Đội tặng sách

(CTG) Những người, nhóm chuyên đi tặng sách hiện đã lan tỏa thành cả một cộng đồng với hàng ngàn thành viên. Họ quyên sách đã đọc, góp tiền, trích quỹ mua sách mới và chuyển cho những người cần. Ban đầu, không ít người mắng họ “rỗi hơi”. Và cho đến nay, không phải ai cũng biết những người “rỗi hơi” ấy đang làm gì và tại sao.

 

Trạm đọc miễn phí ở Huế.

Tặng sách, còn phải nghĩ cách cho người ta đọc sách

Là một trong những kẻ rỗi hơi ấy, năm năm trước tôi cùng với khoảng hơn chục nhà báo, biên tập viên các nhà xuất bản thường cùng nhau gom sách của mỗi người để đem tặng các trường miền núi hoặc ở vùng quê nghèo. Định kỳ một năm hai lần, vào dịp hè và trước Tết, chúng tôi sẽ tự vận chuyển số sách ấy đi hàng trăm cây số để tặng lại. Về sau, bạn bè quen biết “thấy hay hay” mỗi người xin góp một ít, cao điểm, chúng tôi phải chung tiền thuê kho để trữ vì sách nhận được quá nhiều.

Có sách trong tay rồi, chuyện cho ai và cho như thế nào là cả một vấn đề. Đơn giản nhất là liên lạc với các điểm trường và thư viện tỉnh, huyện. Vì có cơ quan báo chí đảm bảo nhân thân nên việc tặng sách của chúng tôi khá thuận lợi. Mỗi điểm trường, thư viện trung bình được gửi 100-200 cuốn, ai cũng yên tâm là nơi ấy, chỗ ấy từ nay đã có sách đọc. Thế nhưng, nghĩ vậy mà không phải vậy.

Trong một chuyến công tác ở Sốp Cộp (Sơn La), tôi có dịp đến một điểm trường đặt “tủ sách” thì thấy đến hơn nửa số sách còn nguyên bọc nilon bên ngoài, số sách cũ, rách đi rất ít và nó thường là truyện tranh. Sự việc lặp lại ở một số “tủ sách” khác khiến chúng tôi hiểu ra một điều: đừng nghĩ tặng người ta sách là đã thành công khuyến đọc.

Nguyễn Uyên Phương (trưởng nhóm “Sách để đọc”) cho biết: “Thời gian đầu, chúng tôi cũng gặp tình trạng tặng sách nhưng người ta không đọc. Như vậy việc trao tặng này không còn ý nghĩa gì cả. Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều lần và thực sự “được mở mắt” với những lý do: vì sách không thiết thực, gần gũi (ví dụ sách nghiên cứu, sách kỹ thuật, triết học... tặng cho học trò miền núi); vì thư viện chỉ mở cửa vào những giờ người dân không đến được, vì bà con không thạo chữ quốc ngữ v.v...”.

“Câu chuyện cho, tặng luôn phức tạp và tế nhị hơn là ta tưởng. Từ thiện cũng thế, tặng sách cũng thế. Bạn tặng cái người ta không cần, hoặc không biết cách sử dụng, thì xin lỗi, hành động này không khác gì vứt bỏ đồ cũ. Để người được tặng thực sự đọc sách, ta cần phải bỏ nhiều thời gian và công sức hơn. Nó là cả một hành trình tác động nhận thức lâu dài, càng ở vùng khó việc này càng mất thời gian”. Chia sẻ của Tạ Quân (thành viên của Trạm Đọc) khiến không chỉ chúng tôi mà còn rất nhiều nhóm tặng sách khác giật mình bởi hình như trước đó đội tặng sách mới chỉ đơn thuần là cho đi theo một cách khá “manh động”.

Những trạm đọc đặc biệt

Một lần đến Huế, vào lúc chiều tối, trong công viên Lý Tự Trọng tôi bắt gặp một hình ảnh hết sức dễ thương: hàng chục người già, trẻ em, học sinh, sinh viên tập trung rải rác quanh một tủ sách di động nho nhỏ với biển đề “Trạm đọc miễn phí”. Nói chuyện với Liên (người quản lý “trạm” hôm đó) tôi mới biết: tủ sách di động này định kỳ sẽ xuất hiện ở công viên vào chiều thứ 7 và chủ nhật (lúc đông người đi chơi và tập thể dục nhất). Mất gần nửa năm Trạm đọc mới có bạn đọc ruột sau khi đã thay đổi nhiều hạng mục sách khác nhau. Khi tôi hỏi Liên, Trạm có nhu cầu nhận sách tặng không thì cô cười rất tươi và yêu cầu cực kỳ rõ ràng: ưu tiên sách về bệnh, dinh dưỡng, tiểu thuyết và truyện tranh chị nhé!

Nguyễn Hữu Thắng (20 tuổi), độc giả của Trạm đọc Huế kể: “Nhà em gần đây nên là khách quen của Trạm. Ban đầu thấy tủ sách bày ra còn không hiểu nó là cái gì. Sau thấy có mấy cuốn sách được giới thiệu trên mạng nên em xem thử. Em nhớ cuốn đầu tiên đọc ở đây là “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, rất thú vị. Dần dần có nhiều bạn cũng hay ngồi đọc cùng nên đỡ ngại. Mọi người đi tập ở công viên giờ cũng đã quen với việc bọn em cứ cuối tuần là ra đây đọc sách”.

