Nội dung Tọa đàm: Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập

(CTG) Ngày 23/7, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm về chủ đề: “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập” nhằm làm rõ hơn vấn đề này với bạn đọc quan tâm.

Các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các vị khách mời: PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT); đại diện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa bà Nguyễn Thu Thủy, ngày 15/7, Bộ GD&ĐT đã có công văn 2582 gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19. Mời bà chia sẻ rõ hơn về công văn này.

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy: Về tình hình dịch bệnh COVID-19, do nhiều nước trên thế giới chưa kiểm soát tốt nên du học sinh Việt Nam khó có khả năng quay trở lại nước sở tại học tập trong thời gian tới. Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương đưa ra những chính sách, văn bản kịp thời đến các cơ sở giáo dục đại học và mới đây nhất là Công văn 2582 ngày 15/7/2020 nhấn mạnh hai điểm chính:

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học sẽ tiếp nhận lưu học sinh Việt Nam và cả sinh viên quốc tế có nhu cầu được giảng dạy bằng tiếng Anh cũng như các chương trình đạo tạo liên kết với nước ngoài; trường phải có đủ năng lực đào tạo tức là vẫn còn chỉ tiêu và phù hợp để tuyển sinh; đầu vào của sinh viên cũng không được thấp hơn với điều kiện nhập học thông thường của chương trình tương ứng.

Thứ hai, căn cứ vào nội dung, cấu trúc, yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, căn cứ vào các tín chỉ, kết quả học tập của sinh viên để nhà trường có thể xem xét chấp nhận 1 phần các tín chỉ hay học phần phù hợp... để tiết kiệm được thời gian học tập cho sinh viên trong giai đoạn tới nhưng phải tuân thủ theo đúng quy chế tuyển sinh, quy chế đào tạo tín chỉ và quy định nội bộ của nhà trường.

Ngoài ra, Công văn nhấn mạnh và khuyến khích các trường rà soát mạng lưới hợp tác quốc tế, tìm kiếm các đối tác nước ngoài tốt để tiếp tục các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Hiện nay Bộ GD&ĐT cũng đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của các trường đại học.

Các trường đại học đã có những kế hoạch gì để hỗ trợ các du học sinh có nguyện vọng về nước học tập, thưa các vị khách mời? Điều kiện để được tiếp nhận học tại trường là như thế nào?

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Không chỉ đợt dịch COVID-19 năm nay mà hằng năm cũng đã có một tỉ lệ sinh viên quốc tế tương đối lớn đến theo học các chương trình, lĩnh vực khác nhau tại Đại học Quốc gia Hà nội. Ngoài ra, cũng có sinh viên Việt Nam trao đổi với nước ngoài, nên việc này cũng không quá bất ngờ hay khó khăn đối với Đại học Quốc gia Hà nội. Cùng với Công văn 2582 của Bộ GD&ĐT thì Đại học Quốc gia Hà nội có Công văn 2092 chỉ đạo các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc xây dựng, công bố từng chương trình, loại hình đào tạo và hướng dẫn chi tiết để cho sinh viên lựa chọn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Đại học Bách khoa Hà Nội): Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sẵn sàng để tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các sinh viên, lưu học sinh tại nước ngoài về nước học tập với 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh chủ yếu là các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngôn ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật. Nhà trường hướng dẫn chi tiết về chương trình và thủ tục cho sinh viên đồng thời cung cấp cho lưu học sinh cách thức học như hình thức chuyển trường, thi tuyển đầu vào căn cứ vào các tín chỉ đánh giá theo năng lực theo các tổ chức khảo thí quốc tế như SAT, ALEVEL hoặc sinh viên chỉ học ở Đại học Bách Khoa Hà nội một thời gian như một học kỳ để nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình học.

Đại học Bách Khoa Hà nội có một số lĩnh vực mũi nhọn nằm trong TOP 350-500 của thế giới như Toán học, Cơ khí hàng không, Công nghệ thông tin và Điện- điện tử... nên việc công nhận tín chỉ tương đương với các trường khác ở nước ngoài cũng thuận lợi.

