“Tiền mất, tật mang”
Với tính chất công việc bận rộn, thường xuyên mua hàng qua mạng nên chị Nguyễn Thị Hồng Hoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, đầu tháng 8 có đặt mua một cuốn sách cho con qua một tài khoản tiktok có hàng nghìn lượt theo dõi. Trên mạng, hình ảnh cuốn sách đăng bán đẹp và quảng cáo là sách thật 100% nhưng khi nhận sách thì hoàn toàn thất vọng vì chất lượng giấy kém, chữ in không rõ. Chị liên lạc với người bán để phản ánh về sản phẩm thì chỉ nhận được sự im lặng.
Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh đang tìm hiểu địa chỉ mua sách giáo khoa, sách tham khảo uy tin |
Trên thực tế, hiện nay nhiều người mua trực tuyến không dễ dàng nhận biết được sách thật hay giả. Bởi khi quảng cáo và giới thiệu thì hình ảnh khác, lúc nhận hàng, chất lượng lại ngược lại. Điều đáng nói là, sách giả, sách lậu được in ấn tinh vi rất giống sách thật, ngay cả một số người bán hàng cũng khó phát hiện sự khác nhau, trừ khi lật từng trang sách đọc vào nội dung, bắt gặp hình ảnh, chữ in kém chất lượng mới biết được.
Từng không may sử dụng sách giả, sách in lậu, em Trần Tiến Hoạt, học sinh lớp 8, trường THCS Yên Hòa (Cầu Giấy) bày tỏ: “Đã có lần mình đặt mua trúng sách giả, đến khi học thì có nhiều trang in sai bài, lỗi chính tả khiến mình gặp khó khăn trong việc học”.
Lo ngại mua phải sách giả, sách lậu, nhiều phụ huynh đã lựa chọn đặt mua sách giáo khoa cho con tại trường |
Rút kinh nghiệm từ những năm học trước vì đã mua phải sách lậu ở những cửa hàng nhỏ lẻ, năm nay, chị Nguyễn Việt Hương (Long Biên, Hà Nội) đã chuẩn bị sách, vở cho con đầy đủ từ rất sớm. “Năm ngoái, khi tôi bỏ thời gian để chọn sách mới thấy, có rất nhiều sách tham khảo là sách in lậu. Tôi thực sự lo lắng không biết chất lượng sách mua bên ngoài có đảm bảo cho con học hay không. Cho nên, năm học này tôi quyết định chỉ đặt sách từ nhà trường thôi”, chị Hương bày tỏ.
Khó phân biệt
Mối lo ngại của cả phụ huynh và học sinh không phải là vô cớ khi gần đây nhiều vụ việc kinh doanh sách giáo khoa giả đã bị phát hiện. Các cuốn sách giả còn được các đối tượng dán mã vạch hay tem chống hàng giả giống y hàng thật khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý.
Sách giả, sách lậu được in ấn tinh vi giống như sách thật (ảnh minh hoạ) |
Là người trong giới kinh doanh sách nhiều năm nay ở phố Ngọc Lâm, Long Biên (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Để phát hiện sách giả, phải có thời gian để đọc hoặc nhìn thật kỹ. Bởi nhìn bề ngoài và lướt qua nội dung thì cuốn sách rất giống nhau về màu sắc, hình ảnh. Tuy nhiên, nhìn kỹ có sự khác biệt như: sách thật giấy in mịn còn sách giả, giấy thô, trong trang sách có thể bị in thiếu bài hoặc sai một số nội dung, hình ảnh… Khi mua sách, khách hàng cần kiểm tra tem chống giả, nếu là tem giả, chỉ cần gỡ nhẹ là chiếc tem đã bong ra. Tuy nhiên, nếu là sách thật thì tem rất khó bóc, khi giơ lên ánh sáng sẽ thấy rõ logo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, còn sách giả thì không có”.
Có thể thấy rằng, một bộ phận người tiêu dùng muốn mua những cuốn sách giá rẻ, được chiết khấu cao đã vô tình tiếp tay cho sách giả, sách lậu tràn lan. Ngoài ra, chế tài cho các hành vi buôn bán sách giả, sách lậu cũng chưa thật sự mạnh nên những loại sách này cứ chuẩn bị vào năm học mới lại có tình trạng “đến hẹn lại lên”.
Sách giả, sách lậu khó phân biệt khiến người tiêu dùng hoang mang |
Với các thủ đoạn tinh vi, những bộ sách lậu có thể dễ dàng qua mắt người tiêu dùng. Do đó, người dân cần đến các cửa hàng, đại lý của công ty sách và thiết bị trường học hoặc hệ thống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để tránh mua phải hàng giả. Bên cạnh đó, ý thức của các phụ huynh cũng rất quan trọng trong việc ngăn chặn, không tiếp tay cho các đối tượng xấu lợi dụng tâm lý muốn mua giá rẻ của người tiêu dùng để vi phạm pháp luật.
Theo Tuoitre