Nhiều công ty khác cũng đăng tuyển công nhân may, lao động phổ thông cũng như nhiều vị trí công việc khác không giới hạn số lượng. Chưa kể đây cũng là thời điểm nhiều xưởng may nhỏ quy mô gia đình từ 3 - 10 người đang cần tuyển lao động.
Khó tuyển công nhân may
Ghi nhận nhanh tình hình tuyển dụng tại quận 12 và Bình Tân, nhiều công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất, mở thêm chuyền mới và đang cần tuyển đến vài trăm công nhân. Một số công ty có quy mô nhỏ hơn cũng cần tuyển từ 20 - 100 người, từ công nhân đến tổ trưởng, kiểm hàng, bảo trì máy với mức lương 8 - 16 triệu đồng.
"Công ty có kế hoạch tăng thêm vài chuyền nên cần chừng 250 lao động. Doanh nghiệp mong tuyển được công nhân đã có tay nghề, khó quá mới tuyển lao động chưa có tay nghề vào đào tạo" - ông Lê Văn Quang, phụ trách tuyển dụng Công ty may mặc BN Jeans (quận 12), cho biết.
Theo ông Quang, vài năm trở lại đây việc tuyển dụng công nhân may có tay nghề tại TP.HCM khá khó khăn khi phải cạnh tranh với các nhà máy lân cận ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều lao động cũng đến công ty hỏi thăm nhưng "đa phần vẫn đang rà rà, chưa ứng tuyển ngay".
Để thu hút, công ty này đưa ra chế độ thưởng hỗ trợ công nhân có tay nghề với mức 1,5 triệu đồng cho tháng đầu tiên, 1 triệu đồng tháng thứ hai và 1,5 triệu đồng tháng thứ ba. Nếu công nhân có nhu cầu học may sẽ được dạy nghề miễn phí cùng khoản hỗ trợ lương học nghề.
Trong khi đó, hầu như toàn bộ người lao động Công ty may mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) đã quay trở lại làm việc ngay trong ngày đầu tiên. Chủ tịch công đoàn công ty Trần Thanh Sơn cho biết công ty hiện đang tuyển thêm khoảng 300 lao động cho kế hoạch mở bốn chuyền may mới.
"Về đơn hàng không thể nói chắc được nhưng doanh nghiệp vẫn phải chủ động chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân công thì đối tác mới xem xét đặt hàng. Công nhân nếu có tay nghề, chịu khó, thu nhập mỗi tháng sẽ khoảng 10 triệu đồng trở lên nhưng cần làm ổn định, quen mặt hàng mới có thể đạt thu nhập tốt" - ông Sơn nói.
52.000 việc làm chờ người
Báo cáo nhanh của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết TP cần khoảng 52.000 nhân lực sau Tết Nguyên đán 2024. Trong đó các ngành thương mại - dịch vụ chiếm 71%, công nghiệp - xây dựng 29%, nông - lâm nghiệp và thủy sản 1%. Khoảng 87% nhu cầu tuyển dụng là lao động đã qua đào tạo, trong đó trình độ sơ cấp 20%, trung cấp 28%, cao đẳng 20% và đại học trở lên 20%.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) - nói nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sau Tết tăng cao cùng với việc ghi nhận nhiều doanh nghiệp có đơn hàng sản xuất quay trở lại.
Theo đăng ký tại trung tâm này và các sàn giao dịch việc làm khác, hiện 102 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với khoảng 19.300 vị trí. Nhu cầu tuyển tập trung ở các ngành da giày - may mặc gần 43%, lao động phổ thông 12%, kinh doanh - quản lý 11%, công nghệ thông tin 6%, kỹ thuật - cơ khí 5% và các ngành nghề khác 23%.
Cạnh đó, trung tâm cũng ghi nhận có 17.000 nhu cầu tìm việc trước và sau Tết Nguyên đán. Nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung tại các ngành nghề quản trị văn phòng, lao động phổ thông, kinh doanh - quản lý, kế toán - kiểm toán, công nghệ thông tin và một số ngành nghề khác.
