Gia đình chị Nguyệt là 1 trong 20 gia đình được tuyên dương trong chương trình “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2021 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận tổ chức.
Quen biết nhau từ khi học chung trường THPT, chị Nguyệt và anh Kiên lại có nhiều cơ hội tiếp xúc trong công việc khi chị là cán bộ tư pháp của UBND phường Nghĩa Trung phải phối hợp với anh là công an phường khi diễn ra bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Gia đình chị Nguyệt, anh Kiên - 1 trong 20 gia đình được tuyên dương trong chương trình “Gia đình trẻ tiêu biểu” năm 2021
“Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”, thời gian cộng tác chung đã dần khiến đôi bạn ngày xưa phát triển dần tình cảm và tiến đến hẹn hò. Đến tháng 11/2011, chị Nguyệt và anh Kiên chính thức về chung một nhà.
Cũng như bao gia đình khác, trong 10 năm hôn nhân xây dựng hạnh phúc, gia đình chị Nguyệt cũng gặp một số khó khăn, thử thách. “Đối với tôi khoảng thời gian khó khăn và tủi thân nhất là khi tôi vừa sinh con đầu được một tháng thì chồng tôi nhận quyết định đi học chuyên tu đại học ba năm ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi con được ba tháng tuổi thấy con chậm lớn nên tôi đưa con đi khám thì được bác sĩ thông báo con bị dị tật tim bẩm sinh, bệnh lý là thông liên nhất. Bác sĩ nói con có sức đề kháng kém lại còn quá nhỏ, để bệnh tim không trở nặng gia đình tuyệt đối không để con bị viêm phổi, vì khi con bị viêm phổi sẽ dễ bị suy tim” - chị Nguyệt hồi tưởng lại.
Chị nuôi con trong sự lo lắng, bất an. Con thường xuyên ốm vặt, nhất là bị viêm đường hô hấp. Mỗi lần con ho, sốt, thở khò khè là tôi sợ con bị viêm phổi nên luôn túc trực bên con. Những lúc con ốm, một mình tôi ngày đêm chăm con và ru con ngủ, khi con khỏi ốm thì mẹ lại bị ốm vì kiệt sức. Những ngày Lễ, Tết, chị ngóng chồng về nhưng chồng lại phải trực 50% ở trường nên ngày nghỉ thường phải rút ngắn lại. “Chồng tôi cũng rất nhớ vợ con nên tranh thủ thời gian rảnh thì gọi điện thoại nói chuyện cho đỡ nhớ nhà. Mặc dù vậy, thời gian ba năm cũng không quá dài, chúng tôi vui vẻ mà vượt qua” - chị Nguyệt chia sẻ.
Tháng 12/2015, tổ ấm của chị Nguyệt chào đón bé trai thứ 2. Lúc này, anh Kiên đã học xong đại học và về làm ở địa phương để có điều kiện chăm sóc con và chia sẻ việc nhà với vợ. Con lớn bắt đầu đi học mẫu giáo và biết phụ mẹ trông chừng em. “Buổi chiều hôm đó, tôi đi làm về, con chạy ra cầm theo phiếu bé ngoan có hình nàng Bạch Tuyết và nói: “Con tặng mẹ”. Tôi cảm ơn con và hỏi: “Vì sao con là con trai mà chọn phiếu bé ngoan có hình cô gái thế?”. Con nói: “Mẹ ơi! Có nhiều phiếu bé ngoan lắm nhưng có mỗi cái này có hình của mẹ”. Cảm xúc trong tôi dâng trào, lâng lâng khó tả” - chị Nguyệt bồi hồi nhớ lại.
Thời gian trôi qua, các con đã lớn hơn, biết nghe lời ba mẹ, em út năm nay vào lớp một, anh hai vào lớp bốn. Anh thích dạy em môn toán, em thì thích chơi lego nhưng tay em còn nhỏ nhiều khi không thể tháo, lắp theo ý muốn nên lại nhờ anh hai. Mỗi buổi chiều, hai anh em rủ nhau chạy xe đạp và cùng chơi với các bạn hàng xóm, ba thì chăm sóc mấy cái cây xung quanh nhà, mẹ nấu ăn. Tối đến các cháu tự mang sách vở cô giáo giao về nhà làm, chỗ nào không hiểu thì hỏi ba mẹ hướng dẫn. “Các con tôi không phải là học sinh xuất sắc của trường nhưng được cô giáo khen ở lớp tập trung học, về nhà các con cũng tự giác học bài không để ba mẹ nhắc nhở nhiều. Tôi để các con phát triển tự nhiên, cho con có khoảng thời gian sống với sở thích của chính mình như: con lớn thích học đàn Organ, vẽ, sơn tường, tô màu; con út rất hứng thú với môn học tiếng Anh và luôn thích khám phá những điều mới mẻ về các loài động vật hoang dã” - chị Nguyệt hào hứng kể.
Anh Kiên là người điềm đạm, ngăn nắp, thích chơi với con, thích chăm chút cho tổ ấm của anh chị. Mỗi khi có thời gian rảnh, anh lại đi kiểm tra xem cánh quạt có bụi không để tháo ra lau chùi, ống nước hay bóng điện có bị hư không để thay. Chị Nguyệt hầu như không phải phiền lòng hay lo lắng trong nhà đồ đạc bị hư hỏng vì dường như chưa kịp than phiền đã có chồng xử lý xong rồi. “Có lần tôi kêu gọi mọi người ủng hộ cho một em gái bị ung thư và những hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở xã Quảng Khê - huyện Đắk Glong, được mọi người ủng hộ một ít tiền, một ít sữa nhưng rất nhiều bộ đồ quần áo cũ. Nhà tôi không có xe ô tô, xe buýt không còn hoạt động mà quá nhiều đồ tôi không thể chở hết bằng xe máy với quãng đường dài. Mặc dù trời cơn mưa cơn tạnh nhưng chồng tôi đã đồng hành cùng tôi đem được hết những món quà là tấm lòng của mọi người đến nơi những người cần được nhận” - chị Nguyệt chia sẻ.
