Gen Z đi làm, gặp đồng nghiệp lớn tuổi hơn ba, mẹ thì xưng hô thế nào?

CTG - Gen Z (những người sinh từ năm 1997 - 2012) khi đi làm chung công ty với những gen X (những người sinh từ năm 1965 - 1980), cảm thấy phân vân không biết phải xưng hô với những đồng nghiệp bằng hoặc thậm chí lớn hơn tuổi của ba, mẹ mình như thế nào.

Khi đồng nghiệp lớn tuổi hơn ba, mẹ

Tốt nghiệp ra trường sớm một năm, hiện tại Trần Nguyên Thảo (21 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) đã đi làm tại công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Deluxe, Q.6, TP.HCM. Vào công ty, Thảo "choáng" khi thấy nhiều đồng nghiệp hơn cả tuổi mẹ, bằng cả tuổi ba ở nhà.

"Ban đầu, khi biết tuổi đồng nghiệp, mình xưng hô "cháu chào chú", "cháu chào cô". Kết quả, mình bị chửi te tua. Những đồng nghiệp ấy bảo mình chỉ cần xưng hô là anh, chị và xưng em là được", Thảo kể.

Một trường hợp khác, Nguyễn Thành Trí (22 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM) cũng phân vân không biết chào những đồng nghiệp trong công ty như thế nào "cho phải phép" khi mà có người lớn tuổi hơn cả ba, mẹ.

"Có nam đồng nghiệp cùng phòng đã 55 tuổi, một nữ đồng nghiệp đã 49 tuổi. Ba, mẹ mình ở nhà chỉ 40 tuổi. Mình cảm thấy lúng túng và khó khăn khi tìm ra cách xưng hô hợp lý. Gọi là chị, là anh thì hơi ngại. Mà gọi là cô, là chú thì cũng quá kỳ", Trí ta thán.

Những câu chuyện "cảm thấy khó xử" như Trí và Thảo khá phổ biến hiện nay. Khi gen Z đã và đang bước vào thị trường lao động, thậm chí ở nhiều công ty hiện nay, gen Z là lực lượng lao động chủ yếu. Không những vậy, nhiều gen Z hoàn thành chương trình học sớm hơn thời gian quy định nên đã đi làm việc khi chỉ mới 20, 21 tuổi. Không ít gen Z "đứng hình" và bối rối khi không biết dùng đại từ xưng hô như thế nào với đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình rất nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba số tuổi.

Theo TNO