Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại

(CTG) Có ngoại hình điển trai, tài năng và nhận được nhiều lượt theo dõi trên mạng xã hội nhưng ít ai biết Nguyễn Thế Duy (25 tuổi, quê tại Bà Rịa - Vũng Tàu) từng trải qua thời gian gần như trầm cảm vì kinh doanh thất bại.

  1. Khởi nghiệp kinh doanh từ tiền tiết kiệm

Bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với một local brand (thương hiệu thời trang nội địa) vào năm 2020, sau đó 1 năm thì Thế Duy đã quyết định mở cửa hàng. Vì bản thân là người khó tính, cầu toàn nên Duy mất nhiều thời gian để tìm được mặt bằng. Sau hơn 1 tháng tìm hiểu, thông qua các hội nhóm trên Facebook và bạn bè giới thiệu thì gen Z này cũng tìm được một địa điểm đáp ứng được yêu cầu về phong thủy, sạch đẹp và giá thuê hợp lý.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 1

Thế Duy sở hữu ngoại hình điển trai. NVCC

Thế Duy lựa chọn thuê một căn trong chung cư cũ tại đường Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM để làm cửa hàng. Vì không gian khá cũ nên chàng trai này phải tự tay thiết kế lại từ việc sơn tường, bố trí không gian và chính tay Duy đã khiêng vác từng chiếc kệ, móc áo để thay đổi “bộ mặt” cho cửa hàng. Vất vả hoàn thành cửa hàng nhưng chưa kịp vui thì những đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 ập đến khiến Thế Duy phải chịu cảnh “đóng băng” cửa hàng trong nhiều tháng liền.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 2

Cửa hàng của Nguyễn Thế Duy. NVCC

“Khoảng thời gian đó thật sự là bế tắc vì đối với người mới kinh doanh như mình thật là một cú sốc lớn. Để mở được một cửa hàng không đơn giản vì có rất nhiều thứ phải chi trả, như: thuê mặt bằng, chi phí sửa chữa, cải tạo mặt bằng, vật dụng trang trí cho cửa hàng, tiền thuê bảo vệ giữ xe. Ngoài ra, việc chi trả cho các phần mềm quản lý, nhân viên và phải đầu tư cho những buổi chụp hình quảng bá sản phẩm. Số vốn ban đầu của mình là hơn 700 triệu đồng tích lũy được từ công việc làm người mẫu, bán hàng”, Thế Duy chia sẻ.

Vì lần đầu kinh doanh, “tay ngang” nên Thế Duy gặp khó khăn trong việc marketing sản phẩm. Đồng thời cái tôi quá lớn cũng khiến chàng trai này gặp thất bại. Cụ thể khi lên ý tưởng, sáng tạo ra các mẫu quần áo mới, Thế Duy đặt sở thích, ý kiến cá nhân vào đó quá nhiều mà quên đi nhu cầu của khách hàng. Vì vậy khi ra mắt sản phẩm thì kén khách hàng dẫn đến doanh thu không cao.

Đặt niềm tin sai chỗ

Vì không có kinh nghiệm trong kinh doanh nên Thế Duy thường đặt niềm tin vào những người xung quanh để rồi nhận về cái kết đắng. Trong quá trình làm thời trang Duy có nhờ những người bạn kết nối với các bên như xưởng sản xuất, kho… nhưng không may Duy đã gặp phải những đối tác "dỏm".

“Khi làm ăn với đơn vị sản xuất của một người tên H. thì bạn này nhiều lần trễ hẹn, thỏa thuận giao đồ từ tháng 10.2021 nhưng đến tháng 1.2022 mình mới nhận được. Chưa kể sau một thời gian thì mình nhận ra vải cửa hàng mình gửi qua cũng được đổi thành loại kém chất lượng hơn, và họ làm đồ ẩu, sai chi tiết. Thông thường 1 chiếc áo mất khoảng 1m5 vải thì bên đó kê lên đến 2m2 khiến các chi phí đều đội lên rất cao so với dự tính ban đầu của mình”, Duy kể lại.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 3

Kinh doanh thất bại, Thế Duy từng phải mất trắng số tiền tiết kiệm trong nhiều năm. NVCC

Sau khi dừng việc hợp tác với H. Duy tiếp tục làm việc với một người trung gian khác, ban đầu mọi thứ đâu vào đấy, nhưng sau 3 tháng thì người đó không liên lạc được, khiến tiến độ làm trang phục của cửa hàng bị trì trệ. Sau 2 tuần mất tích thì nhân vật này quay trở lại, vì quá nhẹ dạ và tin người này sẽ thay đổi nên Thế Duy tiếp tục tin tưởng. Lần này Thế Duy mang hàng hóa, vải vóc gửi nhờ ở nhà người này theo lời gợi ý. Tuy nhiên, được 3 tháng thì người này tiếp tục bỏ trốn và số hàng hóa của Thế Duy cũng “bốc hơi” theo.

