Nhanh chóng hòa nhập với công việc
Trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc là điều mà các doanh nghiệp cần nhất hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, các trường đại học nên mạnh dạn thay đổi nội dung đào tạo từ nặng về lý thuyết, chung chung thành những bài học cụ thể, sát thực tế theo case study, chú trọng tới thực hành sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp đáp ứng được môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Để sinh viên đáp ứng được nhu cầu thực tế đòi hỏi trường đại học cần tìm doanh. nghiệp phù hợp để liên kết chặt chẽ với nhau.
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tích cực đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội |
Với nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực các lĩnh vực, sư phạm, dịch vụ du lịch, môi trường, văn hóa, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chủ động mở rộng các lĩnh vực đào tạo ngoài sư phạm nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của thành phố Hà Nội.
Để phát triển là trường đại học theo định hướng ứng dụng, ngoài việc trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức chuyên môn rộng, khả năng thích ứng với sự thay đổi môi trường nghề nghiệp, Trường luôn quan tâm đến việc đào tạo sinh viên theo sát với yêu cầu của nghề nghiệp. Vì vậy đối với hầu hết các ngành, trường đã liên kết với doanh nghiệp, tổ chức đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng.
Theo đại diện trường Đại học Thủ đô Hà Nội, nhà trường xác định mục tiêu đào tạo nhằm giúp người học có khả năng tham gia vào hoạt động nghề nghiệp chuyên môn ngay sau khi tốt nghiệp ra trường, cụ thể như: Có kiến thức vững liên quan đến nghề nghiệp; Biết ứng dụng các kiến thức vào thực tế; Có khả năng đáp ứng ngay được yêu cầu công việc trong lĩnh vực/chuyên ngành mình đã lựa chọn…
Hoạt động thực tế của sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội |
Theo đó nhà trường đã liên kết với nhiều doanh nghiệp để đào tạo. Sinh viên sẽ được thực tập, làm việc tại tổ chức, doanh nghiệp ngay từ khi còn đang trong quá trình học tập. Đồng thời thông qua việc thực hành tại doanh nghiệp, các bạn trẻ có cơ hội áp dụng kiến thức học tập vào thực tế và phát triển kỹ năng thực tiễn cần thiết để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường công việc chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu thực tế
Theo đại diện trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường khó xin việc do không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đang là một bài toán khó đối với đào tạo đại học hiện nay. Nắm bắt được tầm quan trọng này, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng chương trình đào tạo hợp tác chặt chẽ với các tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt bám sát nhu cầu doanh nghiệp giúp sinh viên có thể tự tin và thành thạo trong việc ứng xử tại môi trường chuyên nghiệp, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ chuyên môn tốt, phục vụ sự phát triển kinh tế đất nước.
Với mục tiêu như thế, Nhà trường đã triển khai mô hình đào tạo nghề nghiệp ứng dụng: Đối với các ngành đào tạo sư phạm, trong cả khóa học, thay vì sinh viên chỉ thực tập trong những khoảng thời gian nhất định (thường là chỉ 4 tuần hoặc 6 tuần/đợt), thì hiện nay, các em sẽ vừa học tập tại trường đại học vừa thực tập tại các trường phổ thông/tiểu học/mầm non. Thời gian thực tập của sinh viên diễn ra trong cả học kì hoặc thậm chí cả năm học. Nhà trường gọi đó là “thực tập sư phạm thường xuyên”.
Sinh viên ngành Sư phạm của trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong một buổi thực tập |
Đối với các ngành ngoài sư phạm. Đặc biệt là những ngành đào tạo có tính nghiệp vụ nghề nghiệp cao như các ngành: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công nghệ thông tin …Nhà trường tổ chức đào tạo một số học phần tại các doanh nghiệp như: Nghiệp vụ bếp; Nghiệp vụ buồng/bàn/bar …và các học phần thuộc chương trình đào tạo ngành CNTT như: Quản trị hệ thống, phân tích dữ liệu…
Với những mô hình đào tạo như thế, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể hòa nhập được ngay với môi trường làm việc và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Ngoài ra để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhà trường đặt ra tiêu chí để đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo là phải có sự tham gia của các nhà tuyển dụng ngày từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo.
Tính đến nay, trường Đai học Thủ đô Hà Nội đã có bốn khóa đào tạo theo mô hình này tốt nghiệp ra trường và có hơn 90% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo.
Đào tạo sinh đáp ứng nhu cầu thực tế để đễ dàng thích ứng với công việc đang là mục tiêu mà nhiều trường đại học hướng tới |
Với những nhóm ngành kỹ thuật, xây dựng, việc cho sinh viên cọ sát thực tế lại càng quan trọng. Tại trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, thời gian qua, nhà trường đã ký kết hợp tác với khoảng 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước với các hoạt động chủ yếu như doanh nghiệp tài trợ máy móc, thiết bị, tài liệu phục vụ đào tạo thực hành; cung cấp địa bàn thực hành, thực tập cho sinh viên; cấp học bổng tài trợ doanh nghiệp và tuyển dụng sinh viên; tham gia vào quá trình đổi mới nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp và tham gia vào quá trình hướng dẫn thực hành, thực tập và khóa luận tốt nghiệp.
Đặc biệt trong những năm qua, trường Đại học Công nghệ GTVT đã tổ chức các lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp trong nước như: LICOGI 16, FECON, VITRAC... Đây là mô hình đào tạo “Một không - Hai có”, tức là sinh viên không phải đóng học phí, có học bổng và có việc làm ngay sau khi ra trường. Sinh viên sau khi tốt nghiệp, ngoài được học các kiến thức chuyên ngành được thiết kế theo yêu cẩu của doanh nghiệp, còn được học ngoại ngữ, đảm bảo chuẩn đầu ra tối thiểu, được đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập với nước bản địa.
Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải ký kết hợp tác đào tạo với một trường ĐH nước ngoài |
Trong quá trình này, Nhà trường đã chủ động tìm đến doanh nghiệp và thảo luận cùng doanh nghiệp về những lợi ích đạt được mỗi bên, thống nhất lộ trình, khung chương trình và chất lượng đào tạo. Trên cơ sở những kết quả ban đầu, hiện Nhà trường cũng đang hợp tác và đào tạo theo đặt hàng và cung ứng nhân lực khối ngành xây dựng, cơ khí, vận tải giao nhận hàng hóa cho rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức,… Trong đó, có một số ngành số lượng đào tạo không đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp như Logistics,...
Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô |