Nghề "độ"giày tiền triệu
Mới 23 tuổi, nhưng Nguyễn Trung Lập và một người bạn đã là chủ một cửa hàng sửa chữa giày, dép. Tiệm của Lập nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chuyên "làm đẹp" cho giày và dép dành cho giới trẻ. Tiệm có diện tích không lớn, nhưng chứa đến hàng trăm đôi giày, dép cũ và mới của khách gửi đến để "độ" lại. Những đôi giày, dép này có giá trị từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng.
Lập cho biết để "độ" được một đôi giày đắt tiền, người thợ ít nhất phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Lập từng có thâm niên với nghề hơn 7 năm. Tuy nhiên, Lập phải mất từ 2 - 3 năm để học, thực hành mới thành thạo nghề. Bởi giày, dép đắt tiền không phải dễ làm, hễ sai "một li là đi một dặm", có khi người thợ phải đền lại đôi mới trị giá vài chục triệu cho khách khi không may làm hư.
"Tôi học và bắt đầu sửa từ những đôi giày bình thường rồi mới đến cái cơ bản của giày hiệu. Khi đã thuần thục, tôi mới được giao "làm chủ" cả đôi giày khi khách mang đến sửa", Lập nói và cho biết đa phần khách đến tiệm vì muốn làm mới lại, tạo sự khác biệt, độc, lạ trong thú chơi giày hiện nay, đơn cử như: vẽ lại họa tiết bị phai màu, đổi màu, làm quai, thay đế, cơi nới, thu hẹp hay chỉ là ghép da xịn lên trên. Hễ khách cần làm gì thì Lập phục vụ cái đó.
Lập cầm trên tay đôi giày cũ từng có giá hơn 50 triệu đồng của một vị khách gửi đến để "độ" và cho hay: "Đôi này tôi làm lại bằng da cá sấu bạch tạng. Loại da được xem là khá đắt tiền hiện nay. Tôi mất gần 3 tuần mới làm xong nó. Bởi tôi phải tự lên ý tưởng, thiết kế, tạo mẫu đúng kích cỡ rồi ép keo và cuối cùng là chỉnh sửa lại các đường nét sao cho độc, lạ, khác nguyên bản càng tốt".
Với những đôi giày đắt tiền, Lập lấy tiền công khoảng 7 triệu đồng. Nếu sử dụng chất liệu xịn, sửa chữa cầu kỳ thì tiền công lên đến hơn 20 triệu đồng. "Tuy nhiên, sửa chữa giày giá cao thì đi cùng là rủi ro cao. Ví dụ như khi lỡ tay rạch hư một mảnh da xịn thì đồng nghĩa tôi phải bỏ nó và làm lại cái mới. Mà da xịn thì không hề rẻ tí nào. Hoặc lỡ làm hư da giày của khách cũng coi như phải làm mấy ngày mới đủ đền tiền cho khách. Cho nên, khi làm tôi không được sai", Lập nói.
Thời điểm này, Lập phải "cày" cả ngày lẫn đêm vì số lượng khách gửi giày, dép đến tiệm ngày càng nhiều để đi chơi tết. Cho nên thu nhập của Lập và bạn cũng ngày một tăng. Trung bình, mỗi tháng thu nhập ở tiệm của Lập cũng vào khoảng 200 triệu đồng.
Thiết kế túi da... độc, lạ
Không sửa chữa những món đồ hiệu như Lập, Trương Hàm Yên (29 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) lại có lối đi riêng là làm thiết kế và sản xuất những chiếc túi, ví, dây da… độc, lạ với chất lượng, kiểu dáng thuộc hàng cao cấp.
Yên có 11 năm trong nghề làm các sản phẩm về da. Cô bắt đầu sự nghiệp tại một công ty làm giày da, sau đó nghỉ việc, ra ngoài tự tìm tòi, học nghề trên mạng và phát triển xưởng đến tận hôm nay. Sở dĩ Yên theo nghề lâu như vậy là vì có đam mê với thiết kế, sáng tạo các sản phẩm về da. Đồng thời xu hướng hiện nay của người chán "chơi" đồ hiệu, muốn tìm những sản phẩm thiết kế thủ công, mang dấu ấn cá nhân ngày càng nhiều giúp nghề này tồn tại và phát triển.
Trong xưởng nhỏ nằm tại P.Tân Quy, Q.7 (TP.HCM), Yên và 3 thợ khác hầu như làm việc liên tục. Mỗi người thợ sẽ đảm trách một sản phẩm, bắt đầu từ khâu thiết kế đến khi thành hình. Hàm Yên cho biết để làm ra một chiếc túi cao cấp đầu tiên phải có chất liệu tốt. Đó là các loại da nhập khẩu, hiếm có, giá trị từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Sau đó phải trải qua nhiều công đoạn như: thiết kế mẫu, chọn da, đo, cắt, may, gia cố bên trong… thời gian để hoàn thiện một chiếc túi có khi đến 20 ngày.
Theo Yên, độ khó khi làm với da phải tính đơn vị từng milimet. Ví dụ như để ghép 2 miếng da ở điểm nối thì cần phải bào mỏng, đúng kích thước với số đo là milimet, kỹ thuật này luôn làm bằng tay, không được dùng máy. Khi thực hiện, thợ không để xảy ra bất cứ một lỗi nhỏ nào từ đường chỉ, sơn viền… Nếu sai một li sẽ phải bỏ miếng da đắt tiền và làm lại cái mới.
Giá trị của một chiếc túi, ví tùy thuộc vào sở thích và yêu cầu của khách. Nếu khách càng thích độc, lạ, với chất liệu xịn thì giá trị món đồ sẽ tăng gấp nhiều lần. Những chiếc túi, ví mà Yên từng làm cho khách có giá trị thấp nhất cũng vài triệu đồng, thậm chí lên đến vài chục triệu đồng. Để minh chứng cho điều này, Yên giới thiệu về những miếng da cá sấu vừa được nhập về xưởng: "Nó dài chưa đến nửa mét mà đã có giá gần 10 triệu đồng rồi". Thu nhập từ nghề này của Yên lên đến trăm triệu đồng/tháng.
Bạn trẻ có thu nhập cao từ nghề này
Phạm Hữu
Theo Thanh Niên |