Đưa âm nhạc di sản đến khán giả trẻ

(CTG) Vượt qua rào cản của một cô gái dân tộc thiểu số, nữ ca sĩ Hà Myo (dân tộc Mường) được mọi người gọi là đại sứ đưa âm nhạc di sản đến với khán giả trẻ theo một cách mới mẻ, độc đáo.

Năm 2020, Hà Myo tham gia cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, đăng ký thi nhạc nhẹ nhưng vô tình bị xếp vào dòng nhạc dân gian. Cô lao vào tìm hiểu về các loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian của Việt Nam, và Xẩm, một loại hình nghệ thuật dân gian rất kén người nghe, lại gợi lên trong Hà Myo nhiều cảm xúc. “Ở Xẩm, tôi thấy được sự đời, tưng tửng, dí dỏm, rất giống với tính cách con người của mình bên ngoài. Tuy Xẩm không thực sự phổ biến và khá kén người nghe nhưng nếu dành thời gian nghe thì thực sự rất “cuốn”, Hà Myo chia sẻ.

Cô được nghệ sĩ xẩm Quang Long dạy bài Xẩm Hà Nội lời gốc. Tại đêm chung kết Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2020, cô mang đến một làn gió mới khi trình diễn bài Xẩm Hà Nội kết hợp âm nhạc hiện đại, đoạt giải Nhì cuộc thi, giải bài hát về Hà Nội hay nhất.

Đưa âm nhạc di sản đến khán giả trẻ ảnh 1

Hà Myo là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021. Ảnh: Dương Triều

Sự tiên phong, đổi mới khác lạ bằng việc kết hợp giữa Xẩm, Xoan… với nhạc điện tử, vũ đoàn, rap… mới đầu gây ra nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt từ khán giả lớn tuổi. “Ban đầu, đọc những bình luận trái chiều, Hà cũng buồn, có khóc, có thất vọng, nhưng sau đó suy nghĩ lại, Hà cảm thấy thật biết ơn. Biết ơn vì có quan tâm đến Xẩm lắm, đến Xoan lắm, đến âm nhạc di sản lắm, khán giả mới dành những sự lo lắng đó. Biết ơn vì chính những bình luận khó tính đó đã khiến Hà nhìn thấy những sự chưa hoàn thiện của bản thân, để nỗ lực trưởng thành hơn qua từng sản phẩm”, Hà Myo trải lòng.

 

Hà Myo (tên thật Nguyễn Thị Ngọc Hà, SN 1993) đang công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Cô là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021, Giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2022, Gương mặt trẻ tiêu biểu Đoàn Khối các cơ quan T.Ư 2022, Quán quân Sàn chiến giọng hát 2022 (VTV3)…

Những lúc gặp khó khăn, Hà tự trấn an mình, “vạn sự khởi đầu nan”, người tiên phong, đi đầu thì luôn vất vả hơn rất nhiều, nhưng tuổi trẻ thì phải dám làm, dám đối diện và chấp nhận. “Tuổi trẻ, tuổi của sáng tạo; không táo bạo, không phải là tuổi trẻ. Nếu bạn không tiên phong thì ai sẽ là người tiên phong? Mình còn trẻ, nếu không dám làm điều mình thích thì sẽ không có sự đổi mới nào cả”, Hà Myo nói.

Sẽ mang Xẩm đến trường học

Sự trăn trở, tâm huyết, quyết tâm đổi mới của nữ ca sĩ đã được đền đáp xứng đáng. Các sản phẩm âm nhạc MV Xẩm Hà Nội, MV Xẩm Xuân Xanh, MV Xẩm Xuân Chúc Phúc… đã nhận được sự đón nhận, phản hồi tích cực từ đông đảo khán giả. Ngoài Xẩm, năm 2022, khán giả chứng kiến sự bùng nổ của Hà Myo, với loạt sản phẩm âm nhạc kết hợp giữa Xoan, dân ca Mường với nhạc hiện đại, như MV hát Xoan “Trò chơi í..a.. Trời Cho”, MV dân ca Mường “Đập Nàng Khọt”, MV “Ký sự Trường Sa”, MV Xẩm Bốn Mùa hoa Hà Nội… Hà Myo chia sẻ, mỗi thể loại đều có cách hát, cách nhả chữ, khoảng vang, giai điệu khác nhau. Cô đến với mỗi thể loại gần như từ con số 0 nên phải học và luyện tập rất nhiều.

“Tôi mong muốn và đang cố gắng để có thể mang âm nhạc di sản của dân tộc diễn ở những sân khấu lớn, cả trong nước và quốc tế. Qua đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế thấy được một Việt Nam không chỉ có vẻ đẹp về con người, phong cảnh mà có một nền văn hóa nghệ thuật cũng rất đặc sắc, rất riêng, đáng trân trọng, thưởng thức và lan tỏa”, cô nói. Tháng 7/2022, cô mang Xẩm Hà Nội đến với sân khấu Viêng Chăn - Lào, chào mừng Tuần Văn hoá Việt Nam - Lào…

Hà Myo cho biết, một trong những mục tiêu lớn của cô trong năm 2023 là thực hiện dự án mang Xẩm đến với trường học để tạo nguồn cảm hứng, mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ.

Theo TPO