Sức trẻ Trường Sa vượt sóng gió

(CTG) Ðoàn công tác của tỉnh Nghệ An với các cán bộ Ban Tuyên giáo, HÐND và đại diện các sở, ngành đã 12 ngày đêm trên con tàu HQ 957 cùng bộ đội Hải quân Vùng D đến thăm các cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa và nhà GIÀN DK1. Hành trình trên biển đến với bộ đội các đảo, đã để lại trong mỗi thành viên đoàn công tác nhiều ấn tượng không thể quên về những người lính trẻ Trường Sa.

Nối liền biển xa

Ðược thông báo còn năm hải lý nữa mới tới đảo Ðá Lớn nhưng ai cũng nóng lòng, mọi người lên cả boong tàu, hướng về mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi. Ngôi nhà lớn trên đảo rõ dần trong nắng sớm như một pháo đài vững chắc, sừng sững giữa bốn bề sóng biển. Trên đó,  những người lính trẻ trong trang phục hải quân trắng sáng đang chờ đợi.

Ðặt chân lên  đảo thương yêu, lòng rưng rưng cùng những nụ cười rạng rỡ, thân mật, những cái xiết tay thật chặt. Niềm vui bừng lên trong ánh mắt mọi người. Chiến sĩ trẻ Cao Xuân Bảo, sinh năm 1980, quê ở huyện Diễn Châu, nước da sạm đen vì gió biển, xúc động nói: Chúng em chờ đoàn đã suốt cả  tuần nay. Giờ thì vui hơn cả Tết. Mong đoàn ở lại với đảo lâu lâu một chút.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Mỗi người chúng tôi nhanh chóng tỏa ra đi thăm nơi ăn, nghỉ của bộ đội. Các nữ chiến sĩ đội văn nghệ Bộ đội Biên phòng tỉnh quên hết mệt nhọc vì say sóng, hát hết mình những ca khúc mà người lính đảo yêu thích. Những điệu ví dặm Giận thương, hay "Khúc hát sông quê"... tha thiết vang lên đã làm dịu đi nắng gió Trường Sa. Và dường như cái khắc nghiệt của nắng và gió Trường Sa suốt bốn mùa càng làm cho những người lính đảo thêm rắn rỏi, chắc tay súng nhưng không thể làm mất đi sự tươi trẻ, lòng yêu đời của những người lính đảo nơi này. Thiếu tá Hoàn Viết Tiến, Chính trị viên đảo đảo Ðá Lớn, cho biết: Ở đảo, chúng tôi quan sát màn hình ra đa suốt 24 giờ trong ngày. Ở đây, anh em xem được truyền hình Việt Nam, nghe được Ðài Tiếng nói Việt Nam. Ðảo đã được tặng dàn ka-ra-ô-kê, ngoài giờ trực, anh em vẫn thường hát cho nhau nghe.

Rời Ðá Lớn, tàu tiếp tục hành trình tới các đảo Nam Yết, Sinh Tồn đông, Len Ðao, Trường Sa lớn, Trường Sa đông, Ðá Ðông A, Ðá Tây C và nhà giàn DK1.  Mặc dù được sự quan tâm ủng hộ rất nhiều từ đất mẹ, nhưng với khoảng cách không gian vời vợi, quanh năm sống giữa bốn bề sóng nước, chúng tôi cảm nhận rất rõ những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ trẻ Trường Sa. Ðã nhiều tháng nay Trường Sa không có mưa. Ðể tiết kiệm nước ngọt dự phòng, mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ dùng không quá năm lít nước trong ngày. Tuy thiếu nước nhưng ngay trên nhà dàn DK1 vẫn có đủ các loại rau, từ cải lá, cải củ, rau muống, mồng tơi đến lá lốt, sả, lộc quế, đinh lăng... những cây chanh, khóm mía đều xanh tốt. Ngỡ như vườn rau của một gia đình siêng năng ở quê vậy.

Tới bất cứ đảo nào, chúng tôi cũng nhận được tình cảm tin cậy khi nhìn những gương mặt người lính trẻ rắn rỏi, cương nghị. Ðại úy Chu Văn Phượng, Ðảo trưởng đảo  Len Ðao, đã có năm  "tăng" liên tiếp với hơn 60 tháng bám trụ trên nhiều đảo ở Trường Sa, cho biết: Dù khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn nêu cao cảnh giác, quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi tàu cá của ngư dân khi bị hỏng, thiếu nước ngọt hay chẳng may đau ốm giữa trùng khơi.

Ðiểm tựa niềm tin

Ðảo Trường Sa Lớn là thủ phủ của quần đảo Trường Sa. Trên đảo có đầy đủ các cơ quan hành chính của một đơn vị cấp huyện, có nhà văn hóa, trường học khang trang. Ðã có khá nhiều hộ dân  ra sinh sống và làm ăn nơi đảo xa, được chăm sóc đầy đủ. Ðêm Trường Sa lung linh ánh điện. Ðiện chạy bằng năng lượng mặt trời, bằng sức gió, đủ cho các nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu.  Nhiều hộ dân  sắm tủ lạnh, các tiện nghi khác mà không lo thiếu điện, và không phải trả tiền điện. Cuộc sống ở Trường Sa ấm ấp, yên bình như một khối phố, làng quê.

Trường Sa hôm nay có thêm nhiều công trình mới vững chãi, bảo đảm tốt hơn đời sống và sẵn sàng chiến đấu của quân, dân huyện đảo. Ðể Trường Sa luôn không còn xa, để  lá cờ Tổ quốc luôn kiêu hãnh tung bay giữa biển trời Trường Sa- phần máu thịt, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà tổ tiên ngàn xưa và bao thế hệ cha anh đã gìn giữ; cần lắm trách nhiệm của mỗi một người dân đang từng ngày sống bình yên, đủ đầy và hạnh phúc nơi đất liền. Chúng tôi tâm sự với nhau: Chúng ta đã nghe nhiều, xem nhiều, đã tìm hiểu nhiều về những người lính Trường Sa, nhưng phải đến nơi mới thấy những gì mình biết là chưa đủ. Trải nghiệm của chuyến đi cho thấy những gì chúng ta đã làm cho quê hương, đất nước còn nhỏ bé so với hy sinh gian khổ  mà cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đang từng ngày đối mặt và vượt qua.

Tạm biệt Trường Sa, còn đọng mãi trong chúng tôi hình ảnh  cờ Tổ quốc tung bay bên cột mốc chủ quyền trên các đảo, đỏ thắm bên người chiến sĩ hải quân bồng súng đứng gác giữa biển trời xanh thẳm.

Theo Nhân dân