Chuyện ở trọ, đi rừng, làm khoa học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất nước

(CTG) Giảng viên Lê Thị Hương (Viện Sư phạm Tự nhiên, Trường ĐH Vinh) là một trong hai Phó Giáo sư trẻ nhất vừa được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận năm 2020. Dù mới 34 tuổi nhưng nữ Phó Giáo sư này là tác giả của hơn 100 bài báo, đề tài khoa học quốc tế, quốc gia.

Vợ chồng giảng viên ở phòng trọ và cùng đi rừng

Nữ sinh Lê Thị Hương thi vào ngành Sư phạm Sinh học (Trường Đại học Vinh) với mong ước sau này trở thành giáo viên phổ thông. Năm thứ 2, cô bắt đầu ấn tượng với bộ môn Thực vật. “Càng vào học chuyên ngành, tôi càng thấy thế giới thực vật phong phú, đa dạng và có rất nhiều giá trị sử dụng. Thời gian thực hành, tôi gặp một anh khóa trên, đang theo học thạc sĩ. Anh đã hướng dẫn tôi rất nhiều trong quá trình làm thí nghiệm. Sang học kỳ 2 của năm thứ 2 đại học, tôi xin tham gia làm đề tài nghiên cứu của anh. Lúc ấy cũng không nghĩ rằng, sau này chúng tôi sẽ trở thành vợ chồng”, nữ giảng viên kể.

Chuyện ở trọ, đi rừng, làm khoa học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất nước ảnh 1

Giảng viên Lê Thị Hương trong một lần đi rừng.

Tốt nghiệp đại học, Lê Thị Hương học tiếp thạc sĩ rồi được giữ lại trường Đại học Vinh công tác. Còn người anh khóa trên lúc trước đã trở thành chồng cô – anh Đỗ Ngọc Đài. Điều đặc biệt, sau khi hoàn thành cao học, anh Đài quyết định chưa đi làm việc ở một cơ quan nào, mà dành toàn bộ thời gian đi rừng. Suốt hơn 10 năm, 2 vợ chồng vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn đi rừng cùng nghiên cứu khoa học.

Cứ cuối tuần, hai vợ chồng Lê Thị Hương lại đi miền núi. Các đề tài nghiên cứu của hai vợ chồng chủ yếu gắn liền với rừng Bắc Trung Bộ. Trong đó, Nghệ An có khu dự trữ sinh quyển rộng lớn ở phía tây, gồm rừng quốc gia Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống. “Rừng ở Nghệ An cũng có vị trí đặc biệt, giáp tây Thanh Hóa, giáp Lào và giáp biển Đông, chịu ảnh hưởng của nhiều loại khí hậu. Vì vậy, tính đa dạng của thực vật rất cao. Tôi đặc biệt dành nhiều thời gian cho rừng quốc gia Pù Hoạt. Do khu bảo tồn thiên nhiên ở đây mới thành lập từ năm 2013, việc nghiên cứu lúc đó về hệ thực vật chưa nhiều”, cô Hương nói.

Chuyện ở trọ, đi rừng, làm khoa học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất nước ảnh 2

Niềm đam mê và sự sẻ chia của gia đình, ủng hộ của nhà trường đã tạo nên thành công của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2020.

Nữ giảng viên cho biết thêm, có đề tài nghiên cứu nằm trong dự án được tài trợ, cấp kinh phí, nhưng không phải tất cả. Nhiều đề tài, hai vợ chồng phải tự bỏ tiền túi ra để thực hiện, nhất là giai đoạn đầu tiên. Lê Thị Hương tâm sự: “Giai đoạn ấy vô cùng khó khăn, ít ai nghĩ rằng, 2 vợ chồng giảng viên mà hàng chục năm chỉ ở trọ trong căn phòng 25m2 để dành tiền nghiên cứu. Hai đứa con lần lượt ra đời, cùng với nhiều khoản tiền cần phải trang trải trong sinh hoạt. Lúc nào tôi cũng phải làm việc gấp 2, gấp 3 người khác, sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không phải cả 2 vợ chồng cùng đam mê, thì có lẽ chúng tôi đã đi theo con đường khác”.

Bộ hồ sơ nộp vào phút chót

Nhớ lại quá trình bảo vệ thành công hàm Phó Giáo sư, nữ giảng viên Lê Thị Hương cho hay, “quyết định được đưa ra vào phút cuối”. Cô nói: “Có lẽ tôi là người nộp hồ sơ muộn nhất trong đợt xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư vừa rồi, trước khi hết hạn chỉ gần 1 tiếng đồng hồ. Thời điểm đó tôi còn một đề tài nghiên cứu đang chuẩn bị nghiệm thu để hoàn thành đủ các tiêu chí. Được sự động viên của lãnh đạo nhà trường, của chồng, tôi quyết định đăng ký dù biết sẽ phải chạy nước rút nhiều việc”.

Để hồ sơ đạt yêu cầu, Lê Thị Hương phải hoàn thiện nhiều tài liệu, nghiệm thu đề tài, trong khi vừa bắt đầu nhiệm vụ giảng dạy cao học. Cách đó không lâu, tháng 3/2019, cô bị đột quỵ nhưng không dám nghỉ ngơi quá nhiều vì phải chăm sóc gia đình và công việc. Rồi sau đó, Hương bị thoát vị đĩa đệm nằm một chỗ, đi lại cần người dìu. Công tác giảng dạy cũng chỉ có thể thực hiện bằng hình thức trực tuyến... Được công nhận chức danh học hàm Phó Giáo sư là thành quả cố gắng không ngừng nghỉ của Lê Thị Hương, và cũng không hề đến sớm, so với những nỗ lực, phấn đấu mà cô đã bỏ ra.

Chuyện ở trọ, đi rừng, làm khoa học của nữ Phó Giáo sư trẻ nhất nước ảnh 3

Nữ Phó Giáo sư Lê Thị Hương.

 

Mới 34 tuổi, nhưng trong tay nữ Phó Giáo sư đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố. Trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia.

Lê Thị Hương hào hứng chia sẻ: “Hai vợ chồng phát hiện được 3 loại trà hoa vàng là trà hoa vàng Nghệ An, trà hoa vàng Pù Khoạt và trà hoa vàng Pù Khạc có giá trị kinh tế rất cao. Tuy nhiên, việc khai thác mới xuất phát từ người dân, trong chế biến còn lẫn lộn chưa phân biệt được từng loại, dẫn đến giá thành không cao như các tỉnh khác. Vì vậy, tôi mong muốn không chỉ là phát hiện mà còn phân tích, đánh giá chất lượng từng loại trà hoa vàng nhằm phát triển thành thương hiệu để kêu gọi đầu tư, hoặc chuyển giao công nghệ, đưa ra sản xuất”.

Mới đây, gia đình cô Lê Thị Hương đã có nhà riêng. Chồng cô, TS. Đỗ Ngọc Đài cũng đã trở thành giảng viên trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Nhìn lại quá trình miệt mài nghiên cứu khoa học, đánh đổi không chỉ thời gian, sức khỏe, nhưng “mình đã có được sự đền đáp xứng đáng”.

Nguồn: TPO