Tham dự Hội thảo có ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cùng lãnh đạo Vụ công tác học sinh, sinh viên và các phòng, ban của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Cục phát triển thị trường; cùng các cán bộ, giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên đến từ hơn 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Miền núi phía Bắc.
Toàn cảnh Hội thảo.
Năm 2019,Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, với 5 nhiệm vụ chính, đó là: Đẩy mạnh thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các diễn đàn giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; Tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên; thúc đẩy cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tạo không gian khởi nghiệp dùng chung cho học sinh, sinh viên trong nhà trường khởi nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, với mong muốn cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm khơi nguồn cảm hứng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và muốn nghe tiếng nói từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chia sẻ những mô hình hay, cách làm hay tại trường của mình; đồng thời cũng trao đổi các khó khăn, vướng mắc khi triển khai Đề án tại cơ sở, để rút kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng và phát triển mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở của mình.
Trong một buổi chiều, Hội thảo đã được nghe nhiều ý kiến rất có giá trị từ các nhà quản lý, từ các chuyên gia, các ý kiến tham luận đến từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là những chia sẻ của chính các em học sinh, sinh viên cho thấy việc phát triển mô hình, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là một thách thức vô cùng lớn, song cũng là cơ hội cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vươn lên.
Quyết định 1665/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/10/2017. Mục tiêu của đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; ít nhất 90% học sinh, sinh viên của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trường trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thực, được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; 100% các đại học, học viện, trường đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất 02 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm…v.v. |
Hoàng Long