PGS.TS Vũ Thị Hiền (Đại học Ngoại thương): Trường Đại học Ngoại thương có một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với số lượng lớn. Hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương tiếp đón gần 1.000 sinh viên quốc tế và gửi ra nước ngoài từ 1 học kỳ đến 1 năm khoảng hơn 200 sinh viên. Với kinh nghiệm sẵn có và sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Ngoại thương đã công bố kế hoạch rất rộng rãi đến các du học sinh và sinh viên quốc tế biết để có kế hoạch học tập trong thời gian tới.

Trường Đại học Ngoại thương cung cấp hai cơ hội. Một là học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm), được tham gia học tập 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài như tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc. Bên cạnh đó có 9 chương trình cử nhân, 5 chương trình thạc sĩ đào tạo với nước ngoài. Sau khi được đào tạo ngắn hạn, sinh viên sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường mà các du họcsinh đang theo học tại nước ngoài. Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát thì các du học sinh có thể quay trở lại học tại nước ngoài.

Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đạo tạo liên kết với nước ngoài. Khi đã là một sinh viên của trường đại học nước ngoài thì sinh viên đó đủ điều kiện là sinh viên của chương trình liên kết đào tạo tại Đại học Ngoại thương.

Trường Đại học Ngoại thương có một cách tiếp cận rất cởi mở, tức là một hệ thống các môn học trong toàn bộ các chương trình liên kết đào tạo sẽ được cung cấp cho sinh viên để các em tự xây dựng một chiến lược học tập cho cá nhân mình, để có thể đạt được tín chỉ cao nhất trong thời gian học tại Đại học Ngoại thương, sau đó tiếp tục quá trình công nhận tín chỉ để tiếp tục lấy bằng ở nước ngoài.

Đến thời điểm này có rất nhiều trường đại học trong nước đã liên kết với các trường đại học trên thế giới để đào tạo sinh viên, vậy việc liên kết đào tạo này sẽ hỗ trợ việc tiếp nhận du học sinh về học tập như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Trường Đại học Bách khoa có 10 chương trình liên kết quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, có chương trình do nước ngoài cấp bằng (Công nghệ thông tin, Quản trị doanh nghiệp...), có những chương trình liên kết với nước ngoài (New Zealand, Australia, Nhật Bản...) theo hình thức công nhận các tín chỉ lẫn nhau. Các em có thể học tại Trường Đại học Bách khoa 4 học kỳ và có cơ hội chuyển tiếp sang các trường đối tác nói trên.

Đó là cơ hội cho các du học sinh trở về học tại Việt Nam và sau đó tiếp tục được ước mơ còn dang dở vì dịch COVID-19.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Đây là một thách thức và cũng là cơ hội để cho sinh viên nhìn nhận lại giáo dục đại học ở Việt Nam. Các em có thể trải nghiệm 1 học kỳ hoặc toàn bộ chương trình học để thấy rằng đại học ở Việt Nam cũng có những chương trình học sánh ngang và đạt được đẳng cấp quốc tế.

Với các trường đại học có một điểm lợi là các du học sinh quay trở lại thì việc xét tuyển đầu vào môn ngoại ngữ là dễ dàng hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, các trường đại học trong cả nước triển khai tối đa công nghệ giáo dục hiện đại, tiến tiến trong hoạt động giảng dạy như dạy trực tuyến, thí nghiệm ảo hay đưa những nội dung dự định triển khai trong khoảng 2, 3 năm tới vào khai thác trong thời gian sớm hơn. Đó cũng là một bước nhảy vọt trong việc giảng dạy tiệm cận nhanh tới các phương thức giảng dạy tiên tiến.

