Về xã Việt Đoàn hỏi thăm trang trại trồng rau của anh Liêm (33 tuổi) ai cũng biết. Trang trại ven đường nhựa liên xã trở nên nổi bật với màu xanh mơn mởn. Cặm cụi bên luống dưa vàng sắp đến kỳ thu hoạch, anh Liêm cho biết, năm 2015, anh tốt nghiệp khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, rồi đầu quân cho các công ty thương mại chuyên về sản phẩm nông nghiệp sạch. Anh tiếp thị rau sạch cho các siêu thị ở Hà Nội. “Trong thời gian này, tôi nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn về các loại rau an toàn. Trong khi ở quê nhà có nhiều mảnh ruộng lại bỏ không, bởi vậy, tôi nảy ra ý tưởng về quê trồng rau sạch, rồi bán cho các siêu thị”, anh Liêm kể.
Anh khăn gói về quê khởi nghiệp. Thời điểm đó, anh là một trong những thanh niên đầu tiên trong huyện Tiên Du có ý tưởng trồng rau công nghệ cao, theo hướng an toàn. Anh cải tạo đất canh tác của gia đình và thuê thêm ruộng bỏ không của bà con hàng xóm để làm trang trại trồng rau, với diện tích hơn 1ha. Anh tập trung trồng các loại rau mà thị trường có nhu cầu lớn, như cà chua, dưa lưới…
Tuy nhiên, cái khó của anh Liêm là thiếu vốn. Dù vay được từ người thân và bạn bè vài trăm triệu đồng, anh vẫn chưa đủ vốn để đầu tư trang trại. Đúng lúc đó, Huyện Đoàn Tiên Du kịp thời hỗ trợ cho anh vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Trung ương Đoàn. Có tiền, anh đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới nước tự động. “Tôi thay đổi cách trồng rau, trong đó chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nấm đối kháng để sản xuất rau sạch”, anh Liêm kể.
Sau khi có sản phẩm rau theo hướng an toàn, anh Liêm tìm đến các mối quen cũ trong thời gian anh làm thị trường ở Hà Nội để đưa rau vào các siêu thị. Việc tiêu thụ trong các siêu thị khá thuận lợi, có khi anh không đủ hàng bán. Tuy nhiên, anh Liêm luôn trăn trở với việc thay đổi nhận thức của bà con nông dân quê anh về việc trồng và sử dụng rau theo hướng hữu cơ. Bởi vậy, anh bán các loại rau của mình ở quê cho bà con với giá phải chăng, chấp nhận lãi ít đi để người dân trong làng, trong xã đều có thể được sử dụng rau sạch.
Dần dần, người dân địa phương quen sử dụng rau của anh Liêm. Thấy anh làm ăn có hiệu quả, nhiều thanh niên, bà con trong xã tìm đến học hỏi cách làm. Năm 2017, anh và 7 chủ trang trại khác thành lập HTX để thuận tiện cho việc phổ biến cách làm rau công nghệ cao và an toàn cho người dân. Đến nay, HTX vẫn hoạt động tốt, các thành viên làm ăn có lãi.
Năm 2019, trang trại của anh Liêm thu hoạch 30 tấn rau các loại, thu về 400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng. “Thời gian qua, nhiều đoàn nông dân ở nhiều tỉnh, như Hải Dương, Thanh Hóa… cũng tìm về trang trại của tôi để học hỏi kinh nhiệm làm ăn”, anh Liêm nói.