Mô hình “thư viện miễn phí” dành cho mọi đối tượng này hiện khá phổ biến trên cả nước. Giới trẻ, người về hưu... đặc biệt thích kiểu đọc này. “Đỡ tốn tiền và lại có không khí” – Thắng giải thích.
Ở Hà Nội, trên gác hai của nhà 66 phố Chùa Láng cũng có một thư viện miễn phí cực kỳ được lòng giới mọt sách bởi ở đây, ngoài sách, còn có trà, cà phê, bánh kẹo... hoàn toàn miễn phí. Không gian thư viện được sắp xếp giống một quán cà phê và theo như tiết lộ của những khách quen thì vào cuối tuần nếu đến muộn sẽ không có chỗ ngồi.

Tại Sài Gòn, giới trẻ cũng đã quen với những tủ sách mini màu xanh ngọc hay được đặt trước cửa các quán cà phê. Những tình nguyện viên dựa vào mô hình The Free Little Libary trên thế giới để lập ra dự án này. Mỗi tủ chứa từ 20-30 cuốn sách. Độc giả có thể lấy một cuốn bất kỳ, cũng được mang về nhà đọc. Họ được khuyến khích đặt vào đó một cuốn sách khác như một hình thức trao đổi.

Hoa Lê (thành viên dự án) cho biết “Khi dự án mới triển khai, nhiều người bảo bọn em là rảnh quá à? Một số người dự đoán chả mấy chốc tụi mày sẽ mất hết cả sách lẫn tủ. Người ta không biết, lúc ấy chúng em chỉ mong có người đến lấy sách. Thậm chí nếu thích họ có thể mang về mà không cần để lại sách đổi”.

Khuyến đọc là câu chuyện phải nói hàng ngày

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, người rất tích cực trong các hoạt động khuyến học từng nói với tôi: “Khuyến đọc không chỉ gồm mỗi việc tặng sách. Trước đó, phải làm thế nào cho người ta hiểu được đọc sách là cần thiết, không kém gì so với việc học. Câu chuyện của Việt Nam hiện tại chính là nằm ở chỗ làm sao để người Việt hiểu rằng thành công có được không dựa vào học vấn, trí tuệ là thành công nhất thời và rất nhỏ bé so với thế giới. Khi người ta có nhu cầu muốn đọc sách, thì việc lập tủ sách mới có hiệu quả”.

Với mong muốn góp phần thay đổi thói quen đọc của người Việt, bản thân anh Vương đã lập một tủ sách tên là Đồi Chèm ở làng Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, hoan nghênh mọi người đến mượn sách miễn phí. 28 Tết năm ngoái, anh còn làm một phép thử khá độc đáo khi quyết định đem sách về chợ quê bày bán với mục tiêu “bán được một cuốn”. Kết quả, sạp hàng hai mét vuông cạnh hàng cam quýt của anh toàn sách trẻ con đã trở thành một “điểm tò mò” đối với một số bà con ở quê. Có người mặc cả. Đa số người hỏi có sách tướng số, tử vi, bói toán, văn cúng... không?

Một thông tin đáng mừng, hiện nay những Trạm đọc miễn phí do các cá nhân, tổ chức lập ra ngày càng nhiều và càng “vươn cao, vươn xa”. Đơn cử, Trạm đọc ở Gia Lai không chỉ thành công tổ chức các điểm đọc miễn phí, còn xin được kinh phí tài trợ để tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về sách với tên gọi “Sách trong tôi” thu hút hàng trăm độc giả tham gia. Những “kẻ cuồng sách” như dịch giả Nguyễn Quốc Vương còn thường xuyên đi khắp các tỉnh thành nói chuyện với học sinh để khơi gợi tình yêu với sách. Các cuộc thi giới thiệu sách có thưởng cũng góp phần tích cực khiến người ta chăm đọc hơn.

Để khắc phục tình trạng tặng sách mà không biết người ta có cần không, gần đây, đội tặng sách đã lập nhóm tặng trên mạng xã hội và mỗi ngày đều rao sách mới. Ai có nhu cầu thì nhắn tin đăng ký. Làm thế tuy mất công nhưng sách đến được với người cần.

“Trung bình mỗi ngày bọn em tặng khoảng 15 - 20 cuốn. Người xin sách chịu tiền cước bưu điện, trường hợp nào khó khăn thì nhóm sẽ hỗ trợ cả tiền vận chuyển. Làm việc này bọn em cần nhiều cộng tác viên hơn, vì ngày nào cũng phải canh facebook. Rồi còn nhóm đi xin, quyên sách, nhóm đi gửi, nhóm kế toán... Bận rộn hơn và số lượng giảm hơn la cho cả thùng nhưng lại tặng đúng người hơn. Vui nhất là độc giả đọc xong còn viết cảm nhận về sách. Chúng em hy vọng mỗi một cuốn sách tặng ra thì sẽ có thêm một người có thói quen đọc”, Nguyễn Thanh Hà – sáng lập viên nhóm Tặng sách chia sẻ.

Trong thư viện miễn phí ở Hà Nội.

Theo TP