Thưa bà Thủy, xin bà cho biết cụ thể về số lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế giáo dục đại học hiện nay ở Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy: Theo báo cáo của các cơ sở đại học, đến nay có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, bậc đại học có 195 chương trình, bậc thạc sĩ có 150 chương trình, bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Từ khi Nghị định 73 (năm 2012) có hiệu lực, mỗi năm phê duyệt thêm khoảng 40 chương trình đào tạo quốc tế mới, trong quá trình đó cũng xem xét ra hạn, điều chỉnh 10 đến 20 chương trình và có khoảng gần 30 chương trình dừng tuyển sinh. Hiện nay có 192 chương trình dừng hoạt động do một số chương trình đã hết thời hạn cấp phép hoặc đã hết hạn mà trường đối tác không ra hạn. Nhưng lý do phổ biến hơn là do chuyên ngành của các trường đối tác thay đổi để ngày càng phù hợp và nâng cao chất lượng hơn.

Từ Nghị định 73 (năm 2012) đến Nghị định 86 (năm 2018), khi nâng cao về điều kiện đảm bảo chất lượng của đối tác liên kết đạo tạo với nước ngoài cũng như đối tác ở phía Việt Nam cũng phải đảm bảo chất lượng thì các trường luôn thay đổi, cập nhật với thị trường, nhu cầu kinh tế xã hội và tốc độ phát triển khoa học công nghệ ... Do đó việc thay đổi chương trình đào tạo là hết sức bình thường. Sự cạnh tranh hết sức lành mạnh giữa các chương trình liên kết đạo tạo nước ngoài, các chương trình quốc tế của các trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, rồi các chương trình tiên tiến, các chương trình chất lượng cao... cho nên cũng có những chương trình phải dừng tuyển sinh. Các chương trình hiện nay là chương trình hợp pháp, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng rất phù hợp với người học cả với sinh viên quốc tế và Việt Nam.

Mời bà Vũ Thị Hiền chia sẻ chương trình liên kết đào tạo quốc tế ở tất cả các bậc đào tạo mà Trường Đại học Ngoại thương đang triển khai?

PGS.TS Vũ Thị Hiền: Về các chương trình liên kết đào tạo bậc cử nhân, hiện nay Đại học Ngoại thương đang có 9 chương trình, bậc thạc sĩ là 5 chương trình. Thực ra trước đây số lượng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi chiến lược chương trình đào tạo của các trường cũng được định hướng lại và việc cơ cấu lại cũng tạo ra hiệu quả tốt hơn cho hệ thống. Thực ra, điều này còn có tác động tốt cho đào tạo chính quy của các trường. Vì vậy, chúng tôi thu gọn lại chương trình và tạo ra mô hình liên kết đào tạo tốt hơn. Ví dụ, đối với các trường ở Mỹ, chúng tôi có thể có chương trình học chung 2 năm đầu tiên, sau đó các sinh viên có thể lựa chọn chuyển tiếp sang rất nhiều các trường đại học khác nhau.

Đối với các chương trình như thế này, các bạn du học sinh khi quay về học trong nước do bối cảnh COVID-19 cũng có khá nhiều cơ hội. Đó là các bạn có sự tương đồng về chương trình. Tôi lấy ví dụ như chương trình Quản trị hoạt động khách sạn mà Đại học Ngoại thương liên kết với Vatel. Vatel có 16 chương trình liên kết này trên toàn thế giới. Khi du học sinh học chương trình trên thế giới, khi muốn quay về Việt Nam vẫn học tương đồng như thế và được lấy bằng với chất lượng tương đương với 15 chương trình trên thế giới. Đây là cơ hội tốt cho thí sinh trong bối cảnh này. Thuận lợi nữa là các bạn sẽ có môi trường học tập tương đồng với môi trường học ở nước ngoài. Đó là điều mà các trường đại học đang hướng đến, môi trường giáo dục cởi mở, thông thoáng và mang tính quốc tế cao.

