Về đâu chiếc ghe tuổi thơ tôi?

(CTG) Hễ tới tháng 8, tháng 9, nước lấp ló ngập bờ ruộng là tôi lại nhớ mấy chiếc ghe hàng ngày xưa.

 
Ảnh: Quang Trạng
 
Gọi là ghe hàng chắc vì chiếc ghe như một tiệm tạp hóa nổi trên sông, chở bao nhiêu là hàng hóa và chở cả tuổi thơ tôi.

Nhà ngoại cập mé sông, mùa nước nổi tới là đi lại khó khăn, có nơi ngập sâu không biết nơi nào là sông, là bờ, là đường đi. Những năm ấy, mỗi sáng cả nhà đều canh tiếng kèn tin tin vang dội cả một khúc sông để đón ghe hàng mua đồ ăn, vật dụng trong nhà. Mấy chiếc ghe hàng màu xanh trời, đầu ghe sơn đỏ không thể lẫn vào đâu giữa một vùng sóng nước.

Hầu như trên ghe hàng cái gì cũng có. Không giống như mấy chiếc xuồng ở chợ nổi vẫn thường treo hàng hóa lên bẹo, ghe hàng là một “siêu thị” mini thứ thiệt, hầu như những gì cần cho một cuộc sống bình dị ở thôn quê thì ghe hàng đều có bán. Ghe nhỏ mà chất chi chít đồ, và mỗi lần ai cần mua món gì là chủ ghe sẽ lấy y đúng, nhanh chóng như một bài ca thuộc nằm lòng từng câu từng chữ.

Thời ấy tôi hay lẽo đẽo theo ngoại, ngước nhìn chú lái ghe ngồi trên đầu ghe mà thích thú, rồi nhìn theo mấy con búp bê bà chủ treo lủng lẳng trên tầng, trong đầu cứ nghĩ không biết tiền trong ống heo của mình đã đủ để mua chưa.

Lần theo từng kênh rạch, chiếc ghe hàng không chỉ quen đường đi nước bước mà quen cả từng gương mặt, nếp nhà nằm dọc mé sông, bờ bãi. Trước nhà ngoại có hàng cà na, ghe đậu vào phải cập xéo sang vài thước, rồi lâu ngày ngoại không cần chạy ào ra í ới gọi, thấy thấp thoáng bóng ngoại ngay cửa nhà là chiếc ghe đã chuyển hướng vào bờ.

Tôi cùng tụi con nít ở xóm lắm lúc để dành được vài trăm đồng lại rủ nhau đón ghe hàng mua bánh. Cô chú chủ ghe quen mặt từng đứa, rõ con cái nhà ai, biết tụi nhỏ cũng chỉ đủ tiền mua một bịch cốm hay xí muội nhưng cô chú vẫn tấp ghe vào bờ, chờ đợi tụi con nít chúng tôi ngó nghiêng, ngó dọc mấy xâu bánh kẹo đủ màu sắc cho thỏa lòng. Chiếc ghe chở hàng, chở cả gia đình lênh đênh trên khắp sông rạch, mỗi lần ghe rời bến, tụi nhỏ cứ da diết nhìn theo, không biết ghe đi tới đâu, về đâu.

Giờ đường xá đã đắp cao, đổ bê tông đến tận ngõ nhà, năm nào nước lớn cũng không còn ngập. Vậy là đường đi chợ, đi mua sắm của bà con thuận lợi hơn nhiều. Đường sông giờ chỉ còn mấy chiếc ghe lớn lưu thông. Tiếng kèn vang vọng một khúc sông dần thưa vắng rồi lâu ngày không thấy chiếc ghe hàng màu xanh xanh mũi đỏ đâu nữa. Tôi nhớ bấy giờ mình vẫn chưa kịp mua được con búp bê nào, mà chiếc ghe hàng đã chở niềm ước mong của tuổi thơ tôi đi đâu, mất hút...

Giờ hình ảnh chiếc ghe hàng ấy chỉ còn trong đôi mắt của đứa trẻ đã trưởng thành, thích hoài niệm về những ngày xưa cũ.

Theo TN