Sẵn sàng hỗ trợ người lao động
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết sẽ hỗ trợ kết nối người lao động ngay tại các bến xe, nhà ga. Hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thuộc sở đã có các bàn tư vấn, phát tờ rơi tại các bến xe: Miền Đông, Miền Tây, An Sương và Ga Sài Gòn để tiếp nhận đăng ký và giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động.
Hoạt động hỗ trợ người lao động tìm được việc làm uy tín, hạn chế tình trạng lừa đảo người lao động thông qua hình thức môi giới việc làm từ các đơn vị không được cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Đồng Nai: hơn 90% lao động trở lại làm việc
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho hay hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn đã làm việc lại với hơn 90% lao động trở lại sau Tết. Ông Lê Nhật Trường - chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) - cho biết trong ngày đầu đi làm, khoảng 99% trong gần 18.000 lao động đã quay lại làm việc. Công ty này ghi nhận tín hiệu tích cực khi có kế hoạch tăng ca ngay ngày đầu làm trở lại.
Ông Đinh Sỹ Phúc - chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) - thông tin công ty khởi động từ ngày 16-2 và khoảng 90% trong tổng số gần 32.000 lao động đã quay lại làm việc từ ngày đầu tiên với tinh thần phấn khởi sau kỳ nghỉ dài.
"Hiện 98% người lao động đã quay lại làm việc. Công ty tiếp tục đón nhóm công nhân ở quê xa trở lại là đầy đủ. Công đoàn phối hợp công ty đã lì xì cho toàn thể người lao động quay lại làm việc đúng ngày quy định với số tiền gần 6,5 tỉ đồng. Và chuẩn bị 50 chỉ vàng để tặng cho công nhân may mắn trúng thưởng" - ông Phúc cho biết.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, khoảng 150 doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển hơn 14.000 lao động, gấp đôi so với cùng kỳ 2023, lao động phổ thông chiếm 96%. Đặc biệt, các doanh nghiệp may mặc, giày da đã tuyển dụng trở lại với nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn.
Bình Dương: doanh nghiệp ra đường tuyển người
Ghi nhận ở một số khu công nghiệp lớn như VSIP 1, Đồng An 1, Sóng Thần 1 tại Bình Dương cho thấy nhiều doanh nghiệp lớn đã treo bảng thông báo và có bàn tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng. Nhiều người cũng chuẩn bị hồ sơ đến nộp.
Các nhà máy may mặc có nhu cầu tuyển lao động phổ thông số lượng lớn. Tuy nhiên, chỉ lao động có tay nghề được săn đón, trong khi lao động chưa có tay nghề hoặc lớn tuổi sẽ ít cơ hội hơn.
Trong khoảng 1km đường ĐT743 (giáp giữa TP Thuận An và Dĩ An) có ít nhất năm nhà máy treo thông báo tuyển dụng, mỗi nơi có nhu cầu tuyển từ 300 - 1.000 lao động phổ thông. Công ty TNHH may mặc Leading Star Việt Nam thông báo tuyển lao động nhiều vị trí khác nhau lên đến 1.000 người, có bàn tiếp nhận ngay các cổng công ty. Các doanh nghiệp hứa hẹn mức thu nhập từ 8 - 14 triệu đồng/tháng.
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết tổng hợp từ các cơ quan cho thấy tỉ lệ công nhân trong và ngoài khu công nghiệp trở lại nhà máy làm việc năm nay đều rất cao. Khoảng 94% doanh nghiệp và hơn 90% lao động trở lại làm việc. Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có 90% lao động trở lại, tỉ lệ này ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp là hơn 91%.
Dự báo sáu tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp tại Bình Dương có nhu cầu tuyển thêm 25.000 - 30.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%.
Theo Tuoitre