Nghề làm giàu trên sóng trực tuyến
Những ưu điểm của hình thức tương tác, quảng bá trực tuyến đã tạo cơ hội cho ngày càng nhiều bạn trẻ yêu thích kinh doanh, khởi nghiệp, livestream bán hàng qua mạng để giảm chi phí về vốn, mặt bằng mà đem lại doanh thu ổn định.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xu hướng nghề nghiệp mới, nhiều bạn trẻ đã tham gia khóa học ngắn hạn về cách livestream qua hình thức online hoặc trực tiếp. Các khóa học trực tiếp thường được tổ chức bởi các trung tâm về kỹ năng mềm hoặc kỹ năng giao tiếp, rèn luyện giọng nói.
Mặt khác, nhiều bạn sinh viên đã xây dựng thương hiệu cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội từ sớm với lượt tương tác ổn định, trở thành các reviewer, TikToker có ảnh hưởng. Từ số người theo dõi nhất định, nhiều bạn trẻ dễ trở thành chủ shop online, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Điển hình như TikToker Huyền Hu Hô; TikToker Hana Ban Mê; TikToker Nguyễn Hải Yến (Yến Canvas)... Nhiều thanh niên ở các tỉnh miền núi cũng đã học và bắt đầu xây dựng thương hiệu, livestream quảng bá nông sản trên các nền tảng mạng xã hội.
Bạn trẻ livestream bán hàng nông sản. Ảnh: Khánh Nguyên |
Đưa ra nhận định về xu hướng nghề nghiệp này, TS. Phạm Ngọc Linh (Trưởng khoa Công tác Xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho hay, đã có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công từ hoạt động livestream bán hàng, biết tận dụng các công cụ tất yếu của công nghệ 4.0 để quảng cáo sản phẩm và đem lại nguồn thu lớn.
“Để làm được streamer, bạn trẻ chỉ cần đáp ứng các tiêu chí khá nhẹ nhàng, dễ tiếp cận như: có năng khiếu giao tiếp với cộng đồng mạng trên sóng trực tiếp; không yêu cầu bằng cấp, kỹ năng chuyên sâu... Tuy nhiên, trước đó, người bán hàng phải có thương hiệu và lòng tin nhất định bằng những nội dung có giá trị và đem lại hiệu quả tích cực cho người xem trong một vấn đề, lĩnh vực nào đó”, TS. Linh nói.
Xu hướng làm việc tự do nhưng "tự lo"
Người làm việc tự do (freelancer) được ví như một “nhà thầu độc lập” tự kết nối và tìm điểm chung với hệ sinh thái doanh nghiệp. Trong và sau đại dịch COVID-19, xu hướng làm việc này được nhiều bạn trẻ thích thú trải nghiệm.
Trong xu hướng làm việc freelance bao gồm nhiều nghề khác nhau mà người lao động có chuyên môn, kỹ năng chọn để theo đuổi. Do đó, để làm được tự do, trước tiên, người trẻ phải làm tốt một nghề, tức là trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
Theo khảo sát của Công ty tuyển dụng Anphabe tại Việt Nam (từ cuối năm 2021) cho thấy, nhân lực tri thức Việt hiện có 53% làm việc độc lập, trong đó có 14% làm tự do toàn thời gian, 26% làm tự do bán thời gian, 13% duy trì công việc cố định kết hợp làm tự do bán thời gian. Số người chọn làm việc tự do ngày càng tăng so với lực lượng lao động cố định.
|
Nhiều người trẻ chọn làm việc tự do, nhận nhiều việc cùng lúc. |
Khi chọn làm việc tự do, bạn trẻ cũng cần xác định… tự lo bởi khi tách ra làm việc độc lập sẽ không được hưởng các phúc lợi của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đôi khi, phải tự chịu trách nhiệm thiệt hại cho những dự án, giao dịch, hợp đồng không thành công.
