Trường Sa: Yêu thương hội tụ

(CTG) Những ngày đầu tháng 4, tôi được cùng Đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Trường Sa - đúng vào dịp quân và dân huyện đảo đón mừng sự kiện 35 năm Ngày giải phóng. Chứng kiến cuộc sống của quân, dân huyện đảo, các thành viên trong đoàn đều có chung cảm tưởng: Tự hào, cảm phục, xúc động và tin yêu…


Một sự đổi thay hiện hữu nơi đầu sóng nhờ sự chung tay của đồng bào cả nước.

Nghĩa tình đất liền với đảo xa

Hôm ấy, đã xế chiều, tàu HQ 960 mới kịp thả neo để đưa khách lên xã đảo Sinh Tồn (thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Nhìn từ xa, xã đảo phủ nhiều gam màu: Màu xanh của cây lá, màu đỏ của những mái ngói, màu trắng mịn màng của bãi cát… Bóng tối loang dần cũng là lúc trên những trục đường chính, doanh trại quân đội, trụ sở UBND xã, khu dân cư… lung linh ánh điện. Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, Dương Đức Hân bảo tôi:

- Phấn khởi lắm. Đó là điện chạy bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời đấy. Giờ đây, quân và dân xã đảo không phải dùng máy nổ để thắp sáng, xem ti vi nữa. Hiện nhiều hộ dân đã sắm cả tủ lạnh để chạy điện năng lượng sạch. Tất cả những thành quả này là nhờ sự chung tay góp sức của đất liền...

Cần phải nói rằng, việc thực hiện chương trình “điện khí hóa đảo xa” chiến công đầu thuộc về Thành phố Hồ Chí Minh, bởi đây là địa phương đầu tiên giúp đỡ Trường Sa ứng dụng công nghệ năng lượng sạch. Cùng đi trên chuyến tàu HQ 960 ra Trường Sa, tôi may mắn gặp ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ông kể: “Năm 2006, sau khi cùng lãnh đạo thành phố ra thăm Trường Sa về, chúng tôi quyết định thực hiện dự án “Nghiên cứu thiết kế, lắp đặt điện mặt trời và điện gió cho quần đảo Trường Sa”. Đầu tiên, chúng tôi thí điểm mô hình khai thác nguồn năng lượng sạch ở Cam Ranh (Khánh Hòa), lúc thành công mới triển khai mô hình này tại đảo Trường Sa lớn với chi phí khoảng 7 tỷ đồng. Trên cơ sở mô hình này, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quyết định giúp đỡ toàn bộ kinh phí để xây dựng hệ thống năng lượng sạch trên tuyến đảo”.

Cũng trên tàu HQ 960, tôi gặp anh Nguyễn Quốc Thịnh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Anh Thịnh cho biết: “Sau khi Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng thành công, lãnh đạo Tập đoàn đã đầu tư 36,7 tỷ đồng giúp toàn bộ các đảo xây dựng hệ thống năng lượng khai thác từ nắng và gió. Ngoài ra, Đoàn thanh niên Tập đoàn cũng ủng hộ 800 triệu đồng qua kênh của Trung ương Đoàn để gửi đến Trường Sa”.  

Chứng kiến những đổi thay nơi huyện đảo mới hiểu hơn nghĩa tình người dân cả nước dành cho Trường Sa. Chỉ riêng tại thị trấn Trường Sa - "thủ đô" của huyện đảo - năm 2009 thành phố Hà Nội đã dành 16 tỷ đồng xây dựng “Nhà khách Thủ đô”, đồng thời trao tặng 7 sổ tiết kiệm (mỗi sổ 5 triệu đồng) cho đại diện các hộ dân trên đảo; UBND tỉnh Nghệ An trích gần 10 tỷ đồng giúp huyện đảo xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng công ty cổ phần Rạng Đông hỗ trợ 8,4 tỷ đồng để xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ. Ngay trong chuyến ra thăm huyện đảo vừa qua, đồng chí Huỳnh Thị Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố đã trao tặng huyện đảo 8 tỷ đồng. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng tặng nhiều vật phẩm (trị giá hơn 100 triệu đồng) cho các đảo Đá Lớn, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa lớn, Đá Tây, Đá Lát…

