Việt Nam chữa thành công 7 ca nhiễm virus corona ra sao?

Trong 16 người mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới (COVID-19) gây ra, đến nay Việt Nam đã chữa khỏi cho 7 người.

Điều nhiều người quan tâm hiện nay là khi chưa có thuốc điều trị chính thức loại bệnh này, các bệnh viện đã điều trị cho các bệnh nhân ra sao?

Ổn định tâm lý, khống chế các bệnh nền

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang (khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy), một trong các bác sĩ được chọn chăm sóc, điều trị cho hai bệnh nhân Trung Quốc nhiễm virus corona trong phòng cách ly đặc biệt, cho biết: "Về bệnh lý, người cha được xác định nằm trong diện có nhiều nguy cơ rơi vào diễn tiến nặng dẫn đến tử vong cao khi "hội tụ" các yếu tố lớn tuổi, có nhiều bệnh nền như ung thư phổi, đái tháo đường, bệnh mạch vành đặt 2-3 stent và tăng huyết áp… 

Thể trạng khi nhập viện của bệnh nhân rất kém, không tự đi đứng, sinh hoạt được. Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh. Lúc đó, các bác sĩ xác định muốn điều trị được virus corona buộc phải khống chế được các bệnh lý nền, từ đó tạo nên điểm tựa để điều trị virus corona hiệu quả hơn".

Về phác đồ điều trị, theo bác sĩ Sang, do chưa có thuốc đặc hiệu nên việc điều trị chính ở đây là điều trị hỗ trợ. Cụ thể, đầu tiên phải theo dõi kỹ triệu chứng lâm sàng, nhận định các biến chứng nếu có để can thiệp kịp thời.

Riêng với người con, bệnh viện chỉ điều trị hỗ trợ như hạ sốt, vệ sinh thân thể, hầu họng thật sạch. Ngoài ra, phòng ốc nơi lưu bệnh luôn trong tình trạng thoáng khí, có tiếp xúc với ánh sáng môi trường, song song đó là hỗ trợ vật lý trị liệu, cung cấp chế độ dinh dưỡng phù hợp.

Tuân thủ điều trị

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa chữa khỏi cho bệnh nhân L.T.T.H. (25 tuổi, ở xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) - ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên ở Khánh Hòa. 

Ông Nguyễn Vũ Quốc Bình - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa - cho biết vì đây là dịch bệnh mới nên bệnh viện thực hiện đúng phác đồ điều trị theo quyết định 125/QĐ-BYT ngày 16-1-2020 của Bộ Y tế về chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

"Thực tế bệnh nhân bị nhiễm siêu vi thì điều trị triệu chứng là chính, ví dụ bệnh nhân sốt thì điều trị hạ sốt, ho thì điều trị ho… Trong điều trị, bệnh nhân được cho uống thuốc bổ, thuốc nâng cao sức đề kháng, nâng cao thể trạng, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ, khi bị suy hô hấp thì can thiệp y tế ở mức cao hơn" - ông Bình cho hay.

Theo ông Bình, một trong những thành công trong điều trị đối với bệnh nhân H. là nhờ có sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân rất tốt. Ông Bình nói bệnh nhân đã được tư vấn giáo dục sức khỏe tốt, khi vừa được đưa vào viện là phối hợp tốt với bệnh viện để điều trị.

Ông Nguyễn Đông - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa - cho biết bệnh viện đã sử dụng thêm các liệu pháp về tâm lý trong quá trình điều trị đối với H.. Các y, bác sĩ thường xuyên trò chuyện, động viên đối với H..

Hội đồng chuyên môn quốc gia xây dựng phác đồ điều trị tại Việt Nam

Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết khi xây dựng phác đồ điều trị, trong Hội đồng chuyên môn quốc gia đã có đầy đủ các giáo sư đầu ngành. Vì vậy, trong phác đồ điều trị, Bộ Y tế đã hướng dẫn các bệnh viện căn cứ vào các triệu chứng của bệnh nhân.

Ví như bệnh nhân sốt cao, ho nhiều, bệnh nhân có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, tuổi cao… thì tất cả các biện pháp về điều trị phải theo những triệu chứng của bệnh nhân. Sử dụng những loại thuốc đã điều trị cho người bệnh từ kinh nghiệm dịch SARS trước đây, kể cả sử dụng thuốc nâng cao thể trạng, cũng đã được đưa vào phác đồ điều trị. (X.LONG)

Cách ly sớm

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết sau khi chữa khỏi cho bệnh nhân N.T.T. - người bệnh trong đoàn 8 người từ Vũ Hán về VN, bệnh viện có rút ra được nhiều kinh nghiệm: cách ly ngay, tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế và theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh tật của bệnh nhân để phát hiện sớm tất cả những biến chứng có thể xảy ra nhằm kịp thời xử lý.

Nguồn TTO

T.LN2