"MANAGING UP" - KỸ NĂNG QUẢN TRỊ SẾP LÀ GÌ?

Kỹ năng Quản trị Sếp là kỹ năng tuyệt tác của người đi làm chuyên nghiệp. Ai đi làm mà toàn để sếp suốt ngày nhắc nhở, phàn nàn, quản lý mình là chưa biết cách đi làm.

Kỹ năng Quản trị Sếp bao gồm 4 khả năng chính:

1. "Communicating your priority and seeking feedback"

Thứ mình nghĩ và làm, cách mình đặt chế độ ưu tiên trong công việc chưa chắc đã hài hoà với cách nghĩ của sếp. Bạn thấy một góc vườn. Sếp nhìn cả khu vườn. Do đó, đừng ngồi im tự nghĩ, tự làm mà chẳng nói gì với ai. Cho sếp biết cách mình sắp xếp công việc và lắng nghe phản hồi để công việc triển khai êm ả là điều cực kỳ quan trọng.

2. "Anticipating needs" - Đoán trước nhu cầu của sếp

Sếp sẽ rất trân trọng nếu bạn biết họ đang bận hay cần được giúp đỡ và chủ động đề nghị giúp đỡ. Người có kỹ năng này sẽ biết quan sát, hiểu, và sẵn sàng gánh vác mà không cần chờ ai lên tiếng. Họ cũng không bao giờ ngồi không chờ mà luôn chủ động yêu cầu sếp giao việc cho mình khi thời gian còn trống. Họ luôn tự tìm kiếm cơ hội để tạo giá trị cho tổ chức.

3. "Accommodating working style" - Giao tiếp theo cách của sếp

Nếu biết quan sát, bạn sẽ hiểu sếp mình thích cách giao tiếp, làm việc thế nào. Có người hiệu quả nhất là gặp trực tiếp. Có người qua tin nhắn. Có người qua email, nền tảng. Biết sếp mình thích và sử dụng cách giao tiếp nào nhất thì chọn cách đó để giao tiếp. Ví dụ, vì di chuyển nhiều, sếp làm việc qua điện thoại, và vì vậy không thích phải bấm link download file phức tạp, chỉ cần nhận file độ phân giải nhỏ qua messenger, đủ xem để duyệt được chẳng hạn.

4. "Being the go-to person" - trở thành người được tín nhiệm

Khi bạn luôn là người chủ động, xung phong, chìa tay ra giúp đỡ mà không cần sếp hỏi, sau một thời gian bạn trở thành người được tín nhiệm, người trợ thủ đắc lực mà sếp sẽ nhờ vả đến mỗi khi cần. Người đi làm, được tín nhiệm vì khả năng "managing up" của mình, là người đi làm thành công.

Rất nhiều bạn trẻ đi làm hiện nay có 0% kỹ năng quản trị sếp, có thể vì không biết, có thể vì không không quan tâm, cũng có thể vì không muốn. Có điều, không đi làm thì thôi. Đã đi làm, nên bỏ chút tâm vào đó. Làm gì cũng vậy, chỉ cần bỏ tâm vào, sẽ nghĩ ra một vạn cách để trở nên xuất sắc.

Nguồn: Nguyễn Phi Vân 

T.LN