Công việc xuyên đêm khiến nhiều người rối loạn tâm lý

CTG - Nhiều người trẻ chọn công việc xuyên đêm, lệch múi giờ, áp lực lớn khiến họ ít được vui chơi, phải tốn nhiều chi phí chữa bệnh tâm lý.

Rối loạn tâm lý vì sống lệch múi giờ

8 giờ sáng, Lê Hồng Nhung (28 tuổi) mới về đến nhà ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM sau công việc xuyên đêm. Công việc từ 10 giờ đêm đến sáng khiến Nhung rệu rã. Đã hơn 1 năm qua, Nhung phải sống theo múi giờ quốc tế. Công việc tư vấn khách hàng tại Mỹ đòi hỏi Nhung phải luôn nhẹ nhàng và điềm tĩnh. Nhưng bên trong Nhung luôn là những cảm xúc rối ren, hỗn độn vì phải căng não để thức vào khung giờ khác biệt.

“Mình ở một căn hộ với giá 8 triệu đồng mỗi tháng. Những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cũng chiếm hơn 20% lương tháng của mình. Mình còn phải gửi tiền về cho gia đình chăm sóc các em vì là chị cả. Bên cạnh đó, để nuôi dưỡng đam mê, mình còn phải chi tiền để học vẽ. Vì vậy, mình cần công việc với mức lương 30 triệu đồng/tháng. Và đây là công việc giúp mình chi trả được tất cả các khoản”, Nhung chia sẻ.

Công việc xuyên đêm khiến nhiều người trẻ rối loạn tâm lý - Ảnh 1.
 

Nhiều người trẻ làm việc xuyên đêm, quên giờ giấc

Nhung không có thời gian đi chơi. Cũng không có thời gian để mở rộng các mối quan hệ của mình. Mỗi khi có thời gian, Nhung cố gắng ngủ để hồi phục lại thể chất và tinh thần. Nhung cũng muốn có người để yêu, nhưng nghĩ lại cũng không ai dám quen mình vì chế độ sinh hoạt quá khác lạ.

Dù có được mức lương như mơ ước nhưng Nhung luôn thấy trống rỗng. Đến những ngày nghỉ, Nhung phải sử dụng thuốc an thần mới có thể ngủ được theo múi giờ cũ. Nhung bị áp lực công việc, áp lực gia đình. Nhung thiếu sự quan tâm, chăm sóc bản thân cũng như các mối quan hệ. Nhung phải chi hàng chục triệu đồng trong năm qua để được tư vấn tâm lý, tìm giải pháp để đưa bản thân vào trạng thái cân bằng.

Cũng giống như Nhung, Hồ Trúc Linh (25 tuổi), ngụ tại P.Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội, đã tự đặt mình vào áp lực phải kiếm ra tiền thật nhiều nhờ công việc xuyên đêm. Linh kể: “Gia đình có 6 chị em gái. Từ nhỏ, ba đã nuôi dạy mình cách để tranh tài với các bạn nam. Sau 18 tuổi mình đã lao vào kiếm tiền để không thua bất kỳ người con trai nào. Mình đã chọn công việc chăm sóc khách hàng cho một công ty nước ngoài trong 2 năm và cảm thấy thật sự rất mệt”.

Công việc xuyên đêm khiến nhiều người trẻ rối loạn tâm lý - Ảnh 2.

TP.HCM, TP.Hà Nội luôn có sẵn và nhiều công việc xuyên đêm dành cho người trẻ

Trí Nghĩa

Tốt nghiệp THPT và chọn công việc xuyên đêm, Linh bị trầm cảm 2 năm và phải dừng lại mọi công việc. May mắn, năm 20 tuổi Linh quyết định quay lại giảng đường. Sau 5 năm đi học và cố gắng sinh hoạt điều độ, đến nay, Linh đã có thể cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc trở lại. Không còn cố gắng chạy theo những mục tiêu lớn, Linh sống an nhiên hơn.

Công việc xuyên đêm khiến nhiều người trẻ rối loạn tâm lý - Ảnh 3.

Một số công việc có mức lương hấp dẫn khiến người trẻ quyết định đánh đổi nhịp sinh học để kiếm tiền

Trí Nghĩa

Niềm vui không đến từ tiền

"Mình từng nghĩ phải có nhà, có xe thì mới có được hạnh phúc" là lời chia sẻ của Lê Minh Nam (27 tuổi), ngụ tại P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nam làm việc trong ngành truyền thông, ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng. Nam tin rằng khoảng thời gian từ 12 giờ đêm đến 5 giờ sáng là giờ mà mình có thể sáng tạo được nhiều nhất. Vì vậy, Nam liên tục sáng tạo nội dung xuyên đêm, không nghĩ đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ.

Suốt 4 năm theo đuổi công việc này, Nam nghĩ mình sẽ vui khi mua được nhiều thứ. Nhưng khi có được thứ mình cần, những niềm vui nhanh chóng tan biến. Nam đầu tư vài tỉ đồng để mua xe ô tô nhưng rồi lại không biết mua xe để làm gì. Tiêu tiền xong, Nam lại thấy tội lỗi và tiếp tục "cày" xuyên đêm, quên giờ giấc để tiền lại đầy trong ví.

 

"Mình có thể thức được 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Nhưng sau 2 năm, mình rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhiều tháng mình chỉ khóc và khóc, không thể kiềm lại được. Mình dừng lại mọi công việc, tiêu hết hàng trăm triệu đồng tiết kiệm. Tất cả chỉ để bản thân lắng lại và giữ mình không rơi vào những tình huống tệ hơn", Nam trải lòng.

Công việc xuyên đêm khiến nhiều người trẻ rối loạn tâm lý - Ảnh 4.

Nhiều công việc xuyên đêm nhưng có thu nhập không cao

Trí Nghĩa

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa (chuyên khoa Tâm lý, Bệnh viện Vinmec), càng ngày người trẻ tìm đến sự hỗ trợ về tâm lý và tâm thần càng nhiều. Nhiều người trẻ nhận thức được rõ hơn họ đang có vấn đề về tâm lý khi não bộ cạn kiệt, mệt mỏi. Khi mệt mỏi, người trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những tổn thương, sang chấn.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa đã từng gặp rất nhiều trường hợp như Nam, Linh và Nhung. Sau một thời gian dài ép bản thân phải làm mọi thứ, không ăn không ngủ để kiếm tiền, những người trẻ này đã dần kiệt sức. Sau đó tất cả mọi thứ đều trở nên vô nghĩa dù họ đạt được mục tiêu tài chính. Đó là một hành trình rất mỏi mệt và không bao giờ có điểm kết. 

Theo TNO