa.

 

Sinh ra và lớn lên ở xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, ngay từ khi còn là học sinh cấp 2 cô Lô Thị Thầm đã có ước mơ sau này mình sẽ trở thành cô giáo. Năm 2016, sau một năm tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc, khoa Sử - Địa, cô Thầm nộp hồ sơ dự tuyển và được Phòng GD-ĐT huyện Tủa Chùa tuyển dụng, phân công giảng dạy bộ môn Địa lý tại Trường PTDTBT THCS Sín Chải.

Cô Thầm cùng học trò tham gia cuộc thi Rung chuông vàng.

“Đây là một ngôi trường hoàn toàn xa lạ đối với tôi, một người chưa từng đặt chân đến mảnh đất Tủa Chùa. Thế nhưng, được sự động viên của gia đình, bằng tình yêu thương con trẻ, tôi đã gắn bó với ngôi Trường PTDTBT THCS Sín Chải từ tháng 12/2016 đến nay, gần 6 năm công tác trong ngành giáo dục bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo khác luôn phải đối diện với rất nhiều những khó khăn, vất vả. Cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đặc biệt đường đến trường của các em còn gặp nhiều khó khăn. 100% các em học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, trình độ nhận thức còn rất nhiều hạn chế trong khi nhiều phụ huynh lại không mặn mà với những con chữ. Nếu không có lòng quyết tâm, những khó khăn này sẽ là trở ngại lớn đối với tôi và nhiều giáo viên sẽ nản lòng khi lên công tác ở vùng sâu, vùng xa”, cô Thầm tâm sự.

Hơn 6 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Tủa Chùa là những chuỗi ngày dài với biết bao câu chuyện đầy xúc động của các em học sinh vùng dân tộc Mông. Nhiều em học sinh nhà cách trường quá xa, các em phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được trường do hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc có nơi xe máy không đi được. Ở một số thôn bản thì vẫn chưa có điện, có nơi thì điện thoại không có sóng không thể gọi cho phụ huynh để trao đổi những vấn đề liên quan đến các em được, có những hôm nửa đêm nghe học sinh mình ốm thì lại xuống đưa thuốc, thăm nom các em kịp thời. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học tập của con em mình, phó mặc hoàn toàn cho giáo viên, cho Nhà trường,…. Đứng trước những khó khăn tưởng chừng như chùn bước ấy, chính sự hồn nhiên, vô tư của các em và tình cảm chan hòa, gần gũi của đồng bào dân tộc Mông đã níu kéo cô giáo Thầm gắn bó với nghề.

Những năm công tác tại trường PTDTBT THCS Sín Chải, bản thân tôi không thể nhớ nổi hết những ngày vất vả cùng với BGH nhà trường xuống các thôn bản để tuyên truyền, vận động các em không bỏ học giữa chừng, có những lần đi bản xe bị thủng săm giữa đường phải gửi xe ở nhà dân hay phải lên tận nương để tìm gặp động viên các em đến trường,….

Cô Lô Thị Thầm.

Sau những bài giảng trên lớp, cô Thầm lại tất bật với cuộc sống gia đình. Nhà cách trường gần 100km bắt buộc cô phải thuê trọ ở gần trường. Con nhỏ được 5 tuổi để ông bà chăm sóc, đợi đến cuối tuần về thăm con một lần, chồng lại đi làm xa, “chắc chỉ có những ai đi công tác xa nhà, xa con mới hiểu được cảm giác nhớ gia đình, nhớ con da diết đến nhường nào”, cô giáo chia sẻ. Tuy nhiên đó không phải lí do để cô Thầm thấy chán nản và chùn bước, bởi lẽ cô nghĩ rằng khi mình yêu thương, chăm sóc, nhiệt tình giảng dạy các em học sinh trên này thì giáo viên dạy cho con mình cũng sẽ như thế.

Một năm học nữa lại về, dẫu rằng trên con đường chinh phục những đỉnh cao của tri thức đối với các em học sinh vùng cao huyện Tủa Chùa còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, thế nhưng dù con đường có chông gai đến đâu, có khó khăn đến nhường nào thì cô Thầm và các giáo viên Trường PTDTBT THCS Sín Chải vẫn sẽ luôn vượt qua khó khăn, thách thức bởi đằng sau những khó khăn ấy là cả một tương lai tươi sáng đang chờ đón các em học sinh.

Với những thành tích của mình cô Thầm là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp lễ 20/11 năm nay.

CTG