Đừng để xe buýt trở thành nỗi ám ảnh

CTG - Những vụ tai nạn xe buýt liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy việc cần cảnh báo mức độ an toàn của xe buýt để hành khách, đặc biệt là sinh viên khỏi lo ngại.

Thường xuyên quá tải và tài xế phóng nhanh

Bên dưới bài viết về vụ tai nạn trên đường Điện Biên Phủ, khiến một người tử vong, được đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 5.11, nhiều độc giả bày tỏ bức xúc rằng xe buýt hiện nay là "nỗi ám ảnh của người dân thành phố" và là "nỗi sợ mỗi khi lưu thông trên đường"...

Trước đó, vụ việc xe buýt tuyến 52 đang đổ dốc từ cầu Rạch Chiếc vào trung tâm Q.1 bất ngờ lao lên dải phân cách vào tối 1.11, dù không gây thiệt hại về người nhưng khiến nhiều sinh viên (SV) hoang mang. Thông tin nhanh chóng lan truyền trên nhiều hội nhóm SV, đặc biệt là bài viết trong nhóm "Hội những người ký túc xá Khu B - KTX ĐHQG TP.HCM", thu hút hàng nghìn lượt tương tác, ở phần bình luận nhiều SV nhắc tên bạn bè vào xem bài viết, bày tỏ nỗi lo về độ an toàn. Điều này phần nào phản ánh mức độ gắn bó của SV với xe buýt, đây không chỉ như phương tiện di chuyển hằng ngày mà còn là lựa chọn gần như duy nhất để đến trường.

Đừng để xe buýt trở thành nỗi ám ảnh- Ảnh 1.

Phần lớn tài xế cho biết đều được đào tạo bài bản và tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn giao thông

Chia sẻ với người viết về cảm xúc của bản thân trước những vụ tai nạn trên, Trịnh Nguyễn Minh Duy, SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết nhà bạn ở Q.Phú Nhuận, nhưng học ở TP.Thủ Đức nên mỗi ngày mất khoảng 2 tiếng cả đi lẫn về cho việc di chuyển bằng xe buýt. Nói về những hạn chế của phương tiện này, Duy cho biết vấn đề nằm ở sự an toàn. "Xe mình đi thường xuyên quá tải và tài xế phóng nhanh, vượt ẩu là lẽ thường tình", Duy nói.

Duy kể đầu tháng 11 vừa qua có thấy thông tin tai nạn liên quan đến tuyến xe buýt mà bản thân đi học hằng ngày. "Đọc xong, mình khá lo lắng và hoang mang nhưng vẫn phải tiếp tục đi tuyến đó thôi, đâu còn lựa chọn nào khác. Mình chỉ hy vọng là sau các vụ tai nạn, các bác tài xế sẽ chú ý tốc độ hơn, các cấp quản lý cao hơn cũng sẽ có giải pháp cho vấn đề này", Duy nói.

Cùng chung cảm nhận, Nguyễn Anh Quân, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể lại lần chứng kiến hành khách va quệt với phương tiện khi xuống xe buýt: "Khi xe đổ bến, tài xế thường rất vội vã, khiến mình cũng vội theo. Nếu không cẩn thận, không nhìn trước ngó sau mà bước ra luôn là có thể va chạm với xe đang lưu thông bên ngoài".

Đừng để xe buýt trở thành nỗi ám ảnh- Ảnh 2.

Bạn đọc bức xúc trước vụ tai nạn xảy ra trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được đăng tải trên Báo Thanh Niên ngày 5.11

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Chấn chỉnh sai sót, đảm bảo an toàn cho hành khách

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Vương Bảo, Phó giám đốc Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết một số vụ tai nạn giao thông liên quan phương tiện xe buýt xảy ra gần đây trên địa bàn TP.HCM (cụ thể: vụ tai nạn xảy ra vào chiều 5.11 trên đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh và vụ tai nạn xảy ra chiều 8.11 trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp) hiện đang được cơ quan công an điều tra làm rõ nguyên nhân.

Nói về các biện pháp an toàn đang được triển khai và áp dụng, ông Bảo cho biết trung tâm thường xuyên tổ chức kiểm tra toàn diện các điều kiện hoạt động của xe buýt. Điều này bao gồm kiểm tra giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của phương tiện, giấy phép lái xe và chứng nhận nghiệp vụ của tài xế cũng như giấy chứng nhận nghiệp vụ của nhân viên phục vụ thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải. "Các đợt kiểm tra này giúp chúng tôi kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót, đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách", ông Bảo chia sẻ.

Ông Bảo cũng đặc biệt nhấn mạnh, qua đánh giá tình hình 6 tháng của năm 2024, trung tâm nhận thấy vẫn tồn tại một số trường hợp tài xế xe buýt chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về trật tự và an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng này, trung tâm đã tổ chức họp khẩn với lãnh đạo các đơn vị vận tải xe buýt trên địa bàn TP.HCM nhằm thảo luận và thống nhất biện pháp xử lý mạnh tay hơn.

"Theo đó, chúng tôi đã thống nhất áp dụng mức chế tài nghiêm khắc, cụ thể là đình chỉ công tác 24 tháng đối với các hành vi cố ý vi phạm trật tự an toàn giao thông ngay từ lần vi phạm đầu tiên, thay vì chỉ đình chỉ 5 ngày như trước đây. Còn đối với các trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn, trung tâm sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP.HCM, chuyển giao hồ sơ để xử lý theo quy định. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành của tài xế và đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian tới", ông Bảo thông tin.