Có ý kiến cho rằng, số lượng các trường ở Việt Nam đã và đang hợp tác với trường xếp hạng cao trên thế giới còn hạn chế. Bà cho biết nguyên nhân và quan điểm của mình về ý kiến này, thưa bà Thủy?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trước đây, chúng ta có ít chương trình liên kết với đối tác có xếp hạng cao trên thế giới thì hiếm. Thứ nhất, do những trường có xếp cao hạng thì yêu cầu của họ với đối tác cũng rất cao nên chúng ta trước chưa đáp ứng được. Thứ hai, đối với những trường xếp hạng cao thì học phí cũng cao, các trường cũng yêu cầu chất lượng đầu vào theo chuẩn mực quốc tế. Nhưng hiện nay, các chương trình liên kết đào tạo của chúng ta đã nâng cấp, đổi mới về mặt chất lượng. Đồng thời, đội ngũ trong nước cũng được đào tạo bài bản. Chỉ 5 năm trước, tỷ lệ giảng viên đại học tại Việt Nam có trình độ tiến sĩ khoảng 19,5%, đến nay đã đạt 28,8%, rất nhiều trong số đó đã được đào tạo bài bản từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Bản thân sự nâng cao năng lực nội tại dẫn tới việc chúng ta đã tiếp cận với xếp hạng ngày cao trên thế giới. Nhiều trường đại học nước ngoài có uy tín, thương hiệu đã đến đầu tư vào các trường tại Việt Nam.

Vì vậy, tôi tin rằng trong thời gian tới, khi kinh tế - xã hội nước ta ngày càng triển, năng lực sinh viên Việt Nam được nâng cao cả về kỹ năng, ngoại ngữ, chúng ta hoàn toàn đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác. Vì vậy, chúng ta có thể lựa chọn đối tác ngày càng tốt hơn, từ đó nâng cao năng lực giáo dục liên kết, năng lực học tập tại nước ta.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Ở Việt Nam, hệ thống các trường đại học tương đối nhiều mà xếp hạng các trường trong nước khác nhau. Khi ta tìm kiếm đối tác và khi đối tác tiếp cận chúng ta, họ sẽ có nhiều lựa chọn. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội, khi xây dựng đề án thành lập chương trình liên kết hợp tác quốc tác, chúng tôi đặt ra tiêu chí hợp tác. Theo đó, quy định rõ trường đó phải trong TOP 500 trường đại học xuất sắc của thế giới (cũng có trường hợp ngoại lệ mang tính ngoại giao, hợp tác quốc tế như khối Đông Nam Á thì sẽ có cơ chế đặc biệt).

Chúng tôi cũng đã nhận được khá nhiều những băn khoăn của các vị phụ huynh, rất mong các vị khách mời chia sẻ những lo lắng này cùng các bậc phụ huynh. Du học sinh Việt Nam từ nước ngoài có nguyện vọng về nước học tiếp được tiếp nhận thế nào? Các thủ tục cần những gì?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Ngay trong Công văn 2583 cũng nêu rõ Vụ Giáo dục đại học sẵn sàng hỗ trợ các trường đại học, sinh viên. Chẳng hạn như chúng tôi có thể hỗ trợ kiểm tra thông tin về các trường nước ngoài, danh sách các trường được công nhận, hệ thống tín chỉ tương đồng. Thông tin về chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục Việt Nam cũng được đăng tải công khai, minh bạch.

Ngoài ra, về thủ tục khi các em quay trở lại nước học tập, chúng tôi cũng đã đề cập trong Thông tư số 10/2014 của Bộ GD&ĐT. Trong quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, có hướng dẫn thủ tục khi các em học sinh muốn quay trở lại nhập học tại Việt Nam. Cụ thể, Điều 10, Khoản 3 quy định về việc tiếp nhận du học sinh ở nước ngoài nêu rõ các em phải chuẩn bị hồ sơ, đơn chuyển trường, chuyển kết quả học tập, ý kiến các cơ quan chủ quản đối với người được cử đi học. Với những quy định cụ thể như vậy, các em sinh viên có thể yên tâm về thủ tục nhanh gọn, các trường và các thầy cô ở Việt Nam sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hết sức.

