Sáng kiến nhân văn của cậu học trò phố núi

Với việc thực hiện nhiều sản phẩm sáng tạo, Nguyễn Hoàng Sơn, Bí thư chi đoàn 11A1, trường THPT Gia Phù, Phù Yên (Sơn La) được bạn bè yêu mến đặt cho biệt danh "giáo sư". Trong đó, cậu học trò 17 tuổi này đã sáng chế robot hỗ trợ điều trị tự kỷ cho trẻ em và website học trực tuyến dành tặng cộng đồng.

Nguyễn Hoàng Sơn cũng là gương mặt nhỏ tuổi nhất vinh dự được nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2020 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Website học ngoại ngữ miễn phí

Đam mê tin học nên từ năm học lớp 6, Sơn đã lên mạng internet học và lập phần mềm đầu tiên “Học và chơi toán 6”. Với phần mềm này, người chơi sẽ lựa chọn từng cấp độ từ dễ đến khó, trong đó có nhiều kiến thức liên quan đến toán lớp 6. Để phần mềm thêm hấp dẫn, cậu học trò đã đưa nhân vật anh hùng đi giải cứu thế giới để thu hút các bạn học sinh.

Tuy nhiên, lúc này Sơn cũng nhận ra nhiều vấn đề bất lợi khi làm phần mềm offline như: Bài tập trong phần mềm nhanh lỗi thời, học sinh nhanh chán, khó phân phát đến những bạn có hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế, câu học trò quyết định chuyển hướng sang online.

“Lúc đó em ủ ấp nhiều ý tưởng về một website học ngoại ngữ miễn phí như: Phải đẹp, phù hợp với mọi lứa tuổi, học sinh có thể vừa học vừa chơi, học viên không có cảm giác chán nản khi học… Em đã bắt tay vào thực hiện nhưng làm một website đối với em lúc đó rất khó. Đó là lần đầu em biết đến các ngôn ngữ lập trình”, Sơn kể.

Cậu học trò phố núi đã miệt mài vừa làm vừa học suốt mấy tháng và cuối cùng cũng có được một website. Tuy nhiên, nó còn đơn giản và mới chỉ có chức năng thảo luận và lưu trữ dữ liệu học tập. Không ngại khó, Sơn tiếp tục thực hiện và quảng bá sản phẩm tới các bạn học sinh. Niềm vui đến khi có những người dùng đầu tiên, đó cũng là động lực để cậu học tiếp tục cố gắng.

Với sự hỗ trợ của hai người bạn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt sự giúp đỡ về kiến thức, máy chủ của một thầy giáo ở trường đại học Tây Bắc, Sơn đã hoàn thiện website với nhiều tính năng ưu việt. Hiện nay, webite học ngoại ngữ với tên gọi HotaVN đã trở thành sân chơi học tập vui nhộn với số bài học ngày càng đa dạng.

“Sau 4 năm cố gắng vừa học vừa làm em đã thực hiện được sản phẩm. Giờ đây web đã có nhiều thành viên và các bài học đa dạng, đặc biệt hoàn toàn miễn phí. Học sinh toàn quốc không phân biệt giàu nghèo chỉ cần có một chiếc điện thoại kết nối internet là đã có thể vào HotaVN học những bài học vui nhộn. Đặc biệt, website giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn tới kiến thức mới một cách dễ dàng”, Sơn hào hứng chia sẻ.

Robot dành tặng trẻ em 

Không chỉ sáng tạo website học ngoại ngữ miễn phí, Sơn còn là chủ nhân của sản phẩm “Robot hỗ trợ bác sĩ chữa bệnh tự kỷ cho trẻ em”. Chia sẻ về ý tưởng này, Sơn cho biết, cậu nhận thấy trong cuộc sống ngày nay nhiều trẻ em có nguy cơ cao bị mắc bệnh trầm cảm. Phần lớn do bố mẹ để con ở nhà một mình, trẻ phải tự chơi, tự lo một số công việc và bị giới hạn bởi không gian bó hẹp... đặc biệt là trẻ thành thị.

“Hè năm 2018, em có dịp về quê ngoại ở Thái Thụy, Thái Bình. Cạnh nhà ông bà ngoại có lớp học cho trẻ tự kỷ nên em sang chơi. Khi ấy, em càng mong muốn làm được điều gì đó để giúp các em nhỏ. Ý tưởng robot hỗ trợ chữa tự kỷ cho trẻ em đã ra đời từ đó”, Sơn chia sẻ.

Để biến ý thưởng thành hiện thực Sơn lên mạng internet đặt mua các linh kiện rồi tự lắp đặt. Sau 2 tháng, sản phẩm hoàn thiện. Robot có hình dáng chiếc xe với 4 bánh, di chuyển theo sự điều khiển của người sử dụng được gắn với phần mềm đã lập trình và kết nối điện thoại thông minh.

Robot có các chức năng: Vui chơi, dạy trẻ em học bài, múa, nghe và nói những câu đơn giản.  Đặc biệt nó có thể hỗ trẻ em bị trầm cảm, tự kỷ, chụp ảnh theo dõi biểu hiện của trẻ và gửi tới bác sĩ điều trị; tạo khuôn mặt biểu cảm tương tác với trẻ theo lệnh từ bác sĩ điều trị từ xa thông qua internet…

Ngoài 2 đề tài trên,  Sơn còn tham gia cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 4, năm 2019”, với sản phẩm “Phần mềm đánh giá điểm xã hội con người và quản lý tài khoản, thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt” và đã đoạt giải Nhất.

Phần mềm rất tiện lợi và có tính ứng dụng cao. Người dùng chỉ cần lấy điện thoại nhận diện khuôn mặt là có thể thanh toán được tiền thông qua tài khoản. Ngoài ra, sản phẩm còn có chức năng đánh giá điểm xã hội của một người nào đó thông qua bình chọn của cư dân và Chính phủ. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp, ngân hàng tham khảo, quyết định bán sản phẩm hay cho vay tiền...

Thích thú với trí tuệ nhân tạo

Ngoài những sản phẩm sáng tạo, 10 năm liền, Sơn luôn là học sinh giỏi toàn diện. Năm học 2018 - 2019 cậu học đạt danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương và hàng loạt giải thưởng ở nhiều lĩnh vực như: Giải Nhì cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” và “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông”...

Đặc biệt, với cương vị Bí thư chi đoàn, Sơn luôn năng nổ tham gia và tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện trong và ngoài nhà trường như: Chương trình “Hoa phượng đỏ”; vòng loại cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" qua Internet; Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Tin học và tiếng Anh" trường THPT Gia Phù.

Vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động nên Sơn gặp chút khó khăn trong sắp xếp thời gian để cân bằng mọi việc. “Khi học bài em rất tập trung nên vẫn có thời gian tham gia các hoạt động Đoàn cấp trên phát động. Luôn cố gắng hết mình, hoàn thành một cách tốt nhất và có hiệu quả cao là phương châm của em”, Sơn chia sẻ.

Sơn cho biết thêm, tương lai, cậu rất muốn được đi du học tại Mỹ và thích thú với trí tuệ nhân tạo. Nếu có thể Sơn sẽ cố gắng giành được một suất học bổng toàn phần để đi du học. Trong trường hợp không đủ điều kiện, cậu học trò sẽ phấn đấu thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành trí tuệ nhân tạo. Sơn hy vọng từ nền tảng này sẽ có thêm nhiều sản phẩm sáng tạo để phục vụ cộng đồng.

Theo Tuổi trẻ Thủ đô

T.LN3