Chủ trì tọa đàm có anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư; anh Vương Giang, Phó bí thư Thành đoàn Thượng Hải (Trung Quốc).
Anh Lê Hải Long (phải) và anh Vương Giang chủ trì tọa đàm |
Lan tỏa ý tưởng hợp tác song phương trong khởi nghiệp
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, anh Lê Hải Long mong muốn lắng nghe, trao đổi giữa thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc về những mô hình hay, cách làm hiệu quả, định hướng, bài học kinh nghiệm trong khởi nghiệp công nghệ và sáng tạo.
Theo anh Long, chủ đề tọa đàm vô cùng thiết thực và mang tính thời sự cao trong bối cảnh kỷ nguyên số, chuyển đổi số đang phát triển trong mọi mặt của đời sống và trên phạm vi toàn cầu, mang lại những giá trị thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Lê Hải Long phát biểu tại chương trình |
"Để có thể nắm bắt thời cơ, vận hội trong kỷ nguyên số đòi hỏi thanh niên - lực lượng tiên phong, xung kích trên mọi mặt trận cần có định hướng rõ ràng đối với những thời cơ và thách thức trong quá trình thay đổi nhận thức, tư duy để đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước", anh Lê Hải Long nói.
Theo anh Long, tọa đàm cũng là dịp sinh hoạt đối ngoại có ý nghĩa thực tiễn lớn, lan tỏa những ý tưởng hợp tác song phương trong khởi nghiệp công nghệ và sáng tạo. Qua đó, thúc đẩy tình hữu nghị sâu sắc hơn giữa thanh niên 2 nước, xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc năng động, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, vững vàng tiên phong trong kỷ nguyên số.
Tại tọa đàm, anh Vũ Gia Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Giải pháp công nghệ quốc tế (ITS), đã đề xuất một số kiến nghị với mong muốn sẽ tạo ra nền tảng hợp tác sâu rộng giữa cộng đồng startup Việt - Trung.
Anh Vũ Gia Luyện hiến kế xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam - Trung Quốc |
"Trước hết, chúng ta có thể cùng xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, dưới sự bảo trợ của các cơ quan chức năng hai nước. Cộng đồng này có tính chất tương tự như Asean Startup Network nhưng mang tính chất liên kết song phương và chặt chẽ hơn trong việc kết nối startup với các nhà đầu tư và chuyên gia của hai nước", anh Luyện nói.
Từ nền tảng trên, hai nước sẽ tập trung vào một số trụ cột hợp tác mang tính chiến lược như công nghệ, đầu tư, trao đổi nhân lực và chia sẻ thị trường.
Đại biểu thanh niên Việt Nam tham dự tọa đàm |
Trong hợp tác công nghệ, hai bên có thể xây dựng các nhóm nghiên cứu và phát triển chung để cùng nâng cao trình độ. Cộng đồng này cũng có thể trao đổi các chuyên gia, cố vấn và tạo các gói học bổng hoặc giao lưu cho các sinh viên và chuyên gia trẻ.
"Từ những sự hợp tác ấy, cộng đồng sẽ đóng vai trò hỗ trợ các startup thâm nhập vào thị trường của nước bạn và chia sẻ đầu tư ra các thị trường khác trong khu vực và quốc tế. Các startup Việt Nam sẽ có cơ hội ở thị trường Trung Quốc trong các lĩnh vực thế mạnh của mình và chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đóng vai trò là cánh cửa giúp các startup Trung Quốc tiếp cận với thị trường ASEAN", anh Luyện chia sẻ.
Khởi nghiệp giống như một cuộc chạy marathon
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Trương Kim Toàn, Phó chủ tịch Liên hiệp Thanh niên TP.Thượng Hải (Trung Quốc), cho rằng hoạt động khởi nghiệp của thanh niên cần phải đồng bộ với chiến lược phát triển quốc gia.
Anh Trương Kim Toàn tham luận tại tọa đàm |
Đặc biệt, thanh niên khởi nghiệp không chỉ đơn thuần chỉ là người giỏi kỹ thuật mà còn cần có khả năng quản trị nguồn lực, nhất là nguồn vốn và con người. Hành trình khởi nghiệp giống như một cuộc chạy marathon, cần sự bền bỉ, kiên định và tính toán chiến lược dài hạn, chứ không chỉ là sự bùng nổ tức thời.
Anh Lưu Sướng - blogger, CEO Công ty TNHH Công nghệ mạng Trùng Khánh Chang Suo Yu Yan (Trung Quốc) chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế số.
Các đại biểu thanh niên Trung Quốc tham gia tọa đàm |
"Chúng tôi lựa chọn hướng đi sáng tạo nội dung video ngắn gắn liền với văn hóa, âm nhạc và cảnh sắc đặc trưng của các địa danh nổi tiếng tại Trung Quốc. Các sản phẩm của chúng tôi đã thu hút hàng chục triệu lượt xem. Rất nhiều khán giả quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn đến trực tiếp các địa điểm này để trekking, khám phá, tìm hiểu văn hóa", anh Sướng cho biết.
Trong đó, anh Sướng cùng đội ngũ nhân sự đã ứng dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) để hiểu rõ hơn về sở thích, hành vi của người xem. Nhờ đó, doanh nghiệp liên tục tối ưu hóa nội dung, lựa chọn địa điểm phù hợp, nâng cao tính hấp dẫn của từng video.
"Tôi cho rằng, video ngắn là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, vừa là công cụ quảng bá văn hóa hiệu quả, vừa là nền tảng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đầy hấp dẫn với giới trẻ", anh Sướng chia sẻ.
Nguồn: Vũ Thơ, Tài Nguyễn/TNO