Cả nước đã thực sự vì Trường Sa thông qua những việc làm thơm thảo

Khúc lặng biển xa

Đến xã đảo Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa, tôi chứng kiến những giây phút thật xúc động: Xuồng vừa cập bến, các cháu thiếu nhi đã ùa tới, líu lô chào hỏi khách như người thân lâu ngày gặp lại. Chị Trần Thị Thanh Nga, nhà ở thôn Sinh Tồn lớn bộc bạch: “Nghe tin hôm nay có đoàn từ đất liền ra thăm đảo, chúng tôi mừng lắm, cả qua đêm phấp phỏng chờ trời sáng…”.

Còn nhớ, hôm ở đảo chìm Đá Lát, khi Đoàn công tác chuẩn bị về tàu, Đại úy Trần Nhật Linh, đảo trưởng, đã có một mong muốn gây xúc động nhiều người: Đề nghị đoàn hãy nán lại 30 phút nữa để anh em lính đảo được hưởng thêm hơi ấm đất liền!

Sắp tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Quân chủng Hải quân và một số cơ quan chức năng sẽ tổ chức đưa đoàn đại biểu kiều bào ra thăm Trường Sa. Thành phần của đoàn gồm các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, thương gia, kể cả các nhà sư... Đoàn sẽ đi thăm, tặng quà quân và dân trên đảo, giao lưu giữa kiều bào, văn nghệ sĩ với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Đặc biệt, trong dịp này dự kiến sẽ tổ chức một cầu truyền hình nối Trường Sa với Thủ đô Hà Nội.
   
(Nguồn: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)

Những người đang sống mong ngóng hơi ấm đất liền, và những liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam chắc cũng bớt cô quạnh trước những cuộc viếng thăm thường xuyên hơn… Tôi đã được chứng kiến Lễ tưởng niệm thật trang nghiêm, xúc động trên boong tàu HQ 960, gần khu vực đảo Cô Lin và Gạc Ma. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo, Phó tư lệnh Quân chủng Hải quân giọng nghèn nghẹn: “Chính tại nơi đây, hơn 60 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân nhân Việt Nam đã anh dũng hy sinh… Mặc dù Quân chủng đã làm hết sức mình, nhưng do hoàn cảnh, đến nay nhiều đồng chí vẫn phải nằm lại với biển khơi, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố. Các anh ra đi vì Tổ quốc, nhưng để lại bao nỗi nhớ thương, bao niềm hy vọng khi những người thân vẫn đau đáu bên cánh cửa mong đón các anh về…”.

Nhiều người tham gia lễ tưởng niệm bật khóc!

Có thể nói, những năm qua, kinh tế đất nước ngày càng phát triển, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo tới đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Các hoạt động thăm hỏi, giao lưu giữa đất liền và Trường Sa ngày càng thường xuyên hơn. Riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức 7 đoàn ra thăm Trường Sa. Điều đặc biệt, trong số các đại biểu ra thăm huyện đảo có cả hòa thượng, linh mục, Việt kiều …  Trao đổi về cảm tưởng sau chuyến ra đảo vừa qua, ông Huỳnh Phú Hạnh, Việt kiều Mỹ cho biết: “Tôi rất khâm phục ý chí của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ở đảo. Mặc dù đời sống còn rất nhiều khó khăn, nhưng ai ai cũng yên tâm giữ đảo, gắn bó xây dựng Trường Sa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Cá nhân tôi, khi về Mỹ sẽ nói lại cho kiều bào hiểu rõ hơn về biển, đảo Trường Sa, về Việt Nam”.

Trong tháng 4 lịch sử này nhiều chuyến tàu ra với Trường Sa. Hẳn rằng, sau mỗi lần biển bờ hội tụ, quân và dân huyện đảo sẽ được tiếp thêm sức mạnh để Trường Sa mãi vững vàng nơi đầu sóng.

Theo Quân đội nhân dân



Lễ thả hoa viếng các liệt sĩ tại Trường Sa.