Với trường hợp học sinh theo học phổ thông ở nước ngoài, bây giờ muốn về Việt Nam thì những trường hợp như thế này sẽ xử lý như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Nếu các em đã tốt nghiệp trung học phổ thông ở nước ngoài, trong quy chế tuyển sinh quy định đó là đối tượng tuyển sinh rất thông thường. Các em có thể hoàn toàn tham gia vào tuyển sinh đầu vào ở tất cả các trường đại học.

Một bạn đọc hỏi nếu như ngành học của con mình chưa có chương trình đào tạo tại Việt Nam thì phải làm thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trường hợp các ngành học rất mới chưa có ở Việt Nam thì các em phải tìm kiếm thông tin để xem trường nào đang cung cấp những ngành, chuyên ngành, khối ngành gần nhất đối với ngành mà các em đang theo đuổi. Trên có sở đó sẽ có lợi cho các em khi các trường xem xét sự tương đồng về các môn học, về các khả năng các em được công nhận tích lũy tín chỉ như thế nào. Phải xem xét đầy đủ các thông tin vì nhiều khi ngành có tên như vậy nhưng ở các trường lại sắp xếp vào các khoa khác nhau. Phải tìm kiếm thông tin đầy đủ để tìm kiếm địa chỉ thích hợp nhất. Tôi tin rằng các thầy cô, các trường khi nhận được những yêu cầu của các em sẽ tư vấn cụ thể.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Nếu ngành đào tạo nào đó ở một trường đại học nước ngoài mà ở Việt Nam chưa có, tôi nghĩ xác suất vô cùng thấp. Vì với công nghệ thông tin, truyền thông hiện nay, thế giới tương đối phẳng, bất kỳ một nguồn thông tin nào đều được tiếp cận rất nhanh, đặc biệt trong đổi mới giáo dục hiện đại, tất cả các trường đại học buộc phải tiếp cận rất nhanh chương trình mới, đặc biệt xây dựng những chương trình mang tính liên ngành, chuyên ngành. Trừ những trường hợp mang tính chất định hướng giáo dục trong một ngành cụ thể nào đó ở một quốc gia hay phục vụ nguồn nhân lực đặc biệt thì chương trình đó mới không có tính phổ cập. Nếu đã đào tạo thu hút sinh viên quốc tế thì nghĩa là người ta tuyển dụng nguồn nhân lực có tính chất toàn cầu. Do vậy đối tượng đi học rất rộng, và mức độ phổ cập chương trình đó phải công bố quốc tế. Tôi tin với hơn 200 trường đại học tại Việt Nam không khó khăn gì tìm kiếm một chương trình đào tạo nói là khác biệt hoàn toàn là không có.

Thứ hai, như chị Thủy có chia sẻ, có thể trong quá trình chuyển tải dịch thuật, có những chương trình, ngôn từ dịch không sát nghĩa thì các bạn sinh viên có thể liên lạc với các trường đại học, đội ngũ cán bộ tư vấn tuyển sinh để được thông tin thêm nội hàm chương trình đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo... Tôi tin rằng sẽ có khoảng 78% các ngành gần hoặc ngành phù hợp.

Đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo trong cả nước có mối liên hệ rất chặt chẽ. Nếu như một bạn sinh viên nào đó liên lạc, tôi tin tất cả sẽ có sự thông báo ngay rằng trường chúng tôi không có nhưng trường khác sẽ có, thậm chí còn phân tích ưu nhược điểm của từng trường để các em tiếp cận.


Có ý kiến cho rằng để công bằng thì du học sinh phải vượt qua 1 bài kiểm tra đầu vào tương đương với sinh viên Việt Nam đang học tại trường đó. Các vị khách mời nghĩ sao về ý kiến này?