Ngoài thời gian làm việc, chị Nguyệt rất năng nổ tham gia các hoạt động xã hội nhất là các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Chị nhận rất nhiều sự giúp đỡ của Chi đoàn BHXH tỉnh cũng như Lãnh đạo cơ quan và Đoàn khối tỉnh trong các phong trào Đoàn. “Dịp gần nhất chúng tôi tham gia tình nguyện vào những ngày cuối tháng 7/2021, khi toàn thành phố Gia Nghĩa phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19, Thành đoàn thành phố Gia Nghĩa kêu gọi mọi cá nhân, tổ chức ủng hộ công tác phòng chống dịch. Dù diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các bạn đoàn viên đã cùng tôi chuẩn bị được gần 200 bịch muối đậu phộng và giăm bông gửi đến Thành đoàn thành phố Gia Nghĩa tặng các khu cách ly tập trung. Trước tình hình dịch bệnh như thế, tôi thực hiện phương châm “đã không làm chiến sĩ ra tuyến đầu thì hãy làm hậu phương có trách nhiệm”. Để hỗ trợ, chia sẻ một phần khó khăn cho những tuyến đầu chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ tùy tâm của các bạn đoàn viên trong Chi đoàn được 16 triệu đồng. Sau khi liên hệ với các khu cách ly tập trung, các trạm y tế xã phường, các chốt kiểm dịch chúng tôi đã mua các món đồ thiết yếu để gửi tặng như: đồ bảo hộ, chổi lau nhà, chổi quét nhà, bình xịt khử khuẩn, bánh, xúc xích, sữa tươi, nước yến, nước lọc,… Tuy các món quà không được nhiều và to lớn nhưng chúng tôi đã kịp thời đến thăm, gửi lời động viên, chút quà đến các tuyến đầu. Mong dịch qua mau và mọi người đều khỏe mạnh” - chị Nguyệt nói.
Trước khi cưới, chị Nguyệt đã nghe chồng kể về các nhiệm vụ của một công an viên. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên mà anh phải làm ở cơ quan thì khi về nhà như đang ăn cơm, đang ngủ mà nghe thấy có điện thoại gọi gấp là anh phải đi ngay, có khi đi mấy ngày liền không về. Biết được đặc thù nhiệm vụ của chồng, chị xác định đã làm vợ công an thì phải chấp nhận thiệt thòi hơn những người vợ bình thường khác. Chị không thể đòi hỏi tối nào chồng cũng ở nhà, con ốm hay bản thân ốm là có chồng bên cạnh, những ngày lễ được chồng đưa đi chơi. Đó thực sự là một điều xa xỉ với người vợ công an như chị. Tuy nhiên, anh Kiên lại luôn cố gắng bù đắp cho vợ con được vui vẻ, hạnh phúc nhất. Gia đình anh chị tuy không thể đi chơi ngày lễ nhưng luôn có thời gian nghỉ phép bên nhau. Ngoài giờ làm việc, anh dành tối đa thời gian được ở bên vợ con, để nghe vợ kể những câu chuyện “trên trời dưới đất”, để chơi cùng các cậu con trai mà chúng luôn bày trò phá phách rồi bắt ba sửa “cái này, cái nọ”.
“Tôi và anh không chỉ chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, khó khăn trong cuộc sống, mà có lúc còn kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt đôi khi chẳng đâu vào đâu nhưng chúng tôi thích những điều giản dị như vậy. Bất kể là tình huống nào, chúng tôi cũng đứng về một phía, cùng nhìn về một hướng, cùng đi chung một con đường. Vì vậy, với tôi “hạnh phúc” là vợ, chồng, con cái phải tôn trọng nhau, phải yêu thương nhau, là nơi được gọi là “nhà” và đó là nơi duy nhất để về. 10 năm qua chúng tôi đã xây dựng gia đình mình bằng những viên gạch nhỏ như thế và những năm tiếp theo chúng tôi sẽ xây tiếp bằng những viên gạch bình dị như vậy. Để khi về già được nghe câu nói “em thật hạnh phúc khi được làm vợ anh, anh thật hạnh phúc khi được làm chồng em, chúng ta thật hạnh phúc khi có các con, chúng con thật hạnh phúc vì được làm con của ba mẹ”. Đây chính là hạnh phúc của tôi” - chị Nguyệt xúc động tâm sự.
Chương trình tuyên dương “Gia đình trẻ tiêu biểu” 2021 nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc” giai đoạn 2021 – 2025 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận tổ chức. Sự kiện nhằm triển khai phong trào “Tôi yêu tổ quốc tôi” của Hội LHTN Việt Nam, hướng đến tăng cường việc tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, chuỗi hoạt động của chương trình nhằm mục đích bổ sung những kiến thức kỹ năng trước khi xây dựng gia đình; kỹ năng gìn giữ hạnh phúc gia đình hạnh phúc, ấm no cho hội viên, thanh niên; biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình, tiêu biểu để lan tỏa các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, qua đó kêu gọi toàn dân hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm. |