'Gen Z - Mùa hè kiếm việc làm thêm': Kỳ 1: Một mùa hè làm thêm thật khác

(CTG) Lao động trẻ nói chung, sinh viên nói riêng đang bước vào mùa xin việc thời vụ sau khi hoàn thành chương trình học. Do COVID-19, mùa hè năm nay cho họ trải nghiệm, câu chuyện thật khác.

 

Lượng khách đến các trung tâm thương mại, du lịch dịp hè tăng mạnh kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động cao hơn - Ảnh: C.TRIỆU

Dù chuẩn bị bước vào năm hai ở giảng đường, Trần Đại Hùng (Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM) đã có "thâm niên" làm việc một năm. Hùng hiện làm bán thời gian cho một hệ thống Anh ngữ lớn với vị trí trợ lý truyền thông, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Trước đó bạn từng làm việc ở quán bia với mức lương 16.000 đồng/giờ, quán cà phê lương 20.000 đồng/giờ.

Không quá khó kiếm việc, nhưng...

Đại Hùng bộc bạch: "Mùa hè năm nay tôi quyết định phải làm một công việc giúp bản thân học thêm nhiều hơn các kỹ năng cần thiết cho tương lai, đòi hỏi kiến thức cao hơn... vì những việc trước đây khá đơn giản, ít được đào tạo mà chủ yếu dùng sức và một chút khả năng linh hoạt, thân thiện là đủ". 

Cho rằng việc làm sẽ rất cạnh tranh do tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) lẫn đại dịch, Hùng chọn công việc phải giúp bản thân học được nhiều hơn chứ không đơn thuần chỉ có "đồng ra, đồng vào" như trước đây. Ngoại hình sáng, lanh lẹ cộng vốn ngoại ngữ tốt nên Đại Hùng không khó kiếm việc làm thêm.

Tương tự, Mai Gia Hân (Trường CĐ Công thương TP.HCM) cho biết công việc thời vụ trong hè khá dễ kiếm. "Tôi đi làm thêm để phần nào tự trang trải các chi phí sinh hoạt, mức thu nhập dao động khoảng 3-4 triệu đồng/tháng tùy thời gian, khối lượng công việc", Gia Hân nói. Một số bạn được hỏi đều nói kiếm việc thời vụ trong hè hiện không khó, lương theo giờ.

Dẫu vậy, ngoại hình đôi lúc trở thành rào cản với không ít bạn trong hành trình kiếm việc thời vụ. Ngọc Mai (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) kể mình có bằng IELTS 6.5, thuộc típ người chăm chỉ nhưng nộp đơn nhiều nơi và chỉ nhận về những cái lắc đầu. 

"Từ quán cà phê khu trung tâm đến các bar, quán ăn nhanh, những nơi chắc chắn có nhiều du khách nước ngoài đều phỏng vấn nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy nơi nào hồi âm sau hai tuần. Trong khi đó những đứa bạn thân xinh xắn đi xin việc chung đều được liên lạc. Cuối cùng tôi đi làm ở một quán nhậu bình dân trên đường Hoàng Sa", nữ sinh viên trĩu giọng. 

Mai băn khoăn nhiều nơi yêu cầu nhân viên mang khẩu trang suốt thời gian làm việc sao vẫn coi trọng chuyện ngoại hình đến vậy!

Nhu cầu tuyển dụng cao, sôi động hơn

Ông Nguyễn Xuân Sơn (quyền giám đốc vận hành toàn quốc, dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam) cho rằng hơn hai năm đại dịch đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phải thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa. 

Tuy nhiên, với việc kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay, tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành nghề trên cả nước tăng tốc trở lại trong năm 2022.

"Thực tế cho thấy nhiều đơn vị kinh doanh tại các thành phố lớn, nhiều địa phương cả nước đã trở lại mạnh mẽ. GDP sáu tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, đáng chú ý hai ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng cao gồm công nghiệp chế biến, chế tạo với tốc độ tăng 9,66%, khu vực dịch vụ tăng 6,6%", ông Xuân Sơn nói.

Từ quan sát chung thị trường lao động và những đơn hàng tuyển dụng mà ManpowerGroup Việt Nam nhận được, ông Xuân Sơn đánh giá nhu cầu tuyển dụng nhân sự phổ thông, lao động thời vụ cao và sôi động hơn so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, thương mại điện tử, vận tải, kho bãi, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch...

Còn bà Lê Thị Đoan Trinh (giám đốc nhân sự, Công ty cổ phần đầu tư Scommerce) nói việc tuyển dụng nhân sự thời vụ gần đây khá khó khăn. 

Theo bà Đoan Trinh, sự khó khăn này không hẳn do COVID-19 tác động nữa. Nếu vào quý cuối của năm 2021, việc kiếm nhân sự thời vụ lúc đó vô cùng chật vật do sinh viên, nhân viên làm bán thời gian hoặc lao động thời vụ "rút" về quê tránh dịch, rồi hàng loạt trường chuyển sang học trực tuyến, hoặc gia đình sợ các bạn nếu tiếp tục ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội sẽ không có đủ thực phẩm để sống...

Hiện nguồn cung lao động thời vụ đang không đủ do lĩnh vực giao hàng nhanh gặp sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty chung ngành, kéo theo mức thu nhập trả cho lao động thời vụ cũng rất "đau đầu", rất cạnh tranh. 

"Một số tỉnh đặc thù có lượng thanh niên đi xuất khẩu lao động nhiều, một số địa phương phát triển du lịch trở lại, hoặc gia đình có vườn vào mùa thu hoạch... đều tác động mạnh đến lượng lao động thời vụ, phổ thông như nhân viên giao hàng, phân loại hàng hóa. Tính chất cung - cầu khác nhau nên mức lương của lao động ở các khu vực cũng khác nhau, chưa kể tính chất công việc khác nhau cũng tác động đến mức lương", bà Trinh nói.

Khát nhân sự du lịch, cơ hội cho sinh viên

Theo bà Thanh Lê (giám đốc quốc gia, Adecco Việt Nam), nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông trong các ngành nghề đã bắt đầu tăng mạnh từ quý 2 và sẽ tiếp tục tăng trong hè 2022. Cơ hội việc làm cho giới trẻ và sinh viên cũng sẽ tăng cao, đặc biệt trong các ngành du lịch, nhà hàng - khách sạn và dịch vụ ăn uống.

Khi mở cửa du lịch quốc tế từ giữa tháng 3, các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động do nhiều nhân sự đã rời khỏi ngành trong hai năm qua. Vì vậy nhiều doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng, đào tạo lại các nhân sự cũ mà cần tìm kiếm sinh viên cho các vị trí bán thời gian và thời vụ để có thể nhanh chóng vận hành. Trong bối cảnh kích cầu du lịch hè, cơ hội việc làm cho các bạn trẻ trong lĩnh vực này sẽ đa dạng hơn.

 

Theo TT