PGS.TS Vũ Thị Hiền: Tôi nghĩ vấn đề lựa chọn sinh viên cho các trường đại học đó là vấn đề rất quan trọng, nó đảm bảo chất lượng giảng dạy của trường và lựa chọn được sinh viên phù hợp trong mỗi chương trình đào tạo. Tuy nhiên chúng ta có thể thấy trong những năm gần đây, các trường đại học trên toàn quốc đều đã đổi mới phương thức tuyển sinh của mình, đa dạng hóa các hình thức lựa chọn sinh viên, có những hình thức bắt kịp với phương thức tuyển sinh trên thế giới như dùng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, dùng các chứng chỉ để đo năng lực quốc tế như SAT, ACT như GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo vừa chia sẻ.

Do vậy các bạn học sinh ở nước ngoài hoàn thành chương trình trung học phổ thông thì hoàn toàn có thể dùng các chứng chỉ quốc tế để xét tuyển vào các trường đại học Việt Nam. Số lượng các trường đại học ở Việt Nam đang dùng chứng chỉ này ngày càng tăng nên các bạn có rất nhiều lựa chọn để vào các trường đại học tại Việt Nam.

Đối với những du học sinh đã theo học gần hết khóa học tại nước ngoài, việc tiếp tục học tại Việt Nam có được không và có được cấp bằng của trường đã học không hay nhận bằng tốt nghiệp của đại học tại Việt Nam?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Tôi cho rằng việc công nhận đó thuộc sự thỏa thuận của hai trường, đó là cả một quá trình về công nhận tín chỉ. Các em về Việt Nam và được công nhận vào học tiếp thì phải có hội đồng chuyên môn xem xét để biết các em được những môn gì và phải học môn gì. Khi đáp ứng được tất cả các yêu cầu về tốt nghiệp thì trường này sẽ cấp bằng. Thông thường là vậy. Khả năng sinh viên được cấp bằng tại trường nước ngoài phụ thuộc vào việc ký kết, hợp tác ở cấp độ nào. Có rất nhiều cấp độ khác nhau, cấp độ thấp nhất chỉ là trao đổi giảng viên, sinh viên trong thời gian ngắn cho đến cấp độ có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau trong một phạm vi nào đó kiến thức, cấp độ cao nhất là công nhận toàn bộ chương trình và cấp song bằng, hai văn bằng ở hai nơi.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Đúng như anh Điền vừa chia sẻ, nó tùy thuộc vào chương trình du học sinh lựa chọn, sinh viên quốc tế lựa chọn để vào học. Sau đó phía nhà trường xem xét mức độ tiếp nhận như thế nào và tùy vào chương trình liên kết các em đang muốn lựa chọn. Có trường hợp chương trình do trường đối tác cấp bằng, có trường hợp trường Việt Nam cấp bằng, có trường hợp cả hai trường cùng cấp song bằng. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên thông qua hợp đồng cũng như thỏa thuận hợp tác.

Trong trường hợp sinh viên nhất định vẫn muốn được cấp bằng của trường nước ngoài mà sinh viên đã học gần hết, tôi nghĩ sinh viên phải làm thủ tục bảo lưu đối với trường nước ngoài trong trường hợp hai trường chưa có thỏa thuận. Thời gian ở Việt Nam có thể tích lũy thêm tín chỉ để sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát có thể quay trở lại nước sở tại để hoàn thiện nốt chương trình đó. Do đó sinh viên phải chủ động để liên hệ với trường nước ngoài qua email hoặc các phương tiện truyền thông khác để có tư vấn. Liên hệ với trường, liên hệ với Bộ GD&ĐT, liên hệ với cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước sở tại để chúng ta có đầy đủ thông tin và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Tôi nghĩ nếu là sinh viên học chương trình liên kết quốc tế thì như thầy Điển và cô Thủy chia sẻ, sẽ có các trường hợp như trường đại học ở Việt Nam cấp bằng hoặc trường đại học ở nước ngoài cấp bằng, hoặc cấp bằng song song tại nước ngoài và Việt Nam. Sinh viên chỉ cần chọn chương trình và các thầy cô sẽ có tư vấn.

