Xuất phát thấp
Sinh ra với căn bệnh thoái hóa võng mạc thị lực của Lê Hương Giang chỉ 1/10 ở một bên và mù hẳn ở bên còn lại. “Bố mẹ đã chạy chữa nhiều từ đông y sang tây y. Thậm chí bố mình còn lặn lội vượt hàng chục cây số, đến những nơi vùng sâu vùng sa tìm những thầy lang mà người ta mách chữa được bệnh cho mình”. Lê Hương Giang nhớ lại.
Cuộc sống Giang hoàn toàn bước sang một trang mới vào mùa hè lớp 4 khi 1/10 thị lực Giang không còn, Mọi việc đều trở nên khó khăn từ việc đi lại, sinh hoạt đến học tập đều gặp cản trở. Giang bắt đầu học chữ nổi (một loại chữ người khiếm thị có thể dùng tay đọc), máy tính cài trình đọc màn hình, cô học định hướng trong bóng tối, làm quen tự lập một số các hoạt động sinh hoạt như: đi lại, bắt xe buýt,…
Điều khiến Giang sợ hãi khi mất hoàn toàn thị lực không phải bóng tối, Lê Hương Giang chia sẻ: " Một thời gian mình rơi vào trầm cảm bởi ở trường mình không thể kết nối được với các bạn mắt sáng. Mình không biết chủ đề các bạn nói chuyện là gì? Các bạn đang theo dõi một chương trình hay một clip âm nhạc gì. Mình hoàn toàn không có bạn thậm chí thi thoảng mình còn phải đối diện với những trò đùa của các bạn”.
Vươn lên từ bóng tối…
Hoàn toàn mất thị lực, sống thu mình bởi sự tự ti không ai nghĩ một cô bé xuất phát điểm thấp có thể vươn lên tỏa sáng.
“Ở những năm cấp II, mình lần lượt thấy các anh chị khiếm thị nghỉ học dù ở trong lớp một vài anh chị khiếm thị có thành tích đứng ở vị trí nhất nhì so cả với các bạn bình thường. Lý do một phần do anh chị thiếu tin tưởng ở chính bản thân mình: khiếm thị thì làm sao có tương lai, học cũng chỉ đến thế. Cũng vài người do bố mẹ ngăn cản. Từ đó có một cái gì đó nảy nở trong đầu mình. Mình muốn được đi học đại học để chứng minh cho chính những người khiếm thị rằng xã hội vẫn mở cửa cho chúng ta nếu chúng ta thực sự có khả năng và sự cố gắng. Chứng tỏ với gia đình có conkhiếm thị con cái của họ vẫn còn tương lai và mình là một trong rất nhiều ví dụ. Mình định hướng sẽ học khoa tâmlý trở thành người gỡ bỏ những rào cản trong chính bản thân cộng đồng mình cũng như gia đình các em”, Giang tâm sự.
Có mục tiêu rõ ràng, Lê Hương Giang như trở thành một con người khác. Cô nộp hồ sơ vào trường Trung học phổ thông Thăng Long - một môi trường có duy nhất Giang là người khuyết tật. Giang xây dựng cho mình kỹ năng để có thể hòa nhập với các bạn học sinh bình thường. Cô nàng 9x cũng tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa và đạt được những thành công nhất định. Năm 2012 Lê Hương Giang đạt giải 3 của cuộc thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT (intel isef)với phát minh máy đếm tiền và phân biệt tiền thật, tiền giả rồi phát ra tiếng nói cho người khiếm thị Giang nhận được giải 3 quốc gia. Cũng chính nhờ giải thưởng cao quý này, Giang là một trong những học sinh được đặc cách tuyển thẳng vào khoa Tâm Lý - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, hoàn thành ước mơ của mình. Năm 2013 Giang tham gia cuộc thi: Thách thức công nghệ thông tin cho thanh niên khuyết tật nhận được huy chương đồng. Cô cũng là quán quân của cuộc thi người dẫn chương trình: The next MC do thành đoàn Hà Nội tổ chức.
Hành trình truyền cảm hứng
Hình ảnh một cô MC khiếm thị với chất giọng ngọt ngào, nụ cười tự tin dẫn Cafe sáng đã tạo được ấn tượng lớn trong lòng khán giả. MC khiếm thị đầu tiên của VTV nói:“Sau khi mình dẫn Café sáng mình nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Mình nhận được thư của một bác cự chiến binh. Ngay cả các cô bác nông dân có một lần mình về nông thôn cũng nhận ra cô MC khiếm thị. Thật hạnh phúc khi mình đã truyền được một chút gì đó cảm hứng sống cho mọi Người”.
