Giúp thanh niên phát triển kinh tế

(CTG)Trong 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), có gần 2 triệu hộ vay nằm trong độ tuổi thanh niên. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao thu nhập.

Giúp thanh niên phát triển kinh tế    - Ảnh 1.

Mô hình thanh niên nông thôn khởi nghiệp tại Hà Tĩnh - HOÀI NAM

 

Ủy thác trên 20 chương trình cho vay

Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu (cho vay hộ nghèo và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn), đến nay hệ thống Đoàn Thanh niên nhận ủy thác trên 20 chương trình cho vay từ NHCSXH.

Trong 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn từ NHCSXH, có gần 2 triệu hộ vay nằm trong độ tuổi thanh niên. Thanh niên không chỉ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn có thể vay vốn để mua trang thiết bị, đóng học phí, khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19…

Anh Ngô Văn Cương, Bí thư T.Ư Đoàn, cho biết nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện thắng lợi các phong trào lập thân, lập nghiệp do Đoàn Thanh niên khởi xướng và dẫn dắt như: phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; "Thi đua lao động sáng tạo để lập thân, lập nghiệp" (năm 2002); 2 phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" (năm 2007); 2 phong trào "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" (năm 2012)…

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (năm 2017), Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (năm 2022) triển khai 3 chương trình đồng hành với thanh niên: "Đồng hành với thanh niên trong học tập"; "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp"; "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần".

Việc đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp đã tạo nhiều cơ hội cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận chế độ chính sách, học hỏi được từ những mô hình hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tế. Các mô hình CLB thanh niên khởi nghiệp, CLB thanh niên làm kinh tế; mô hình HTX, tổ hợp tác "Thanh niên làm kinh tế", "Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế" đều có sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.  

"Với quy mô tăng trưởng tín dụng ngày càng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, các đoàn viên được hưởng lợi cũng tăng thêm. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên đã mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động trẻ ở địa phương. Việc thực hiện các chương trình cho vay trên cũng giúp tổ chức Đoàn thể hiện vai trò là người đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho thế hệ trẻ", anh Cương chia sẻ.

Phát huy vai trò xung kích

Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị định số 78-NĐ/CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 9 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội cho thấy, các cấp bộ Đoàn đã có nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Các cấp bộ Đoàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên thoát nghèo, từng bước lập thân, lập nghiệp bằng nguồn vốn chính sách, qua đó phát huy có hiệu quả nguồn vốn, góp phần tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho đoàn viên, thanh niên.

T.Ư Đoàn cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn và hệ thống Đoàn cơ sở xây dựng kế hoạch, kiểm tra, giám sát hàng năm; tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện triển khai vay vốn, đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng.

Giúp thanh niên phát triển kinh tế    - Ảnh 2.

Anh Ngô Văn Cương (đứng thứ 2 từ phải qua trái) thăm mô hình "Vườn ươm thanh niên" tại Nghệ An - THU HIỀN

Nguồn vốn do Đoàn Thanh niên tham gia quản lý tăng nhanh qua các năm, chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố, nâng cao. Năm 2003, dư nợ của Đoàn Thanh niên quản lý chỉ đạt 63 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 0,76% tổng dư nợ của NHCSXH), tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 5,45%.

Đến ngày 30.6, dư nợ của hệ thống Đoàn Thanh niên đạt trên 44.440 tỉ đồng (chiếm tỷ trọng 14,68% tổng dư nợ của NHCSXH) thông qua 24.954 tổ tiết kiệm và vay vốn cho 972.072 hộ vay; tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm còn mức 0,2%.