Bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng...
Tiến sĩ tâm lý Giang Thiên Vũ, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh tâm lý học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giải thích: "Rối loạn lo âu là một phản ứng cảm xúc lo âu, căng thẳng khi phải đối mặt với một sự kiện xã hội (hoặc liên quan đến mối quan hệ) vượt ngoài khả năng kiểm soát của một cá nhân. Khi đó, cá nhân bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi bị người khác nhìn hoặc bị phê bình, hoặc trong các tương tác, giao tiếp xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập hay những hoạt động sống thường ngày khác của họ".
Tiến sĩ Vũ cho biết từ tháng 12.2022 - 2.2023, nhóm nghiên cứu mạnh tâm lý học giáo dục đã thực hiện cuộc khảo sát sàng lọc sức khỏe tâm thần cho 8.643 học sinh THCS và THPT tại TP.HCM và phát hiện có 1.952 học sinh (chiếm 22,58%) đang trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng.
"Đây là yếu tố nguy cơ để tiên đoán rằng nếu ngành giáo dục và chăm sóc sức khỏe tâm thần ở TP.HCM không kịp thời có những can thiệp hoặc biện pháp hỗ trợ, nâng đỡ, tư vấn tâm lý kịp thời thì chắc chắn trạng thái lo âu này ở học sinh sẽ đủ điều kiện "chuyển biến" thành rối loạn lo âu. Vì các em đang trong giai đoạn chuyển biến phức tạp tâm sinh lý lứa tuổi; bên cạnh đó, là sự nảy sinh của nhiều bất đồng, mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp bạn bè, người xung quanh, thầy cô giáo, và nhất là người thân trong gia đình", tiến sĩ Vũ nhấn mạnh.
Cách nào để chữa trị ?
Tiến sĩ Vũ cho biết có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến rối loạn lo âu mà người trẻ hiện nay đã và đang gặp phải. Tùy từng trường hợp cụ thể mà khi nhà tâm lý làm việc sẽ lượng giá và xác định đúng nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu ở cá nhân đó là gì.
Rối loạn lo âu vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều ?Có những ý kiến thắc mắc, phải chăng việc người trẻ sử dụng mạng xã hội quá nhiều cũng là một trong những lý do khiến tình trạng rối loạn lo âu gia tăng? Tiến sĩ Vũ cho rằng nhận định này là không đúng và không đủ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu. Vì hành vi sử dụng mạng xã hội chỉ là một kích thích củng cố thêm cho niềm tin ám sợ xã hội của cá nhân, hoặc củng cố hành vi rời xa, tránh né xã hội của cá nhân đó chứ không phải là lý do khiến tình trạng này gia tăng. |
"Nhưng tựu trung, có thể điểm qua một số nguyên nhân phổ biến. Đó là từng trải nghiệm sự ngược đãi, bạo hành thời thơ ấu. Hay vì tâm lý ức chế, bị phủ nhận các nhu cầu yêu thương, kết nối. Hoặc đã từng trải qua sự đau khổ, rời bỏ, rút lui khỏi các tình huống xã hội khác nhau. Cũng có thể là vì sự khước từ nhu cầu được công nhận, tôn trọng hoặc thậm chí là không cảm thấy được lắng nghe trong các mối quan hệ, môi trường xã hội khác nhau…", tiến sĩ Vũ phân tích.
Trao đổi với PV Thanh Niên, khá nhiều phụ huynh rất lo lắng và mong biết cách để chữa bệnh lý về tâm thần này. Tiến sĩ Vũ cho rằng hiện nay dịch vụ tư vấn, tham vấn và trị liệu tâm lý đã trở nên phổ biến hơn, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM hoặc Hà Nội. Do đó, việc điều trị rối loạn lo âu không còn quá sức tưởng tượng hoặc không thể đạt được.
"Thậm chí nếu ở xa, có thể sử dụng dịch vụ tham vấn, trị liệu trực tuyến mà nhiều trung tâm tư vấn, tham vấn và trị liệu tâm lý cung cấp. Song song với sự trợ giúp từ nhà chuyên môn, sự đồng hành của gia đình, người thân, bạn bè thì từng cá nhân đã và đang rơi vào rối loạn lo âu cũng nỗ lực trong việc thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội cơ bản để giúp bản thân vượt qua nỗi sợ ấy cũng như thúc đẩy tiến trình chữa lành một cách nhanh và hiệu quả", tiến sĩ Vũ chia sẻ.
Tiến sĩ này nhắn gửi thêm: "Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đã và đang mang nỗi sợ giao tiếp với cộng đồng rằng không có gì là đáng xấu hổ hay tự ti về nỗi sợ này cả. Mỗi người chúng ta đều có những nỗi sợ riêng, và chính nỗi sợ này tô điểm thêm màu sắc cho cuộc đời của mỗi chúng ta. Nó cho chúng ta biết được giới hạn của mình và nỗ lực hết sức để vượt qua giới hạn đó. Từng bước một trong hành trình đương đầu và vượt qua nỗi sợ giao tiếp xã hội sẽ giúp bạn xây dựng sự tự tin vào chính mình tốt hơn và gặt hái được nhiều niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống".
Theo TN