Trường hợp thứ hai, các em sinh viên năm cuối trở về nước và theo học ở Việt Nam thì nơi nào cấp bằng. Về vấn đề này một số nước quy định là sinh viên phải học bao nhiêu phần trăm thời gian ở trường đại học đó người ta mới cấp bằng, trong trường hợp này, đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, những sinh viên năm thứ tư, nếu đăng ký chuyển trường hẳn và học chương trình đào tạo chuẩn mà Đại học Quốc gia cấp bằng là khó vì trong quy chế đào tạo đầu ra không cho phép sinh viên chuyển trường năm cuối.

Nhưng bài toán chúng ta không nên phức tạp hóa, như cô Thủy có chia sẻ các em có thể liên lạc với trường, đối với trường sở tại có thể thông báo rằng các em sẽ theo học 5 hoặc 6 môn hoặc 12 tín chỉ tại Đại học Quốc gia Hà Nội và trường đó có chấp nhận hay không. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay tôi tin rằng các trường đều ủng hộ sinh viên, khi trường sở tại chấp nhận thì các em chỉ cần lấy kết quả tại trường đại học ở Việt Nam nộp sang trường sở tại là hoàn thành khóa học.

Ở các trường đại học ở bậc cử nhân, chưa nói đến đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, hầu hết các sinh viên kết thúc các học phần là các em tích lũy đủ tín chỉ là tốt nghiệp, không cần đến kết quả nghiên cứu hay bài báo. Tôi tin là các trường sẽ kiểm tra thứ hạng, mức độ quốc tế hóa của các trường đại học và công nhận chứng chỉ tương đương và các em vẫn nhận được bằng tốt nghiệp ở các trường mà mình đăng ký.

Có câu hỏi khá thú vị, là trường hợp không đủ điểm vào đại học ở Việt Nam, gia đình cho du học tự túc, nay về nước thì có được vào học tiếp ở trường trước đây đã "trượt" không?

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy: Trong Công văn hướng dẫn, chúng tôi quy định rất rõ khi chúng ta tiếp nhận lưu học sinh, tiếp nhận sinh viên quốc tế vào học chương trình, bất kỳ chương trình nào, thì điều kiện, yêu cầu đầu vào của sinh viên không được thấp hơn, phải bằng hoặc cao hơn so với điều kiện tuyển sinh tương ứng của chương trình đó. Ngoài ra, nếu sinh viên không đáp ứng được yêu cầu đầu vào của chương trình đó, tôi nghĩ nên khuyên sinh viên tìm chương trình phù hợp với năng lực và điều kiện nhập học của mình. Chúng tôi cũng yêu cầu các trường trước ngày 30 hằng tháng báo cáo về Vụ Giáo dục đại học tình hình tuyển sinh theo các quy định hiện hành.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Sinh viên thi vào một trường nhưng không đạt yêu cầu đầu vào, sau đó gia đình cho em chuyển sang nước ngoài, em tiếp tục học tập, trau dồi và thi các chứng chỉ như SAT… Nếu vào được một trường đại học tốt và tiếp tục học tập 2-3 năm, với điều kiện bảng thành tích học tập của em tương đối tốt, trường ranking cao, khi muốn quay trở lại trường mình đã thi trượt tại Việt Nam trước đó, thì các trường có cơ sở để xem xét, bởi năng lực học tập của các em được cải thiện thông qua bảng thành tích học tập tại trường sở tại (chỉ trong trường hợp này). Còn lại theo tinh thần chung, các em có nhiều lựa chọn khác ngoài trường các em đã trượt.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo: Chúng ta đang đi vào một tình huống hết sức cá biệt, tôi nghĩ xác suất vô cùng thấp. Chúng ta hay nhìn nhận giữa quy định và thực tế. Thông thường chúng ta hay nói rằng học tài thi phận, có thể học rất tốt nhưng thi lại trượt. Với câu hỏi đặt ra như trên, ta phải nhìn nhận đào tạo là cả một quá trình, tuyển sinh chỉ là một khâu trong đào tạo. Có thể lúc đó em thi trượt, nhưng bây giờ kết quả học tập của em rất tốt, nhưng khi quay lại lại vướng quy định, nên chúng tôi quy định các em phải đạt kết quả tối thiểu bằng hoặc cao hơn ngành các em đăng ký.

