Sinh ra ở xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hoà, Hà Nội nhưng thầy Quyết đã theo cha vào Nam sinh sống. Điểm dừng chân là thị xã Bạc Liêu, tỉnh Minh Hải ngày đó (nay là tỉnh Bạc Liêu). Tại đây, cái duyên với nghề sư phạm đã đến khi thầy trúng tuyển vào Trường Cao đẳng sư phạm Minh Hải, nơi rèn luyện thầy trở thành người giáo viên đến tận bây giờ.
Những ngày mới vào nghề cũng là giai đoạn đất nước gặp nhiều khó khăn, cơ chế bao cấp, đời sống giáo viên thiếu thốn, có lúc hai, ba tháng không có gạo, phải dựa vào dân, ăn ở cùng dân, dân nuôi và hỗ trợ của gia đình. Cơ sở vật chất lớp học còn nhà tranh vách lá, trang thiết bị phục vụ dạy học hầu như không có, học sinh là dân tộc khmer, trình độ dân trí thấp, phần lớn là các con em hộ nghèo (học sinh lớp 9 mà đồng phục vẫn là quần đùi, chân đất) nhưng thầy vẫn nỗ lực để dạy chữ, động viên học sinh đến lớp chuyên cần.
Thầy giáo Mai Văn Quyết giảng dạy tại lớp
Tuy nhiên, tình yêu nghề trong thầy không giảm đi mà còn được nhân lên từ sự thấu hiểu những khó khăn của học sinh. Vì vậy, trong công tác chủ nhiệm, thầy luôn lập danh sách những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trình lên chính quyền địa phương để các em được miễn giảm các khoản đóng góp, vận động các cấp, các ngành, các mạnh thương quân... cùng vào cuộc nhằm giúp các em giảm bớt được phần nào những khó khăn trong học tập.
Ðáng chú ý, dù các điều kiện dạy và học khó khăn nhưng trong mỗi giờ lên lớp, thầy đều tìm những phương pháp thích hợp nhất, ngoài giờ lên lớp thì gần gũi với học sinh, người dân tìm hiểu thêm về phong tục tập quán sinh hoạt, đời sống văn hóa người dân tộc Khmer để giúp đỡ học sinh dễ tiếp thu bài. Học sinh đến lớp phần lớn giao tiếp bằng tiếng dân tộc tạo "rào cản" về ngôn ngữ. Vì vậy, để học sinh cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bộ môn giảng dạy, thầy đã tự học tiếng dân tộc để hỗ trợ học sinh khi giảng bài. Khi có những từ khó hiểu, thầy có thể dịch ra tiếng dân tộc hoặc tìm các từ tương ứng để giảng giải. Do nắm bắt được những khó khăn của học sinh, trong mỗi giờ lên lớp, thầy chú trọng việc mở rộng vốn từ tiếng Việt cho các em... Từ đó, học sinh tiếp thu bài tốt, đạt kết quả cao.
Không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ học sinh khó khăn, thầy còn liên tục tìm tòi phương pháp dạy hiệu quả, tích cực bám sát các xóm, ấp, vận động học sinh đi học chuyên cần. Ở các ấp giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp. Thầy cũng không quản ngại đến nhà học sinh nhiều lần để động viên các em đi học. Có hôm lặn lội cả chục cây số đến nhà học sinh thuyết phục, động viên các em đi học nhưng vừa đến cổng, bố mẹ học sinh đã đóng cửa không tiếp nhưng không phải vì thế mà thầy sao nhãng việc vận động học sinh đến lớp chuyên cần.
Trải qua hơn 33 năm giảng dạy, với tất cả sự say mê, yêu nghề, cùng với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, giúp đỡ của gia đình, đồng nghiệp, thầy đã bồi dưỡng cho rất nhiều học sinh giỏi đạt kết quả cao. Thầy đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận các cấp trao tặng và đạt nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở; Lao động tiên tiến; Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; Giáo viên có tiết dạy giỏi cấp tỉnh; thành viên của BGK, báo cáo viên trong nhiều hội thi tay nghề giáo viên cấp thành phố và cấp tỉnh; 03 kỷ niệm chương: Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp công đoàn; Kỷ niệm chương vì thế hệ trẻ. Đặc biệt, thầy Quyết vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2021, dự kiến tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều so với các tỉnh khác nhưng thầy vẫn bám trường, bám lớp, coi nơi đây là quê hương thứ hai của mình, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của địa phương và luôn luôn giữ vững kỷ cương, tình thương, trách nhiệm của người giáo viên.
"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm. Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh Covid-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Lễ tuyên dương dự kiến được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội tùy theo tình hình thực tế của tình hình dịch bệnh Covid -19. |