Những chàng trai quyết trí khởi nghiệp từ mảnh đất quê hương

(CTG) Đó là những chàng trai tuổi trẻ sẵn sàng từ bỏ công việc mơ ước ở thành phố phồn hoa để về quê hương khởi nghiệp. Thành công của họ là minh chứng rõ nhất cho ý chí vươn lên trên chính mảnh đất quê hương mình.

Khởi nghiệp nông nghiệp xanh

Nắm bắt được thị trường du lịch nông nghiệp xanh đang có xu hướng phát triển mạnh, anh Bùi Ngọc Thanh (32 tuổi, người dân tộc Mường ở xã Vĩnh Sơn, tỉnh Bình Định), mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm. Đây được xem một mô hình mới của xã vùng cao này, bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.

Anh Bùi Ngọc Thanh.

Sẵn gia đình có hơn 3 hecta đất trồng keo và mì (sắn) nhưng thu nhập không cao. Trăn trở tìm cách vươn lên làm giàu, anh thấy cần phải thay đổi trong cách nghĩ, cách làm thay vì cứ làm nông nghiệp đơn thuần như trước đây. “Tìm hiểu trên mạng cộng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương, tôi đã trao đổi với gia đình trồng dâu tây, măng tây, các loại rau củ ngắn ngày và được gia đình ủng hộ”, anh Thanh nói.

Năm 2019, anh vay mượn của gia đình 30 triệu đồng để khởi nghiệp. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên dâu tây khi trồng xuống bị bệnh và chết gần hết. Không bỏ cuộc, anh quyết tâm vừa làm vừa học, tích lũy thêm kinh nghiệm. Năm 2022, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư, bắt đầu lại từ đầu.

Theo anh Thanh, du khách tìm đến “cổng trời” du lịch chủ yếu để tận hưởng không khí mát mẻ và thưởng thức những món ẩm thực đặc trưng nơi đây. Tận dụng những điểm du lịch suối, thác, thành Tà Kơn… anh mở tour du lịch trải nghiệm. Đồng thời, kết hợp cho du khách tìm hiểu mô hình trồng dâu tây, măng tây của mình. Năm 2024, thông hoạt động thu hoạch dâu tây, kết hợp dịch vụ tour trải nghiệm, ẩm thực, mỗi ngày gia đình thu về hơn 5 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ tiêu thụ nông sản và làm du lịch cộng đồng khoảng 100 triệu đồng. Bí thư Huyện Đoàn Vĩnh Thạnh - Lương Thành Chương đánh giá, anh Thanh có ý chí vươn lên lập nghiệp để phát triển kinh tế cho gia đình, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho tuổi trẻ địa phương. Mô hình của anh Thanh bước đầu cho thấy hiệu quả, được Huyện Đoàn chọn là nơi tham quan học hỏi cho các bạn đoàn viên, thanh niên. Trong các hoạt động xã hội, anh Thanh cũng rất tích cực tham gia.

Chàng trai Đắk Lắk khởi nghiệp với cà gai leo

Anh Lê Minh Triều (bên phải) giới thiệu sản phẩm trà thảo dược cà gai leo đến người tiêu dùng.

Sau nhiều năm đi làm thuê, anh Lê Minh Triều (SN 1995, trú trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) quyết định về quê khởi nghiệp. Anh chọn cây cà gai leo để nghiên cứu làm trà thảo mộc.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với cây cà gai leo, anh Triều tâm sự, từng trải qua nhiều công việc làm thuê khác nhau, năm 2017, thấy cây cà gai leo là vị thuốc quý, anh mong muốn tạo ra sản phẩm tốt cho sức khoẻ. “Thời gian đầu, kinh nghiệm hầu như bằng 0. Tận dụng quỹ đất từ gia đình, tôi trồng 3 sào cà gai leo đồng thời nghiên cứu cách chế biến”, anh Triều nhớ lại.

Rong ruổi nhiều nơi tìm đầu ra cho sản phẩm, anh Triều nhận thấy, cà gai leo được bán chủ yếu ở dạng túi lọc hoặc chế biến thô, khá bất tiện. Bởi nhu cầu của khách hàng rất cần “nhanh - gọn, hiệu quả”. Do đó, anh nghiên cứu tạo ra sản phẩm trà cà gai leo hòa tan. Như vậy, người tiêu dùng chỉ cần hoà vào nước để sử dụng.

“Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm rất khó. Làm sao tinh chế được cà gai leo thành cao, loại bỏ được tạp chất, chỉ giữ các hoạt chất tốt cho người sử dụng. Trong điều kiện thiếu vốn, nhân lực…, tôi phải nhờ tới bên thứ 3 làm việc này, với điều kiện giữ được bí quyết của bản thân”, anh Triều nói.

Làm được sản phẩm đã khó, đưa ra thị trường còn khó hơn. Thời gian đầu, anh Triều tự đi khắp các nơi để giới thiệu sản phẩm. Để tạo được uy tín, anh cam kết hoàn tiền nếu khách hàng sử dụng không hiệu quả. “Điều tôi tự tin nhất chính là chất lượng sản phẩm. Tôi kiểm soát chất lượng ngay từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, đến sơ chế, tạo ra thành phẩm. Người trước dùng thấy hiệu quả lại giới thiệu cho người sau. Cứ thế, tệp khách hàng của tôi ngày càng rộng. Không chỉ bán trong tỉnh, tôi còn có đại lý phân phối hầu hết các tỉnh thành trên cả nước”, anh Triều phấn khởi.

Mỗi tháng, anh Triều đưa ra thị trường gần 1.000 hộp trà cà gai leo hòa tan với giá 160.000 đồng/hộp, mang về doanh thu 160 triệu đồng/tháng. Hiện tại, anh Triều bao tiêu vùng nguyên liệu của bà con trong vùng. Bản thân anh tập trung mở rộng thị trường, tìm nguồn vốn để mở rộng sản xuất. Mục tiêu của anh là xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm chuyên sâu. Anh đã vạch kế hoạch cho từng năm. “Tôi biết, mục tiêu đặt ra rất lớn, cần nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, tôi cố gắng thực hiện từng bước, cái nào cần thiết thì đầu tư trước. Tuổi trẻ mà, phải ước mơ, hoài bão và phải quyết tâm thực hiện”, anh Triều chia.

Đăng Hải (t/h)