Điểm thứ hai, với các trường đại học, đặc biệt là những trường có liên kết đào tạo quốc tế hay những chương trình đào tạo khác có rất nhiều phương thức tuyển sinh. Nếu em sử dụng kết quả thi chẳng hạn (năm bị trượt) nhưng một số trường có thể yêu cầu sử dụng phương thức thi hoặc xét tuyển kết quả trung học phổ thông… thì các em có thể sử dụng các kết quả đó. Nếu trong trường hợp kết quả học bạ không đủ, tôi tin các em không thể theo học các trường đại học ở nước ngoài.

Điểm thứ ba, như thầy Điền chia sẻ, chúng ta phải đánh giá toàn bộ quá trình đào tạo, kết quả học tập của các em trong 2-3 năm vừa qua mà đạt được kết quả rất tốt thì đây là một khâu để hội đồng tuyển sinh, bộ phận chuyên môn đánh giá, nhìn nhận và tham khảo. Nếu cần thiết thì có thể cho sinh viên làm các bài kiểm tra khác.

Các em thường nghĩ mình đăng ký vào trường mình bị trượt nhưng các trường đều xét tuyển theo điểm chuẩn theo ngành, do đó có thể lúc trước em đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin (bị trượt), bây giờ em có thể đăng ký vào các ngành khác tương tự như Khoa học máy tính, Kỹ thuật số, An toàn thông tin… Còn nếu các em không đăng ký ban đầu thì có thể xét tuyển theo cách khác. Đây là cơ hội cho các em quay trở lại các trường đại học trong nước. Ngoài ra điểm chuẩn của từng ngành đào tạo của từng trường rất khác nhau. Cơ hội của các em không phải là hết.

PGS.TS Vũ Thị Hiền: Tôi nghĩ các bạn nên mở cho mình nhiều cơ hội nếu như đã lựa chọn con đường du học tự túc. Sau đó vẫn yêu thích con đường mà mình lựa chọn ngay từ ban đầu thì các bạn vẫn có thể thực hiện được mơ ước này.

Đối với chương trình liên kết đào tạo, tôi nghĩ sẽ không có gì khó khăn. Nhưng đối với các chương trình chính quy, chúng ta có thể thực hiện theo hình thức chuyển tiếp ngược. Trước đây chúng ta thấy rằng du học sinh Việt Nam học một vài năm tại Việt Nam sau đó chuyển tiếp học tại nước ngoài. Việc dừng quá trình học tại trong nước và mơ ước một bằng đại học nước ngoài hơn là bằng đại học trong nước là một nỗi lo mà Đại học Ngoại thương phải đối diện rất nhiều năm, mặc dù thương hiệu của trường rất mạnh, nhưng tinh thần chuộng ngoại vẫn rất cao. Các bạn sang học tại nước ngoài thực ra ranking tại quốc gia đó không cao, nhưng khi các bạn có điều kiện đi học ở nước ngoài là bỏ luôn 2-3 năm học trong nước. Tuy nhiên quá trình chuyển tiếp ngược cũng có cái hay cho các trường đại học trong nước. Hãy nhìn nhận lại độ hấp dẫn của các trường đại học trong nước trong giai đoạn này. Chúng ta đã bàn về điều kiện này, thầy Thảo cũng chia sẻ, tùy từng chương trình chúng ta sẽ có những điều kiện tiếp nhận sinh viên, và các sinh viên cứ mạnh dạn lựa chọn cho mình.

Theo CP