“Mình đã dùng hết số tiền còn lại để làm hàng nhưng không đủ. Thời gian đó mình đã hỏi mượn bạn bè nhưng họ lại từ chối, tâm lý trong lúc khó khăn mà không được giúp đỡ khiến mình mất đi nhiều mối quan hệ. Mình cảm giác như bị cả thế giới quay lưng, gần như trầm cảm, không muốn gặp mặt ai”, Thế Duy chia sẻ.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 4

Ngoại hình Thế Duy xuống sắc sau khi trải qua việc kinh doanh thất bại. NVCC

Sau nhiều lần bị lừa, Thế Duy quyết định dừng hoạt động cửa hàng vào tháng 6.2022 vì số tiền tích góp nhiều năm hơn 700 triệu đồng đã "bốc hơi" sau hơn 1 năm kinh doanh. Phải đăng bài trên mạng xã hội để thanh lý các vật dụng trong cửa hàng mà Thế Duy không kìm được nước mắt vì công sức gầy dựng nay đã hoàn toàn thất bại.

Hiện tại, sau nhiều thử thách, Thế Duy đã có thêm nhiều kinh nghiệm và đang tiếp tục phát triển thương hiệu thời trang của mình qua hình thức bán hàng trực tuyến. Sắp tới, Thế Duy ấp ủ việc sẽ thành lập một công ty về thời trang khi đã có đầy đủ tiềm lực.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 5

Thế Duy cùng những người bạn trong một buổi chụp hình để quảng bá thương hiệu. NVCC

Từng là một vận động viên taekwondo thi đấu chuyên nghiệp cho tỉnh Vũng Tàu từ năm lớp 11, tuy nhiên Thế Duy lại không theo đuổi việc thi đấu. Anh từng tốt nghiệp ngành khoa học hàng hải tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2019. Sau khi tốt nghiệp, Duy lại một lần nữa chuyển hướng nghề nghiệp sang theo đuổi nghệ thuật, cụ thể là công việc người mẫu, diễn viên. Năm 2021, anh lọt vào top 5 cuộc thi về thời trang đình đám The Next Face Việt Nam. Vốn là một người có ngoại hình nhưng việc kinh doanh thất bại từng khiến Thế Duy rơi vào trạng thái gần như trầm cảm nên rất... xuống sắc, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại chàng trai này đã lấy lại được vẻ điển trai của mình nhờ tập luyện thể hình.

Gen Z có gần 170.000 người theo dõi kể chuyện trầm cảm vì kinh doanh thất bại - ảnh 6

Thế Duy là người luôn chăm chỉ và không bao giờ từ bỏ lý tưởng dù có thất bại nhiều lần. NVCC

“Khi đối mặt với những khó khăn các bạn trẻ hãy dành một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, suy ngẫm rồi quay trở lại. Khi bản thân mình xấu và thất bại nhất thì các bạn sẽ càng thêm mạnh mẽ, sáng suốt hơn sau đó. Hãy giải quyết từng việc một, gỡ từng mối thắt thì mọi chuyện sẽ dần được giải quyết, quan trọng là bạn đừng bao giờ bỏ cuộc”, Thế Duy chia sẻ.

Một người bạn lâu năm của Thế Duy, chị Trần Thị Bích Trâm (25 tuổi), ngụ tại chung cư Eco Green, Q.7, TP.HCM, cho biết: “Mình không thể quên được khoảng thời gian Duy thất bại trong chuyện kinh doanh hay than thở và suy nghĩ tiêu cực. Tuy thất bại nhưng từ đó lại cho cậu bạn nhiều bài học quý giá. Một điểm mình rất khâm phục ở Duy là tuy thất bại nhưng chưa bao giờ bỏ cuộc, một người tay ngang trong kinh doanh nhưng biết cách xoay chuyển đồng tiền dù gặp nhiều khó khăn”.

Theo TN