Điều đáng nói là hiện nay, đang rất phổ biến tình trạng hầu hết trung tâm Anh ngữ, trường tư thục đồng loạt mở khóa học hè, trại hè cho học sinh với những lời quảng cáo rầm rộ trên tờ rơi, poster, website, facebook…
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 90 các cơ sở, trung tâm dạy kỹ năng sống (KNS) cho trẻ. Tuy nhiên, bà Thu cũng thừa nhận, thực trạng các trung tâm KNS đang nở rộ tại TP Hồ Chí Minh với nguy cơ bung ra ngày càng nhiều khiến ngành giáo dục khó kiểm soát mà điển hình là tuần qua, Thanh tra sở GD-ĐT cũng có quyết định xử lý, xử phạt một Trung tâm "treo" biển dạy KNS nhưng lại âm thầm tổ chức thu nhận nuôi giữ trẻ nội trú.
“Bùng nổ” các trung tâm kỹ năng sống
Có thể nói, các trung tâm dịch vụ KNS tại TP Hồ Chí Minh đang "nở rộ" đang khiến PHHS như lạc vào rừng trong việc kiếm cho con một nơi học ưng ý. Liên hệ với Trường ngoại khóa Tomato tại TP Hồ Chí Minh để cho con đi học hè, chúng tôi được trường này giới thiệu có lớp hè cho bậc mầm non và tiểu học từ 3 đến 11 tuổi.
Trường quảng cáo chương trình được thiết kế "không nơi đâu có": Dạy cho trẻ về kỹ năng cảm xúc xã hội, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, chơi thông minh, bé vui đọc & phát triển ngôn ngữ, dã ngoại khám phá, nhảy hiện đại, kỹ năng tập trung và làm chủ suy nghĩ, tư duy giải quyết vấn đề sáng tạo, kỹ năng đọc hiểu và trình bày…
Trẻ tham gia học khoá kỹ năng sống tại một trung tâm đào tạo.
Chương trình được chia thành nhiều học phần và đa dạng để phụ huynh lựa chọn cho con học từng chủ đề, theo giờ, nguyên ngày, nguyên tuần… Học phí từ trên 2 triệu đến 3 triệu 450 ngàn đồng/tuần/học sinh.
Còn Trường Mầm non Tây Úc quảng cáo khoá hè 8 tuần có chương trình được thiết kế với sự tư vấn về nội dung của Sở Giáo dục Greenville – Bang Pennsylvania (Mỹ), với 17 tiết học tiếng Anh và 18 tiết học công nghệ, thể thao, năng khiếu và hoạt động ngoài trời, là cơ hội để các em học sinh khám phá ngôn ngữ tiếng Anh, rèn luyện kỹ năng, phát triển tính cách và mở rộng các mối quan hệ đầu đời…
Chị Phạm Thị Thanh ở quận Tân Phú có con năm nay học hết lớp 2, vợ chồng chị đều đi làm giờ hành chính nên khi con nghỉ hè thì không biết gửi con cho ai, đành cho đi học hè tại trung tâm KNS và chủ yếu là “thuê” nơi “trông coi” con là chính, còn việc con học thêm được kỹ năng gì thì học.
Nhiều người thắc mắc, cũng là học KNS với các nội dung tương tự nhưng có trung tâm thu học phí là 9 triệu/8 tuần. Nhưng một Trung tâm khác lại thu 21 triệu/ 6 tuần. Lại có trung tâm thu 19. 500.000 đồng/khoá. Đặc biệt là có trung tâm như: Công ty Du học Eduzone có chương trình du học hè Singapore 2019 áp dụng đối tượng học sinh từ 7 tuổi trở lên, thời gian học 4 tuần với chi phí cho chương trình một tuần 30.900.000 đồng/người, cao nhất 93.900.000 đồng/người.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Diễm Thu cho biết, nắm bắt tâm lý và nhu cầu gửi con của nhiều phụ huynh trong dịp hè, Sở GD-ĐT đã có Công văn hướng dẫn rất kỹ về việc triển khai hoạt động KNS, hoạt động ngoại khoá ngoài giờ học chính khoá tại các cơ sở giáo dục.
