Thời gian bắt đầu đi ngủ sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể về cấu trúc và chất lượng giấc ngủ. Nhưng nhìn chung, đi ngủ muộn hơn có thể đồng nghĩa với việc sẽ ngủ ít hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lựa chọn ngủ sớm, chẳng hạn như những người làm ca đêm hay gặp vấn đề về rối loạn giấc ngủ, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Tăng cường hệ miễn dịch
Một trong những lợi ích đầu tiên cần nhắc đến khi ngủ sớm là tăng cường miễn dịch. Khi ngủ, hệ miễn dịch sẽ giải phóng các protein gọi là cytokine. Những cytokine này rất quan trọng đối với sức khỏe.
Khi chúng ta khỏe mạnh, cytokine hoạt động như chất truyền tin hóa học đến các tế bào, từ đó duy trì chức năng hệ miễn dịch. Khi chúng ta bệnh, cytokine sẽ kích thích hệ miễn dịch, tùy thuộc vào mối đe dọa mà cơ thể sẽ có phản ứng thích hợp.
Hơn nữa, một số cytokine thực sự giúp ích cho giấc ngủ. Ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc tạo cytokine của cơ thể cũng như số lượng tế bào và kháng thể có chức năng chống nhiễm trùng.
Giúp da khỏe mạnh
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy ngủ sớm hơn 1 giờ có thể giúp da sáng khỏe hơn. Ngược lại, thiếu ngủ sẽ tác động tiêu cực đến da. Cụ thể, thiếu ngủ sẽ gây quầng thâm mắt, khiến da kém hồng hào hơn, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến da và làm da nhợt nhạt.
Hơn nữa, một số hoóc môn nhất định sẽ hoạt động trong khi ngủ, trong đó có somatotropin. Đây là một loại hoóc môn tăng trưởng mang lại lợi ích cho da, chẳng hạn như phục hồi và giúp da trông đầy đặn hơn.
Giúp quản lý cân nặng
Ngủ không đủ giấc sẽ làm mất cân bằng các hoóc môn quan trọng như leptin và ghrelin, từ đó làm tăng cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến tăng tiết hoóc môn căng thẳng cortisol, dẫn đến cơ thể tích trữ nhiều mỡ thừa hơn.