Thư từ Trường Sa: Những con người thầm lặng nơi đảo xa

(CTG) Thị trấn Trường Sa - “thủ đô” của hơn hàng chục đảo thuộc quần đảo giờ đây sầm uất từng ngày. Ngoài lực lượng giữ biển, có những người canh giữ thời tiết, cô giáo, bác sĩ... lặng thầm cùng cuộc sống bên cạnh biển xanh sóng vỗ. Tên họ không nhiều người biết, nhưng các anh, các chị đã góp phần thay đổi dáng dấp của một vùng đất đầy nắng và gió.

    



Cô giáo Hồng (thứ hai, từ trái qua)


Đây là thời tiết Trường Sa

Được đảo trưởng và lãnh đạo thị trấn giới thiệu, giữa đêm tối đen như mực, tôi cùng ông Võ Ngọc Minh - Ủy viên thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tìm đến trụ sở của trạm khí tượng thủy văn. Tiếp chúng tôi, bạn Đào Bá Cao - trạm trưởng - cho biết, trạm có sáu cán bộ nhân viên, một ngày phải gọi điện thoại tám lần về đài khí tượng khu vực Nam Trung bộ báo cáo tình hình quan trắc, để mỗi tối trong chương trình thời tiết của thời sự VTV xuất hiện “thời tiết hôm nay ở Trường Sa ra sao?”.

Cao quê gốc Sơn Tây (Hà Nội). Tốt nghiệp Trường Cán bộ khí tượng thủy văn (nay là Trường Cao đẳng tài nguyên và môi trường), tháng 10-2001, anh tình nguyện xách ba lô ra đảo và công tác đến tháng 1-2004 thì được phân công ra trạm khí tượng Hoài Nhơn (Bình Định). Tháng 3-2004, anh đặt chân đến miền đất Võ, tháng 10 thì lấy vợ là chị Võ Thị Thu Hương và “kịp thời” được hai cháu. Tháng 7-2009, anh được cấp trên điều trở lại đảo lần hai với trách nhiệm mới: trưởng trạm khí tượng. Cán bộ chiến sĩ cho đến người dân thị trấn gọi đùa anh Cao là “giám đốc trạm”, anh chỉ bẽn lẽn cười trừ. “Lần hai ra đảo, tôi thấy cuộc sống, công việc tốt hơn nhiều, được đầu tư hiện đại hơn”. So với lần đầu ra đảo, trạm đã có điện thoại để báo cáo tin tức hằng ngày thay máy vô tuyến điện. 8 obs quan trắc (đo số liệu) mỗi ngày được thực hiện bằng máy móc và trực quan như quan trắc mây, tầm nhìn xa, các hiện tượng thời tiết.

“Giám đốc” thời tiết nói thêm, mỗi ngày trạm có hai cán bộ trực về khí tượng và đo đạc hải văn. Người nhỏ nhất trạm là Trần Văn Linh, quê Thanh Hóa, sinh năm 1987, cũng lần thứ hai quay lại đảo. Trạm nhiều lần nhận được bằng khen của Bộ Tài nguyên môi trường, UBND tỉnh Khánh Hòa.

Khó khăn lớn nhất ở trạm là không có ti vi vì máy truyền hình liên tục hư. Ông Hai Minh hứa sẽ vận động và gửi giúp các cán bộ của trạm.

Thị dân nơi đầu sóng ngọn gió

Trường Sa giờ đây tập trung rất nhiều hộ dân từ mọi miền tổ quốc tìm về sinh sống. Anh Võ Văn Trường, SN 1974 và chị Nguyễn Thị Hạnh, gốc ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa là một gia đình như vậy. Họ tự hào là người dân của huyện đảo, đi đầu trong việc góp phần giữ vững đất đai của tiền nhân để lại cho đời sau.

