Cơ duyên với cỏ cây
Giữa khí trời Tây Nguyên trong xanh, đứng bên vườn cây thảo dược của Chu Thị Lan (SN 1993, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) có một cảm giác thật thư thái, dễ chịu bởi hương sắc tỏa ra từ bạc hà, tía tô đất, sả chanh pháp, hương thảo… Chị Lan cho biết, vườn trước đây gia đình trồng cà phê, giờ chị tận dụng để trồng các loại cây thảo mộc. Do đất sét pha cát, chị trồng theo mô hình vườn rừng, cắt cỏ thấp để giữ ẩm đất.
Chị Chu Thị Lan (ở xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) bên vườn thảo dược tại quê nhà. |
Chia sẻ về cơ duyên đến với thảo mộc, chị Lan cho biết, năm 2015, chị có cơ hội tham gia giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại tỉnh Iwate, Nhật Bản. Tại đây, chị được tham quan trang trại Tategamori Ark. Năm 2016, chị xin vào làm việc tại công ty Tategamori Ark. Chị đã học được cách làm nông nghiệp hữu cơ ở đây để sau này về Việt Nam khởi nghiệp.
“Năm đầu ở Nhật, tôi có ấn tượng từ chính thói quen uống trà thảo mộc sau mỗi bữa cơm tối của họ. Tôi được tiếp xúc dần với thảo mộc, nhận thấy tác dụng của nó trong đời sống nên bắt đầu dành dụm tiền để tham gia học phương pháp trị liệu tự nhiên, làm mỹ phẩm tự nhiên của các hiệp hội uy tín tại Nhật. Tình yêu với thảo mộc cứ lớn dần”, chị Lan kể.
Giữa năm 2021, chị Lan về Việt Nam, bắt đầu khởi nghiệp. “Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương TP Hồ Chí Minh, nhưng ra trường tôi rẽ hướng làm nông nghiệp. Các kiến thức cũng như kinh nghiệm trong quản lý, vận hành doanh nghiệp còn thiếu. Người thân không ủng hộ, cộng thêm thất bại trong việc trồng thử nghiệm, nhiều lúc chùng xuống, muốn bỏ cuộc”, chị Lan tâm sự.
Chị thấy mình may mắn khi có sự động viên, hỗ trợ đắc lực của chồng từ người Nhật Bản. Anh giúp chị phân chia công việc cũng như thường xuyên cập nhật kiến thức mới tại Nhật, khiến chị càng quyết tâm theo đuổi nông nghiệp sạch, bền vững.
Nâng tầm thảo mộc
Với những kiến thức về thảo mộc học được tại Nhật Bản, chị Lan cho ra đời dự án Lanchans ứng dụng kiến thức Medical Herb Nhật Bản (phương pháp trị liệu tự nhiên). “Các loại thảo mộc sử dụng trong chương trình Medical Herb Nhật Bản phần lớn là những loại thảo mộc quen thuộc tại Việt Nam. Trong đó 70% loại phù hợp với khí hậu Đắk Lắk. Tôi nhận ra “mỏ vàng xanh” ngay tại chính quê hương mình và quyết tâm phát triển nó”, chị Lan chia sẻ.
Tại cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Dự án Lanchans - Trà thảo mộc và sản phẩm ứng dụng thảo mộc dựa trên Medical Herb Nhật Bản của Chu Thị Lan (SN 1993, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã đoạt giải Nhất. Lanchans là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng kiến thức Medical Herb Nhật Bản (phương pháp trị liệu tự nhiên) để tạo nên các sản phẩm trà thảo mộc, sản phẩm ứng dụng thảo mộc, workshop thảo mộc giúp chăm sóc sức khoẻ. |
Để sản xuất ra trà thảo mộc và các sản phẩm ứng dụng thảo mộc, chị Lan xây dựng vùng nguyên liệu chính tại vườn nhà ở Đắk Lắk, ngoài ra chị liên kết với một số trang trại ở Hoà Bình, Hải Dương và Lâm Đồng. Theo chị Lan, hiện sản phẩm của Lanchans chia thành 2 mảng. Trong đó, một mảng phát triển các sản phẩm trà thảo mộc phối trộn nhiều loại giúp duy trì sức khỏe cũng như phòng ngừa, hỗ trợ điều trị các bệnh sinh ra do lối sống sinh hoạt không hợp lý. Mảng kia là các sản phẩm chăm sóc da, tóc ứng dụng thảo mộc thiên nhiên.
Loại trà mà chị Lan tâm đắc nhất là trà Detox. Trà bao gồm các loại nguyên liệu như rễ bồ công anh 6 tháng, ngưu bàng, lá tầm ma chứa nhiều dinh dưỡng và khoáng chất, quả tầm xuân chứa nhiều Vitamin C, tiểu hồi giúp hỗ trợ phân giải chất béo. Đây là loại trà cung cấp khoáng chất cần thiết cho cơ thể hồi phục sau ốm.
Thông qua các sản phẩm trà thảo mộc và sản phẩm ứng dụng thảo mộc, chị Lan mong muốn có thể phổ biến được kiến thức Medical Herb của Nhật Bản về Việt Nam chuẩn xác, có căn cứ, từ đó tạo nên một xu hướng mới trong chăm sóc sức khỏe. Chị muốn cung cấp cho thị trường các sản phẩm tự nhiên, an toàn, đi trước đón đầu giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe do lối sống sinh hoạt.
“Hiện đời sống được nâng cao, mọi người dần ý thức hơn về sức khỏe thì trị liệu tự nhiên đang là phương thức cải thiện hiệu quả, an toàn. Đặc biệt sau dịch COVID-19, việc sử dụng các loại thảo mộc trong chăm sóc, cải thiện sức khỏe được chú ý hơn”, chị Lan nói thêm.
Theo TP