![]() |
Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam chúng ta mất trắng 51.000 ha rừng, trong đó 20.000 ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên đầu nguồn. Mặc dù số rừng trồng hàng năm có tăng lên, nhưng độ che phủ và chất lượng rừng không thể được như rừng tự nhiên. Rừng chính là “máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, giúp giảm nhẹ thiên tai, phòng chống bão lũ, hạn hán.
Các trận bão lũ trong vài năm trở lại đây có 1 nguyên nhân không thể phủ nhận là do nạn phá rừng đầu nguồn. Mỗi năm hàng chục nghìn người dân trở thành đối tượng nghèo và tái nghèo do thiên tai, bão lũ. Kế đến là hạn hán ở miền Bắc. Sông Hồng năm sau cạn nước hơn năm trước. Các hồ không còn nước để chứa nước là hậu quả của nạn phá rừng, ngăn sông. Hiện tượng El Nino, trái đất nóng lên, hệ quả của việc thiên nhiên bị tàn phá, đang làm đau đầu các chuyên gia và các quốc gia.
Theo Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), nếu nhiệt độ trái đất tăng hơn 2°C, mực nước biển dâng 1m thì có thể làm tan biến những núi băng ở Himalaya vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn hai tỷ người, các rạn san hô ở Indonesia sẽ bị tan vỡ, các quốc đảo nhỏ như Fiji, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP, một số quốc gia có thể mất đi hoàn toàn.
Riêng Việt Nam, 22 triệu người phải di dời, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị phá hủy. Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, do là quốc gia có bờ biển dài trong khu vực.
Có người đã từng ví von: Nếu anh bắn vào môi trường bằng súng lục, thì môi trường thiên nhiên sẽ tàn phá anh bằng đại bác. Xin đừng để con cháu chúng ta mai sau sẽ phải hứng chịu “loạt đại bác” đó!/.
Theo VOV