Trong căn nhà mới khang trang, lộng gió trước biển, anh Trường khoe: “Không có nơi nào thanh bình như Trường Sa. Tối đến chúng tôi ngủ không cần khóa cửa, không sợ mất tài sản vì mọi người bảo nhau phải giúp đỡ nhau mà sống ở nơi đầu sóng ngọn gió”. Giống như các hộ khác, anh Trường và chị Hạnh tham gia nấu ăn cho bộ đội mỗi ngày. Lúc rảnh rỗi, anh và thanh niên trai tráng lại dong thuyền ra khơi để săn cá san hô, cá bò, cá nhám, cá ngừ đại dương. Ăn không hết, người dân lại bán cho bộ đội, một cân cá ngon là ba chục nghìn đồng.

Trên miền đất mới, anh chị lần lượt sinh hạ ba cháu. Các hộ láng giềng cũng trong hoàn cảnh tương tự. Những đứa trẻ lớn lên trên huyện đảo chắc nịch như cây phong ba trước đại dương.

“Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau...”

Những thế thệ công dân tương lai của Trường Sa lần lượt chào đời. Nhưng ai sẽ là người dạy chúng cái chữ? Đó là lí do khiến cô giáo Bùi Thị Nhung, nguyên giáo viên của trường tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa cùng chồng là anh Đặng Thanh Chương vượt đất liền mang chữ ra đảo.

Dù gia đình có một cháu nhỏ là Đặng Bùi Quốc Anh, năm tuổi nhưng cô Nhung vẫn hoàn thành nhiệm vụ xóa mù và “trồng người” trên đảo. “Các cháu trên đảo rất ngoan, được cấp sách vở để học”- cô giáo tâm sự. Hiện cô giáo đang dạy hơn 10 cháu từ lớp 1 đến lớp 4. Đảo chưa có trường cấp 2, đến lớp 5 phải vào đất liền học tiếp. Công dân đảo có hai cháu đã ra Khánh Hòa học lên cao, hiện có một cháu sắp vào đó. Với mức độ tăng dân số cơ học, ngoài cô Hồng, sắp tới đảo sẽ có một số giáo viên bán chuyên nghiệp phụ thêm việc đào tạo con trẻ, giảm bớt nhọc nhằn cho cô Hồng.

Cả huyện đảo hiện có một số bác sĩ quân y là ê kíp của Bệnh viện 175 (tọa lạc tại quận Gò Vấp, TPHCM) được cử ra Trường Sa để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ, người dân thị trấn và cả cấp cứu cho người đi đánh cá nếu gặp nạn. Trung úy, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cho biết, quân y của đảo có sáu người, gồm: một bác sĩ nội, một bác sĩ ngoại, bộ phận gây mê... Ngọc đến đảo tháng 1-2010, kĩ thuật viên Bình là tháng 4-2010. Hai người đều ở Bệnh viện 175 được cử ra đảo công tác trong thời hạn hơn một năm. “Những ngày đầu ra đây, xa ánh đèn thị thành, tụi tôi nhớ nhà, nhớ sự náo nhiệt lắm, nhưng trên hết là trách nhiệm của mỗi người góp phần giữ gìn biển đảo yêu dấu của quê hương” - bác sĩ Ngọc trải lòng.
Trong đêm tối mịt mù, tôi cùng y bác sĩ quân y ngồi trực, chỉ có tách trà là nóng và may mắn còn có điện, tiếng côn trùng đâu đó vẫn rả rích. Bác sĩ Ngọc mở to chiếc máy cát-sét cho mọi người cùng nghe và giải trí. Bài hát Gần lắm Trường Sa ơi có đoạn:  “Không xa đâu ơi Trường Sa ơi, không xa đâu ơi Trường Sa ơi. Vẫn gần bên em dù Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh dù Trường Sa luôn bên em”. Ai đó ngân nga hát theo.

Cô giáo và bác sĩ ở huyện đảo chân thành và thân tình như người nhà của bộ đội lẫn người dân. Họ gọi tên các anh chị đầy vẻ trìu mến. Việc giữ vững chủ quyền biển đảo không chỉ là trách nhiệm của quân đội mà còn là ý thức và trách nhiệm của mọi người dân đất Việt.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh