Quang cảnh hội nghị giao ban. |
Cùng dự có anh Nguyễn Kim Quy, Uỷ viên BTV, Trưởng ban Công tác Thanh thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; đại diện lãnh đạo ban Thanh thiếu nhi, Công tác Đoàn; đại diện thường trực các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc.
Báo cáo tại hội nghị, anh Nguyễn Kim Quy cho biết, ngay sau khi các đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại theo quy định của Quốc hội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch số 392-KH/TWĐTN-CTTTN ngày 01/7/2025 về triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở. Kế hoạch xác định rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung hoạt động, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp bộ Đoàn. Vào ngày 07/7/2025, đồng loạt ra quân cao điểm của tuổi trẻ cả nước, khẳng định quyết tâm đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong giai đoạn chuyển giao bộ máy hành chính.
Anh Nguyễn Kim Quy thông tin về kết quả triển khai từ ngày 1/7 - 10/7. |
Trong đó, trên toàn quốc đã triển khai 5.056 đội hình với 240.479 tình nguyện viên hỗ trợ 3.321 đơn vị hành chính cấp xã và 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các hoạt động của các đội hình được chia thành ba nhóm chính gồm: hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ hành chính như chỉnh lý hồ sơ dân cư điện tử; nhập liệu hệ thống; sắp xếp hồ sơ; hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý hành chính công; giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến như nộp hồ sơ điện tử; tra cứu kết quả; đăng ký tài khoản định danh điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt...; tuyên truyền phổ cập kỹ năng số qua lớp học trực tiếp cùng nhiều hình thức truyền thông sáng tạo như “Bình dân học vụ số”, “Tổ công nghệ số cộng đồng”…
Hội nghị diễn ra trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu Trung ương Đoàn, các tỉnh, thành đoàn. |
Sau một tuần triển khai, các tỉnh, thành đoàn đã đạt được nhiều kết quả như: Tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ hơn 24.750 lượt người dân tại bộ phận một cửa; Hà Nội có 126 đội hình với gần 3.760 tình nguyện viên phân luồng hướng dẫn kê khai hồ sơ cho người dân tại trung tâm hành chính công; đoàn viên các phường tổ chức các tổ “hướng dẫn lưu động” đến từng khu dân cư, nhà chung cư, hỗ trợ định danh điện tử cho người dân; TP Hồ Chí Minh duy trì hoạt động luân phiên của các đội hình từ thứ Hai đến thứ Sáu kèm theo lớp kỹ năng số dành cho người cao tuổi.
Cũng tại Quảng Ngãi và Gia Lai, mô hình “bình dân học vụ số” được tổ chức ngay tại nhà văn hóa thôn, trường học, giúp người cao tuổi, người dân vùng sâu học kỹ năng cơ bản như dùng điện thoại thông minh, tra cứu giấy tờ, gửi hồ sơ online; Tại đặc khu Thổ Châu, các đội hình thanh niên đã vượt hàng trăm cây số để hỗ trợ dân đảo kích hoạt tài khoản định danh điện tử, khai báo y tế, làm quen với các nền tảng công nghệ.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên đã huy động tới 575 đội hình xuống tận các thôn hỗ trợ tra cứu hồ sơ căn cước công dân qua ứng dụng VNeID cũng như đồng bộ dữ liệu phục vụ vận hành mới của chính quyền. Tỉnh Quảng Ninh tổ chức các lớp tập huấn cấp tốc, phân nhóm chuyên trách tại từng phường, xã để trực tiếp giải đáp, hỗ trợ nộp hồ sơ online. Hải Phòng thành lập các “góc công nghệ số” tại nhà văn hóa khu phố, hoạt động cả ngày lẫn tối. Đà Nẵng triển khai mô hình “1 phường - 1 nhóm AI/VNeID” hoạt động chuyên sâu. Cần Thơ phát động tuần lễ “Thanh niên số hóa cùng Nhân dân” trên toàn địa bàn. Tây Ninh thành lập hơn 90 đội hình “kép” giữa thanh niên và cán bộ ngành thông tin - truyền thông cấp xã, trực tiếp triển khai hướng dẫn người dân tiếp cận nền tảng số.
