Nhiều bạn trẻ hoang mang vì bị... sa thải ngầm

CTG - Nhiều người trẻ cho rằng hiện nay có những công ty chọn cách gây áp lực tâm lý cho nhân viên để họ phải tự tay viết đơn xin nghỉ thay vì sa thải đúng quy trình.

Chán nản, mất niềm tin vào bản thân

Cuối tháng 12.2022, Trần Thu Thảo (28 tuổi), ngụ tại P.22, Q.Bình Thạnh, bị giám đốc nhiều lần nói rằng không tìm được điểm chung giữa Thảo và công ty. Thảo chưa hiểu rằng đang bị "sa thải ngầm" nên vẫn cố gắng làm việc. Một hôm, giám đốc yêu cầu Thảo viết đơn xin nghỉ gấp trong vòng 10 ngày khiến Thảo hoang mang nhưng đành chấp nhận.

Sau khi viết đơn nghỉ việc và được duyệt, công ty hoàn toàn không có trợ cấp hay những khoản phí hỗ trợ Thảo. Thậm chí, chế độ lương thưởng khi chưa được trả cũng bị cắt ngang, coi như mất.

“Mình biết công ty đang gặp khó khăn. Nhưng kiểu sa thải nhân viên như này đối với mình là không nhân văn. Nếu muốn nhân viên tự xin nghỉ việc, công ty cần phải có thời gian để nhân viên có thể tìm kiếm chỗ làm mới. Tuy vậy, mình vẫn nhẹ nhàng chấp nhận, vì cũng không muốn ồn ào sau khi rời đi”, Thảo tâm sự.

Muôn kiểu ‘sa thải ngầm’ của doanh nghiệp - Ảnh 1.
 

Với những người trẻ đi làm, các bạn sợ nhất là bị... sa thải ngầm

Trí Nghĩa

Mệt mỏi hơn, Ngô Thị Lan (29 tuổi), ngụ tại P.8, Q.Gò Vấp, TP.HCM, làm việc tại một công ty agency tại Q.1, TP.HCM. Hằng ngày, Lan lên công ty phải tự tìm việc cho mình vì không được trưởng nhóm giao việc. Đáng nói hơn, khi đã được trở thành nhân viên chính thức sau 3 tháng thử việc, công ty đột ngột cho Lan thêm vài tháng thử việc nữa và cắt giảm lương.

“Điều này làm mình rất nản lòng, nhiều lần muốn từ bỏ. Nhưng mình phải tiếp tục bám theo công việc để có thêm kinh nghiệm. Chỉ cần viết đơn xin nghỉ, mọi công sức nhiều tháng trời như đổ sông đổ bể, công ty cũng không phải chịu trách nhiệm gì ngoài việc ký cho nhân viên nghỉ”, Lan nói về nỗi lo lắng.

Chuyên gia nghiên cứu thị trường Trần Hùng Thiện, nhà sáng lập GCOMM Research, cho biết bên cạnh việc sa thải nhân viên một cách chính thức thì cũng có công ty tìm nhiều cách khác nhau để nhân viên cảm thấy mình nên tự nghỉ việc. Đây có thể gọi là hành động "sa thải ngầm".

Theo ông Thiện, công ty "sa thải ngầm" thường do luật không cho phép sa thải những nhân viên "tệ" quá trong mắt công ty. Họ "sa thải ngầm" vì sợ ảnh hưởng đến uy tín công ty, sau này khó tuyển nhân sự mới. Một số trường hợp, mặc dù nhân viên đó không được việc nhưng đạo đức rất tốt nên doanh nghiệp chọn hình thức này vì không muốn làm nhân viên mất mặt. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp không muốn phải đền hợp đồng nếu sa thải nhân viên nên họ tìm cách để nhân viên tự xin nghỉ.

Theo TNO