Hương Giang là một trong những MC của Cafe sáng với VTV3
Phía sau ánh đèn sân khấu, Giang trở lại với công việc của một nhà tâm lý. Cô gái trẻ đang theo học chương trình Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng bên cạnh công việc tham vấn tâm lý để giúp đỡ những người có rào cản bước qua nỗi sợ của chính mình.
Giờ làm việc, check mail của Giang thường bắt đầu sau 11h giờ. Trong gmail công việc, nhiều người tìm đến Giang để mong muốn được giúp đỡ. Cô gái 9X kiên nhẫn đọc từng lá thư gửi đến và cẩn thận trả lời từng khách hàng cần cô giúp đỡ.
Gần đây, Giang đồng hành cùng mạng lưới "Cha mẹ có con mắc ung thư", trong đó, có nhiều bạn không thể qua khỏi. Thay vì để cha mẹ chìm vào nỗi buồn hay tự xoay xở trong cảm xúc hoang mang khi sắp phải nói lời tạm biệt với con cái, cô giúp cha mẹ cùng con thực hiện những giấc mơ còn dang dở.
Những phản hồi tích cực về chuyển biến tâm lý của cha mẹ hay niềm vui của những bệnh nhân ung thư nhí có thể thực hiện ước mơ còn dang dở khiến cô gái trẻ vững niềm tin hơn vào con đường mình đang đi.
Việc trở thành một chuyên gia tâm lý giúp Giang tự điều chỉnh cảm xúc của mình hay cho phép cô khai thác các nhân vật chân thành, khéo léo hơn khi dẫn dắt các chương trình truyền hình. Giang kể: "Việc học các kỹ năng về tâm lý giúp mình có điểm dừng để không hỏi quá sâu vào các nỗi đau của nhân vật và giúp nâng đỡ một phần tâm lý của họ".
Ở chiều ngược lại, việc làm một MC giúp Giang có thể dễ dàng trao đổi, trò chuyện với nhân vật tự tin, lưu loát hơn. Hai công việc có thể khác nhau ở cách thức thực hiện nhưng giao nhau ở điểm chung khi đều lan tỏa niềm cảm hứng sống đầy, sống trọn vẹn.

Bên cạnh công việc làm người dẫn chương trình, Hương Giang còn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng.
"Sứ mệnh sống của Giang là giúp những người xung quanh sống cuộc đời mà họ muốn. Ai cũng sẽ có những nỗi đau và khó khăn riêng, bằng chuyên môn mình hay đơn giản là nguồn năng lượng tích cực mình mang, Giang muốn giúp mọi người tự tin, mạnh mẽ vượt qua những rào cản để sống cuộc đời hạnh phúc hơn thay vì những nỗi đau và ân hận", nữ MC tâm sự.
Với Giang, cuộc sống là chuỗi những khó khăn, chỉ khác, điều này đến với những người khuyết tật sớm hơn. Thế nên, thay vì để bóng tối của nỗi buồn cuốn lấy, mỗi ngày, nữ MC 9X luôn tiến bước sống đầy cũng với những khả năng và sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua những rào cản, từng bước lật mở các trang mới trong trong cuộc đời với niềm hạnh phúc và tích cực. Hành trình của Giang đang đi, cũng là chặng đường những người khiếm thị như cô sẽ bước tiếp để khẳng định năng lực bản thân và chứng minh người khuyết tật có thể làm tốt nếu được trao cơ hội.
Với nỗ lực vươn lên và đóng góp cho cộng đồng, Hương Giang vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương hội liên hiệp thanh niên Việt nam “Là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa Sáng Nghị Lực Việt năm 2020”, Giải thưởng “Gương mặt trẻ Thủ Đô tiêu biểu năm 2019” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội tặng, Danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” của Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà nội tặng...
Đặc biệt, dịp này, Hương Giang vinh dự nhận giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức tối 14/10 vừa qua tại Hà Nội.
Giải thưởng "Thanh niên sống đẹp" là giải thưởng thường niên do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức. Các cá nhân được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” là các thanh niên tiêu biểu, có việc làm, nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ khó khăn với cộng đồng, truyền năng lượng tích cực cho xã hội đặc biệt là các bạn trẻ. Mỗi cá nhân đạt giải thưởng sẽ được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và giải thưởng trị giá 10 triệu đồng. Năm nay, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” cho 20 gương thanh niên tiêu biểu trên cả nước vào tối 14/10 vừa qua tại thủ đô Hà Nội. |