Mục đích cao nhất là nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình theo hướng phát triển học sinh toàn diện, gắn việc trau dồi phẩm chất năng lực với việc định hướng nghề nghiệp cho các em.
Yêu cầu được đưa ra cho tất cả các đơn vị được cấp phép đó là: Phải tổ chức hoạt động an toàn, nghiêm túc và thiết thực, hiệu quả. Sở cũng kiên quyết đề nghị, các trung tâm không được tự ý đưa các chương trình "lạ", không được thẩm định, phê duyệt của Sở GD-ĐT hoặc của Bộ GD-ĐT trong nội dung giảng dạy KNS cho HS. Việc tổ chức học KNS cũng phải đạt mục tiêu không hình thức, tránh tổ chức học ôm đồm, quá tải nhiều chương trình, cũng như không gây áp lực, hay ép buộc HS.
Cũng theo bà Thu, nội dung giảng dạy KNS còn phải phù hợp từng lứa tuổi từ Tiểu học, THCS hay THPT. Điều đáng nói là hiện nay, đang rất phổ biến tình trạng hầu hết trung tâm Anh ngữ, trường tư thục đồng loạt mở khóa học hè, trại hè cho học sinh với những lời quảng cáo rầm rộ trên tờ rơi, poster, website, facebook…
Thận trọng là không thừa
Hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 90 cơ sở trung tâm dạy KNS do Sở GD cấp phép. Theo qui định dựa vào thông tư 04 của Bộ GD-ĐT về dạy kỹ năng sống và học tập ngoài giờ lên lớp, cơ sở phải đảm bảo đủ điều kiện CSVC theo nội dung mà trung tâm khi xin cấp phép, đội ngũ giáo viên theo đúng yêu cầu, nội dung giảng dạy được thẩm định của Bộ GD-ĐT.
Nếu nội dung giảng dạy đem từ nước ngoài về cũng phải theo hướng dẫn của ngành. Nếu nội dung của nước ngoài phải có cơ quan chủ quản xác nhận, có bản quyền sử dụng chương trình KNS cho trường, cơ sở của mình. Nhà trường cũng có thể hợp đồng với cơ sở khác dạy KNS nhưng phải có cấp phép của Sở GD-ĐT. Nhất là phải chịu trách nhiệm với PHHS về dịch vụ, chất lượng, hàng tháng đều phải có báo cáo với Sở GD-ĐT về hoạt động.
Theo bà Thu, mô hình dạy KNS cho trẻ ngày càng được nhiều PHHS đón nhận, chứng tỏ hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các PHHS cần lưu ý rằng, khi cho con theo học lớp giáo dục KNS cho HS không chỉ tập trung trong trường học vì cần phối hợp với PHHS.
Trong đó HS phải được rèn luyện thói quen, làm thực tế ở gia đình, ở XH mới thành một kỹ năng. PHHS nên tìm hiểu về một cơ sở dạy KNS về CSVC, đội ngũ giáo viên, chất lượng giảng dạy... trước khi gửi gắm con. Dịch vụ KNS mang tính chất thị trường nên Sở chỉ có nhiệm vụ định hướng cho các cơ sở, không can thiệp về giá được.
Ngoài ra, cũng theo bà Thu, hiện nay tại các địa phương đều có nhiều hoạt động hè cho trẻ, bổ ích chứ không nhất thiết tất cả PHHS đều phải đưa con tới những trung tâm KNS. Kể cả là những trung tâm KNS có yếu tố giảng dạy của nước ngoài. Học phí cao, đắt đỏ, không phải cứ cho trẻ xuất ngoại là trẻ sẽ trở nên "xuất chúng". Bởi, sau khi tham gia chương trình KNS, về nhà trẻ có làm theo hay không mới là quan trọng, trẻ có chủ động khám phá, phát triển khả năng tự học, phát triển năng lực bản thân hay không.
Theo cand