Theo TS. Bùi Nguyệt Quỳnh (Phó Giám đốc vận hành Công ty TNHH Gami Lab), những freelancers sẽ gặp rủi ro về mặt pháp lý như việc hợp tác đôi khi chỉ qua tin nhắn, cuộc gọi điện, email, và hiếm khi ký hợp đồng dịch vụ. Điều này dẫn đến các freelancers có thể bị bùng tiền, không có những điều khoản bảo vệ khi làm việc và thực hiện dịch vụ.
Việc kiếm các công việc cũng khá cạnh tranh. Khách hàng thường không ổn định, được giới thiệu hoặc tìm kiếm trên mạng, qua các trang mạng xã hội. Đôi khi gặp phải rủi ro về việc tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, và bị lừa bởi các khách hàng “ma”.
"Nở rộ" mô hình khởi nghiệp theo trend
Từ sức hút của các món ăn, đồ uống "khuấy đảo" cộng đồng mạng năm qua như cà phê muối, trà chanh giã tay, bánh đồng xu... đã tạo cơ hội để giới trẻ khởi nghiệp.
Điển hình như cà phê muối, thức uống kết hợp giữa muối và cà phê khởi phát tại xứ Huế, do một cặp vợ chồng người địa phương sáng tạo vào năm 2010. Năm qua, món đồ uống này bất ngờ phủ sóng nhiều quán cà phê tại Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng và gây sốt trên mạng xã hội. Từ độ hot của cà phê muối, nhiều bạn trẻ Việt đã nhanh chóng khởi nghiệp bằng các xe cà phê lưu động tại vỉa hè; trước cổng trường cao đẳng, đại học.
Còn với món bánh đồng xu phô mai Hàn Quốc, bạn trẻ dễ dàng khởi nghiệp bởi cách làm bánh không khó, chỉ cần pha bột mềm, xốp, thêm phô mai tan chảy rồi nướng vàng. Ở thời điểm giữa năm, món bánh này "gây bão" trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đã đầu tư máy nướng bánh và tập tành kinh doanh, mỗi bánh trung bình có giá 25 nghìn đồng. Tuy nhiên, bánh đồng xu "sớm nở chóng tàn" bởi những món ăn, đồ uống khác lên ngôi như trà chanh giã tay.
Trong năm qua, tổ chức Đoàn - Hội và các trường học đã tích cực mở rộng và tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ, cuộc thi khởi nghiệp dành cho thanh niên, sinh viên. Nhờ vào những sân chơi sáng tạo này, các bạn trẻ được tạo "bệ phóng" cho các ý tưởng kinh doanh. Nhiều cuộc thi không chỉ trang bị các kỹ năng và kiến thức mà còn hỗ trợ nguồn vốn, sự đồng hành của các chuyên gia để các bạn trẻ tự tin khởi nghiệp bài bản và phát triển bền vững cho các ý tưởng, dự án của mình. Đặc biệt, việc trang bị kỹ năng và kiến thức thực tế trong khởi nghiệp cũng giúp sinh viên nhận thức được các xu hướng khởi nghiệp, lựa chọn, cân nhắc kỹ mô hình khởi nghiệp theo trào lưu để hạn chế tối đa rủi ro.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Thường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và Văn hóa doanh nghiệp, mô hình kinh doanh theo trend (trào lưu) trước đây đã hoạt động rồi nhưng gần đây thật sự bùng nổ trở lại. Điều này chứng tỏ giới trẻ bắt đầu có tư duy rất nhạy bén và nhanh chóng nắm bắt nhu cầu về hành vi tiêu dùng của khách hàng để kinh doanh. Tuy nhiên, việc kinh doanh theo trend của các bạn trẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do phải liên tục chạy theo xu hướng của xã hội và thị hiếu của người tiêu dùng nên sẽ bị ảnh hưởng nguồn lực về vốn và nhân sự, các bạn rất khó để duy trì lâu dài. |
Theo TPO |