![]() |
Đặc biệt mô hình “Bình dân học vụ số” và “Tổ công nghệ số cộng đồng” đã lan tỏa sâu rộng tới tận thôn bản trên nhiều tỉnh thành. Lực lượng thanh niên Công an Nhân dân cũng thành lập hơn 1.000 đội chuyên trách tổ chức hơn 1.600 buổi phổ cập kỹ năng số thu hút trên 170.500 lượt đoàn viên tham gia.
Bên cạnh đó, chiều 10/7/2025, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với quy mô lớn, kết nối đến hơn 3.600 điểm cầu trên toàn quốc.
Các đại biểu chia sẻ tại buổi giao ban. |
Cụ thể, bao gồm 01 điểm cầu Trung ương, 34 điểm cầu cấp tỉnh, 286 điểm cầu tại các trường đại học, cao đẳng và 3.321 điểm cầu tại các xã, phường, đặc khu. Gần 20.000 người tham gia - bao gồm cán bộ Đoàn - Hội các cấp, đội trưởng đội hình và thanh niên tình nguyện - đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, quyết liệt của tuổi trẻ cả nước trong công cuộc chuyển đổi số từ cơ sở
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc đã thông tin những khó khăn, vướng mắc về tình hình triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ triển khai tốt nhất trong thời gian tới.
Ghi nhận và đánh giá cao các tỉnh, thành đoàn triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thời gian vừa qua, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh, đây là chủ trương hết sức quan trọng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo các cấp uỷ các tỉnh phối hợp tổ chức triển khai hỗ trợ chính quyền địa phương 2 cấp. Đặc biệt là tập trung hỗ trợ vào 286 xã biên giới và đặc khu. “Đây là chủ trương có sự chỉ đạo thống nhất cả cấp uỷ và của Đoàn chúng ta. Vì vậy các tỉnh, thành đoàn có gì khó khăn phải báo cáo ngay cấp uỷ để có phương án tháo gỡ, hỗ trợ, triển khai tốt công việc; đây cũng là việc cần quan tâm, ưu tiên trong chiến dịch hè năm nay”, anh Huy nói.
Để triển khai tốt vấn đề này trong thời gian tới, anh Bùi Quang Huy yêu cầu các tỉnh, thành đoàn cần phân công cụ thể 1 đồng chí Thường trực phụ trách nội dung hoạt động này để nắm bắt kịp thông tin triển khai kịp thời, chính xác. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành đoàn cần làm việc trực tiếp với các xã để nắm bắt thông tin, nhu cầu của các xã, từ đó điều phối nguồn lực, con người và có những phân công cụ thể hỗ trợ người dân.
Anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn phát biểu tại buổi giao ban. |
Bên cạnh đó, cũng cần phân công cán bộ bám cơ sở, sát cơ sở và đến thăm hỏi, động viên thường xuyên cơ sở. Đặc biệt là hàng tuần phải có giao ban với các xã Đoàn để nắm bắt được khó khăn, vướng mắc trong triển khai công việc… phát huy tối đa lực lượng thanh niên tại chỗ. “Đối với đội hình thanh niên tình nguyện các trường cần phân công cụ thể, chi tiết trường nào phụ trách xã nào sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế tại chính địa phương. Đặc biệt là cần tăng cường hỗ trợ các xã vùng sâu, vùng sa, các xã biên giới…”, anh Huy nói.
“Chủ động tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên về nghiệp vụ, cách thức triển khai công việc… Nội dung tập huấn cần sát nhu cầu thực tế tại chính địa phương, nhu cầu của người dân và tại địa điểm hành chính công; tăng cường đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ tại nhà cho người dân và quan tâm công tác tuyên truyền về hoạt động hỗ trợ của thanh niên…”, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7, ngoài hoạt động triển khai đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bí thư thứ nhất Bùi Quang Huy cũng đề nghị các tỉnh, thành đoàn cần quan tâm tới các hoạt động chỉnh trang vệ sinh nghĩa trang, tổ chức các hoạt động tri ân người có công, thăm hỏi người dân, gia đình có công…
CTG