Ngày 20/7, trong khuôn khổ Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, đại biểu trí thức trẻ đã tham gia thảo luận tại tọa đàm "Ứng dụng AI và các công nghệ mới để nâng cao hiệu suất lao động".
Mô hình "3 nhà" trong phát triển AI
Tận dụng trí tuệ tập thể, hợp lực xây dựng một cộng đồng nghiên cứu mạnh trên nền tảng mở về dữ liệu, về công cụ là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển công nghệ AI tại Việt Nam. Mô hình “3 nhà” (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) tuy được nhắc đến nhiều, nhưng thực tiễn lại thiếu sự cụ thể hóa vai trò và cam kết đầu tư từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu.
Tại tọa đàm, PGS Hồ Phạm Minh Nhật - University of Texas, Hoa Kỳ, đã chỉ ra một số thách thức chính trong phát triển công nghệ AI tại Việt Nam, như sự khan hiếm dữ liệu được gắn nhãn và không được gắn nhãn, sự mất cân bằng đáng kể giữa nhu cầu về các chuyên gia AI đạt chuẩn quốc tế và nguồn cung hiện có ở Việt Nam…
Còn TS. Lê Duy Dũng - Đại học Vinuni đã chia sẻ trường hợp điển hình của ứng dụng AI để tăng tốc khám phá và thiết kế vật liệu mới.
Theo TS. Dũng, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo không còn là câu chuyện riêng lẻ của từng tổ chức hay cá nhân, mà là bài toán cần được giải bằng sức mạnh của cộng đồng nghiên cứu có tính hợp lực cao, cùng chia sẻ dữ liệu, công cụ và tri thức.
Việc tận dụng trí tuệ tập thể (collective intelligence) trở thành chiến lược then chốt để vượt qua những thách thức cố hữu như thiếu hụt dữ liệu gắn nhãn, nguồn lực phân tán, và khoảng cách trình độ giữa các nhóm nghiên cứu trong nước với chuẩn mực quốc tế…
“Một cộng đồng nghiên cứu mạnh không thể hình thành nếu mỗi đơn vị chỉ “ôm giữ” dữ liệu và công cụ riêng lẻ. Thay vào đó, cần phát triển một nền tảng chung để các nhóm nghiên cứu, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ và cơ quan nhà nước có thể đồng thuận chia sẻ dữ liệu mở, công cụ mở, tri thức mở”, TS. Dũng phân tích.



Bắt vào từ khoá tận dụng trí tuệ tập thể, PGS. TS Nguyễn Thanh Bình - Đại học Quốc gia TPHCM đã gợi mở về mô hình ‘3 nhà’ trong phát triển AI để các nhà khoa học trẻ thảo luận.
Theo PGS. Bình, một nhóm nghiên cứu ở trường đại học có thể dùng dữ liệu của doanh nghiệp để giải bài toán thực tiễn; một startup công nghệ có thể sử dụng mô hình huấn luyện sẵn từ viện nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới; một giảng viên trẻ có thể tiếp cận công cụ hiện đại mà trước đây vốn giới hạn ở các nước phát triển.
Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả, cần có sự bảo trợ và điều phối từ Nhà nước, thông qua các chính sách khuyến khích chia sẻ, chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo an toàn và quyền lợi sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, cần hình thành các liên minh nghiên cứu mở giữa nhà trường - doanh nghiệp - tổ chức nghiên cứu, nhằm đảm bảo vừa có chiều sâu hàn lâm, vừa có định hướng ứng dụng thực tiễn.




Thiết lập hệ sinh thái bán dẫn
Về định hướng phát triển bán dẫn, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức - Kỹ sư thiết kế vi mạch cao cấp, LUCID Microsystems, Hàn Quốc cho rằng, hệ sinh thái bán dẫn cần được xem là "hạ tầng của hạ tầng".
Bởi, đây là nền móng cho mọi đột phá công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, 5G hay các hệ thống điều khiển thông minh. Cơ sở hạ tầng bán dẫn là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số trong thời đại trí tuệ nhân tạo.
Theo chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, bán dẫn không chỉ còn là lĩnh vực công nghiệp thông thường mà đã trở thành yếu tố cốt lõi liên quan đến an ninh quốc gia và chủ quyền công nghệ. Quốc gia nào nắm được chuỗi cung ứng bán dẫn sẽ giữ được lợi thế lớn về kinh tế, chính trị và công nghệ trong tương lai.


Từ góc nhìn chiến lược, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Đức đề xuất Việt Nam cần đầu tư dài hạn và bài bản để thiết lập đầy đủ hệ sinh thái bán dẫn. Lộ trình cần đi theo hướng từng bước xây dựng các khâu then chốt, bao gồm thiết kế vi mạch, sản xuất, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa. Việc xây dựng hệ sinh thái này đòi hỏi sự vào cuộc của nhà nước, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và sự kết nối với mạng lưới quốc tế.
Đặc biệt, cần tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các startup fabless - mô hình khởi nghiệp chuyên về thiết kế chip tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với định hướng liên kết với các thị trường lớn như Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ cần thu hút các chuyên gia kỹ thuật cao mà còn cần mời gọi các chuyên gia bán hàng, truyền thông và chiến lược thị trường, nhằm giúp hệ sinh thái bán dẫn trong nước phát triển toàn diện và đủ sức cạnh tranh trên bình diện khu vực và quốc tế.
Theo TP